Bộ GTVT phải giải quyết tranh chấp

(ĐTTCO) - VETC đề nghị trả lại Nhà nước các dự án ETC, cho thấy doanh nghiệp đã không lường trước được các rủi ro khi lập kế hoạch dự án, đồng thời đặt ra trách nhiệm các bên liên quan.
Có gì khuất tất?
Lý do VETC đưa nguyên nhân dừng dự án ETC sau 5 năm triển khai do vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT không chịu hợp tác, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Do đó, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án này, để tiếp tục triển khai.
Trong trường hợp những tồn tại và khó khăn nêu trên không được giải quyết, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo, hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12-2019. Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án. 
Dư luận đặt câu hỏi: tại sao một chủ trương đúng lại khó triển khai như vậy? Và việc trì hoãn thu phí tự động không dừng có xuất phát từ lợi ích kinh tế của chủ đầu tư BOT hay lợi ích nhóm nào đó? 
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, khi lập kế hoạch dự án, doanh nghiệp đã không đánh giá được đầy đủ mức độ rủi ro khi thực hiện. Bởi dự án thu phí tự động không dừng không chỉ là mua sắm thiết bị, xây dựng phần mềm, mang đến lắp đặt và thu tiền tại các trạm BOT. Theo đó, giữa VETC và nhà đầu tư BOT phải ký phụ lục hợp đồng do phát sinh một lượng chi phí nhất định cho việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Đây là thủ tục tài chính bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện. 
Vậy tại sao cho đến nay mới có 11/44 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng dịch vụ, còn 33 trạm chưa ký, và đến nay giữa 2 bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận, dẫn đến dự án chậm trễ và kéo dài. 

Thiếu cơ chế phối hợp
Bản chất của thu phí tự động không dừng là khoa học và tiến bộ, được nhiều nước áp dụng và đã thành công. Chưa nói đến thu phí tự động không dừng còn đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian cho người sử dụng. Song, để triển khai dự án đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, cụ thể là giữa đơn vị triển khai thiết bị, đơn vị khai thác BOT, ngân hàng và cơ quan chức năng. 
Việc VETC đề nghị trả lại Nhà nước các dự án thu phí không dừng, cho thấy giữa đơn vị này và các doanh nghiệp đầu tư BOT đang trong tình cảnh “đồng sàng dị mộng”. Theo đó, cả 2 bên đã không đạt được thỏa thuận nào để cùng triển khai dự án và vận hành dịch vụ.
Đơn cử, đối với phụ lục hợp đồng giữa VETC và nhà đầu tư BOT, mức trích thu phí là điều khoản gây tranh cãi giữa 2 bên. Mức trích thu phí cần có hướng dẫn cụ thể cũng như sự thỏa thuận giữa 2 bên, song đến nay các bên vẫn chưa thống nhất được. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ BOT không mặn mà để VETC lắp đặt thiết bị. 
Tính đến thời điểm hiện tại, số trạm BOT bàn giao trạm thu phí và số lượng phương tiện dán thẻ ETC mới đạt 10%, con số quá khiêm tốn khi quỹ thời gian để kết thúc dự án  không còn nhiều.
Khách quan nhìn nhận, chuyện “bất hòa” về lợi ích giữa VETC và các chủ đầu tư BOT không thể không nói đến vai trò của Bộ GTVT. Bởi mức phí trích ra nhà đầu tư BOT trả cho VETC 3%, 5% hay 7% do Bộ GTVT quyết định. Mức phí này không phải do VETC đặt ra, mà phải được Bộ GTVT phê duyệt sau xin ý kiến của Bộ Tài chính về cách tính cũng như mức phí. Nhưng dường như trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT lại “bỏ quên” vấn đề này. 
Dự án thu phí tự động không dừng kéo dài 5 năm, nhưng tiến độ quá chậm trễ, đến nay đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Trong vụ việc này, không chỉ VETC, nhà đầu tư BOT mà cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cần xem xét lại quá trình thực hiện dự án này, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.
 Dự án thu phí tự động không dừng không thành công do cách tổ chức triển khai không tốt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra ký kết hợp đồng BOO phải chịu trách nhiệm việc này, không phải chỉ có lỗi của nhà đầu tư.

Các tin khác