Cả nước có 4 mặt hàng xuất khẩu vượt 5 tỷ USD

(ĐTTCO)-Mặc dù có số ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, song 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa chuẩn bị thông quan tại cảng Hải phòng. (Ảnh: TTXVN)
Hàng hóa chuẩn bị thông quan tại cảng Hải phòng. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng. Dù có số ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, song 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của cả nước vẫn giữ mức tăng trưởng hai con số.

Khối nội tăng tốc

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 2/2022 xuất khẩu đem về khoảng 22,95 tỷ USD. Luỹ kế 2 tháng tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, gồm Điện thoại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Sản phẩm dệt và may mặc; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.)

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,4%, giảm 0,8 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, bằng cùng kỳ năm trước.

Mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, song 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 14,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều mặt hàng trong nhóm này có giá trị xuất khẩu tăng cao, gồm: Càphê tăng 35,6%; cao su tăng 6,6%; gạo tăng 22,3%; hồ tiêu tăng 43,8%; sữa và sản phẩm sữa tăng 11,1%; cá tra tăng 83,3%; tôm tăng 34,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,5%…

Đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày cho thấy những tín hiệu tích cực về cả thị trường và đơn hàng xuất khẩu, trong đó nhiều đơn vị đã ký được hợp đồng với đối tác đến hết quý 2/2022.

“Trong quý 1/2022, kết quả sản xuất-kinh doanh của Tập đoàn đang diễn ra thuận lợi nhưng các đơn vị vẫn phải phòng ngừa những rủi ro về tỷ giá, lãi suất, logistic…,” ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex cho hay.

Tận dụng tối đa các FTA

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,6%, giảm 1,6 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%, tăng 1,7 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng qua với kim ngạch ước đạt 19,7 tỷ USD. Riêng thị trường Nga, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 109,1 triệu USD.

Như vậy, 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP, RCEP…

Riêng với hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu, Bộ Công Thương cho biết bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng về việc tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa, cơ quan này cũng khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn.”

Song song đó, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.

“Cần phải tăng cường chế biến sau thu hoạch để đem lại những sản phẩm có giá trị cao hơn, không phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy sẽ nâng cao chất lượng hàng nông sản cũng như giảm bớt sức ép lên khu vực cửa khẩu như thời gian vừa qua,” ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay.

Các tin khác