Bức tranh ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ như thế nào?

(ĐTTCO)-Theo Bộ Tài chính, năm 2022, phấn đấu dự toán thu nội địa bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021. Dự toán chi thường xuyên năm 2022 nguồn NSNN sẽ phải thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% so với dự toán năm 2021.
Bức tranh ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ như thế nào?

Thu nội địa tăng 6 - 8%

Về bức tranh ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại...

Bộ Tài chính cũng đưa ra mục tiêu cụ thể, đó là phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Trong xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022, Bộ Tài chính cũng tạm tính phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách Trung ương (NSTƯ) và ngân sách địa phương (NSĐP) như: số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: tính 37,2% số thu là khoản thu phân chia giữa NSTƯ và NSĐP; 62,8% số thu điều tiết về NSTW; số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản: trường hợp giấy phép khai thác do cơ quan Trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho NSTƯ, 30% cho NSĐP; trường hợp giấy phép khai thác do UBND cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% cho NSĐP.

Đánh giá về mục tiêu trong xây dựng dự toán thu ngân sách 2022, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, mức tăng thu tuy cao nhưng khả thi. Bởi nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào dự báo tốc độ tăng GDP của năm 2022. Năm 2022, dự báo dịch Covid-19 được kiểm soát khi vaccine được tiêm chủng rộng rãi, đạt được miễn dịch cộng đồng chậm nhất vào quý 2, nền kinh tế phục hồi trở lại, cùng với đó là khả năng phục hồi của các DN, đặc biệt là các DN tư nhân, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài  là nguồn chính của thu nội địa.

“Cùng với đó, năm 2022 thị trường toàn cầu dự báo được phục hồi cũng giúp cho nền kinh tế Việt Nam phục hồi dưới 2 góc độ: XNK tăng và thu từ XNK tăng; các DN trong nước cũng được hưởng lợi do gia công cho các DN ngoại”, TS. Lê Duy Bình cho biết.

Tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên

Về dự toán chi NSNN, năm 2022 sẽ ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) sẽ ưu tiên bố trí dự toán năm 2022 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước NSNN; các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN thực hiện các dự án, công trình phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP).

“Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ phải phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân trong năm 2022. Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hàng năm của NSTƯ cho NSĐP để thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSTƯ”, Bộ Tài chính cho biết.

Đối với dự toán chi thường xuyên, Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan Trung ương và các địa phương xây dựng dự toán chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Trong đó, dự toán chi thường xuyên năm 2022 nguồn NSNN của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể sẽ phải thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên (ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo quy định, các khoản chi cho con người) so với dự toán năm 2021 trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị..., tăng chi từ nguồn thu sự nghiệp công; dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, thực hiện chuẩn nghèo, chi trợ cấp xã hội.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách nhà nước đang đứng trước khó khăn, thách thức rất lớn. Năm 2021 có thể là năm đầu tiên trong nhiều năm qua phải chấp nhận tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác điều hành ngân sách nhà nước trong những năm tiếp theo, bởi nguồn lực cho đầu tư phát triển sẽ hạn chế, trong khi đây lại là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Sang năm 2022 có thể vẫn phải tăng vay để có nguồn cho chi đầu tư phát triển, đồng thời phải tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi thường xuyên. Bên cạnh đó, cũng cần có những động thái kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu còn dư địa tăng thu như thuế thương mại điện tử, tăng cường chống chuyển giá, trốn thuế, nợ đọng thuế. Tuy nhiên, cần tính toán thực hiện các giải pháp hỗ trợ và nuôi dưỡng nguồn thu để dần củng cố cán cân tài khoá sau dịch”, PGS. TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.

Các tin khác