Bộ KHĐT: Có thể kiểm soát dịch bệnh vào cuối năm 2021

(ĐTTCO) - "Sức chống chịu của doanh nghiệp tiếp tục giảm khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, những mảng màu xám loang rất nhanh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mở đầu bài phát biểu sáng 8-8.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2021 diễn ra trực tuyến với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, đại diện các Bộ, ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh, thành cùng 1.200 đại diện doanh nghiệp.

Nguồn lực dự trữ đang cạn dần

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm”.

Số liệu thống kê cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 34% so với cùng kỳ và lũy kế 7 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ 0,8%. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, khi con số trung bình trước đó là 8,1%.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng 25,5% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng TPHCM chiếm 29,1% tổng số doanh nghiệp rút lui của các nước và bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường.

"Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

“Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước”, Bộ trưởng nêu rõ.

8 nhóm vấn đề doanh nghiệp đang đối diện

Thông qua các kênh trao đổi thông tin với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận diện và tổng hợp 8 nhóm vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện hiện nay.

Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70-80%.

Tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển quan trọng như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải thời gian qua đã phản ánh bản chất không hẳn do tắc nghẽn bởi hạ tầng, hay do điều hành lưu thông hàng hoá, mà bản chất là do tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh.

Thứ hai là doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn ảnh hưởng nặng nề đặc biệt từ tháng 4-2021 trở lại đây; doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019 và đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu sụt giảm dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho các doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn). Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê văn phòng, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị… trong khi phải tạm ngưng hoạt động.

Bộ KHĐT: Có thể kiểm soát dịch bệnh vào cuối năm 2021 ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Hà.
Cũng do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết doanh nghiệp khó có thể xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.

Thứ ba, chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan như chi phí xét nghiệm, chi đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp, chi phí hỗ trợ giữ chân người lao động.

Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Thứ năm là lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Thứ sáu là khó khăn về lao động khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động để cầm cự trước dịch bệnh. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…

"Các doanh nghiệp đều nhấn mạnh vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách trong chống dịch", Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ bảy là khó khăn về chuyên gia. Các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Thứ tám là khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp còn cho biết việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.

Đề xuất 8 nhóm giải pháp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những khó khăn của khối doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu kiến nghị thực hiện 4 nhóm giải pháp ngắn hạn và 4 giải pháp dài hạn liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Một là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như phân bổ nguồn vaccine hợp lý, ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm, phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế…
Hai là đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị bị gián đoạn như tổ chức “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 trên cả nước, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi đảm bảo điều kiện an toàn.

Thứ ba là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp bao gồm sửa đổi các chính sách về phí cho ngành du lịch, tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới, sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp phù hợp…

Thứ tư là tháo gỡ khó khăn về lao động. Trong đó tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định cấp phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Về dài hạn, giải pháp thứ nhất là xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế, chính sách để phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, phát triển công nghiệp ngành y tế…

Thứ hai phải nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát và tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.

Thứ ba là thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.

Bộ KHĐT: Có thể kiểm soát dịch bệnh vào cuối năm 2021 ảnh 2 Đề xuất giảm một số loại thuế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong năm 2021 với khoảng 20.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.
Thứ tư nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoạt động bình đẳng. Đồng thời, đề xuất việc củng cố và phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.

Có thể đạt miễn dịch cộng đồng từ quý II-2022

Trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các chính sách tài khoá đã được ban hành để hỗ trợ giảm chi phí, hạn chế dòng tiền ra cho doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế, điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất hay 2 đợt hỗ trợ giảm giá điện…

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, với tinh thần đồng hành và sát cánh cùng doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo ban hành thêm nhiều chính sách, giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong đó, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện thêm 2 đợt giảm giá điện và đưa tổng giá trị 4 đợt giảm giá điện lên khoảng 16.300 tỷ đồng sau 7 tháng thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương nghiên cứu việc giảm giá nước sạch tiêu dung.

Một số giải pháp khác như gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông trị giá hơn 10.000 tỷ đồng vừa được công bố, gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bao gồm 12 chính sách hỗ trợ đã được ban hành với tổng giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua tái cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất tiếp tục được triển khai và hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận. Các chính sách giãn, hoãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí tiếp tục được kéo dài với tổng giá trị luỹ kế đến nay lên hơn 100.000 tỷ đồng.

Tiếp theo Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành chính sách giảm một số loại thuế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong năm 2021, dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan Nhà nước sẽ xem xét thực hiện giảm tiền thuê đất với tổng mức khoảng 700 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chính sách và giải pháp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, góp phần giảm bớt những khó khăn đang phải gánh chịu và giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảm đảo an sinh xã hội.

“Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, toàn bộ hệ thống chính trị đang dốc toàn lực nhằm kiểm soát dịch bệnh và dự kiến có thể kiểm soát trong cuối năm 2021, khi tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II năm 2022”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế ngay từ thời điểm hiện tại, nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón đầu xu hướng. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Các tin khác