Buộc phải vay nhưng tính toán an toàn

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, ông TRƯƠNG HÙNG LONG (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết Chính phủ đang duy trì nhiều biện pháp đồng bộ để kiểm soát và đảm bảo an toàn cho quản lý nợ công quốc gia.
Buộc phải vay nhưng tính toán an toàn ảnh 1 Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).
PHÓNG VIÊN: - Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 của Chính phủ gửi Quốc hội, nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,63 triệu tỷ đồng và nghĩa vụ Chính phủ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi trên 360.000 tỷ đồng. Như vậy, với dân số 97,5 triệu người, năm 2020 trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công. Ông bình luận thế nào về con số này?
Ông TRƯƠNG HÙNG LONG: - Ở đây có 2 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất là vấn đề nợ công buộc tăng nhanh trong năm nay. Theo dự kiến đến hết năm 2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước 24,1%, và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP. Năm 2021, dự kiến chi trả nợ trực tiếp hơn 368.000 tỷ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách.
Năm 2020 do xảy ra dịch Covid-19 nên trong các báo cáo tài chính - ngân sách của Chính phủ đều tách làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 2016-2019, Chính phủ xây dựng báo cáo theo cách đánh giá chung như lâu nay vẫn làm.
Riêng năm 2020, xây dựng báo cáo theo cách tính riêng vì kinh tế bị tác động do Covid-19, bội chi ngân sách lớn để hỗ trợ nền kinh tế, do đó phải đánh giá theo tiêu chí đặc thù. Con số 24,1% phải trả nợ do nguồn thu giảm (mẫu số giảm) trong khi trả nợ vẫn tăng (tử số tăng lên). 
Về vấn đề tỷ lệ trên có vượt ngưỡng cho phép cần phải hiểu rõ bản chất của nợ phải trả là gì. Bản chất của kế hoạch vay nợ và trả nợ là xây dựng các kịch bản nợ khác nhau, nghĩa là chấp nhận mức độ, quy mô nợ, cấu trúc nợ khác nhau và rủi ro nợ cũng khác nhau.
Thí dụ, chúng ta chấp nhận vay dài hạn cũng phải chấp nhận lãi trả nợ phải cao hơn vay ngắn hạn, đó là vòng quay lớn hơn. Hiện nay, kịch bản vay nợ và trả nợ xây dựng nằm trong điều kiện của pháp luật và Quốc hội cho phép. Năm 2020 chúng ta chấp nhận tỷ lệ trả nợ chạm ngưỡng cũng là để không phải đi vay nợ thêm hoặc đảo nợ.
Thứ hai, về tỷ lệ nợ công tính bình quân trên đầu người dân. Khi tính theo cách chia con số nợ công trên GDP rồi chia cho bình quân đầu người sẽ ra con số rất lớn, là chưa chính xác. Bởi khoản nợ công đó cần phải tính đến yếu tố kỳ hạn là phải trả trong thời gian bao nhiêu năm, nghĩa là trong cơ cấu kỳ hạn trả nợ có khoản nợ 5 năm, 10 năm, 20 năm…
Do đó, không thể tính theo cách lấy tổng số nợ công (đang vay) chia cho tổng GDP tính cho 1 năm sẽ khập khiễng. Tính đến thời điểm hiện tại, nợ kỳ hạn bình quân trên toàn bộ danh mục nợ khoảng 14 năm.
Nghĩa là khoản nợ công đó Việt Nam sẽ phải trả đều đặn trong vòng 14 năm, không phải là trả ngay trong 1 năm. Cách tính phải là cộng tổng GDP 14 năm rồi chia cho con số 14 năm sẽ ra được con số tỷ lệ nợ công phải trả hàng năm, đây mới là cách tính đúng.
Buộc phải vay nhưng tính toán an toàn ảnh 2 Ảnh minh họa.
- Nhiều năm nay vấn đề được quan tâm là mức độ an toàn của nợ công. Ông đánh giá thế nào về độ an toàn nợ công hiện nay?
- Trước hết phải khẳng định chất lượng nợ công của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Nợ công giai đoạn 2016-2020 được cải thiện khá nhiều so với giai đoạn năm 2013-2015.
Trong khi giai đoạn trước, thời hạn danh mục trái phiếu chính phủ (TPCP) khoảng 2,9 năm, lãi suất 11-12%/năm, phải đảo nợ thường xuyên, nay với nhiều nỗ lực cơ cấu lại, thời hạn danh mục TPCP đã lên trên 8 năm.
Từ đầu năm đến nay, các khoản vay này có kỳ hạn vay trên 13 năm trong khi lãi suất chỉ 2,9%, thấp hơn lãi suất vay ưu đãi và không bị tác động tỷ giá. Mức vay này là điều kiện tốt để đàm phán vay quốc tế có lợi hơn.
Việt Nam hiện nay là một trong số ít quốc gia đang phát triển bị tác động tiêu cực của Covid-19, vẫn giữ nguyên mức độ tín nhiệm của các tổ chức quốc tế đánh giá. Đến nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác với 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch Ratings, và trong 5 năm qua mức tín nhiệm của Việt Nam vẫn được đánh giá tăng trưởng đều đặn.
Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số phản ánh toàn bộ diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, xã hội, tài chính, tiền tệ, tín dụng và khả năng hoàn trả hữu hạn đối với danh mục nợ của quốc gia.
Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như một yếu tố xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi quyết định đầu tư.
- Quan điểm của ông thế nào về ý kiến cho rằng cách tính lại tổng GDP có thể giúp Việt Nam vay nợ nước ngoài được dễ dàng hơn?
Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch và đề xuất ra Quốc hội thông qua nghị quyết để áp dụng các biện pháp như hoán đổi, tái cơ cấu trả nợ, nhằm giảm áp lực nghĩa vụ trả nợ theo thông lệ quốc tế. 
- Có rất nhiều yếu tố ràng buộc để chúng ta được vay hay không. Luật Ngân sách cũng quy định rất rõ chỉ được vay nợ nước ngoài cho mục đích đầu tư. Hiện vốn đầu tư của Việt Nam đang duy trì ở tỷ lệ 33-34%, nghĩa là nằm trong nhóm các quốc gia cần vốn đầu tư rất nhiều.
Trong khi đó, đa số quốc gia khác tỷ lệ đầu tư chỉ khoảng 20%. Ngoài ra, hiện chúng ta đang đầu tư theo chiều ngang không theo chiều sâu, nghĩa là chủ yếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng nên đòi hỏi vốn đầu tư lớn, cần huy động nhiều. Nguyên tắc của chúng ta là chỉ vay cho đầu tư, không vay cho chi thường xuyên. 
Còn việc rà soát, tính toán lại tổng GDP vì cách tính của chúng ta đang khác với nhiều nước. Trong cách tính GDP của các nước có tính đến các yếu tố khác như kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm… những thành phần chiếm tỷ lệ nhất định trong cơ cấu GDP. Nên việc chúng ta tính lại GDP là hợp với thông lệ quốc tế.
- Được biết, Chính phủ phải đi vay bù đắp bội chi ngân sách. Vậy nguồn vay này sẽ được xây dựng với cơ cấu ra sao và có biện pháp gì để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, thưa ông?
- Nếu tính dư nợ trong thời điểm hiện tại, xây dựng nghĩa vụ trả nợ trong 10 năm tới nợ công chưa vượt ngưỡng. Nhưng 5 năm tới chắc chắn phải vay nhiều để đầu tư. Quốc hội vừa xây dựng kế hoạch đầu tư công, tài chính quốc gia 5 năm tới nên 5 năm tới cũng phải tính toán lại GDP.
Như vậy vay như thế nào Quốc hội phải tính. Trong cơ cấu nguồn vay nợ hiện nay dự tính vay nợ trong nước khoảng 80%, vay nợ nước ngoài khoảng 20%. Đối với vay nước ngoài, hiện chỉ còn vay từ ODA. 
Đối với nguồn vay trong nước, chúng ta chủ động trong phát hành TPCP nên cần tính toán lại kỳ hạn trái phiếu như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, cần tính đến phương án hoán đổi.
Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tính lại cung tín dụng, lượng tiền, nhu cầu nhà đầu tư…, sau đó đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu hàng năm để thông qua sở giao dịch đấu thầu.
Thí dụ, Chính phủ đề xuất vay nợ qua kênh phát hành trái phiếu 10-20 năm, nhưng nhu cầu nhà đầu tư chỉ muốn 5 năm. Có nghĩa đến lúc đó nghĩa vụ nợ sẽ phải tính đến các phương án khác như hoán đổi, mua lại để nghĩa vụ trả nợ giảm… 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác