Cải cách để huy động vốn quốc tế

(ĐTTCO) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm 8,6% GDP so với 130% của hoạt động cho vay tín dụng. Như vậy phần lớn hoạt động tài trợ vốn đến từ ngân hàng (NH), theo đó đa số rủi ro nằm ở hệ thống NH. Vì vậy, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải phát triển thị trường vốn để có thể dàn trải được rủi ro. 
Có bước tiến nhưng vẫn còn hạn chế
Thị trường TPDN Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong vài năm gần đây và đạt dung lượng 8,6% GDP vào năm 2018. Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN có hiệu lực từ tháng 2-2019, cũng đã tập trung phát triển hành lang pháp lý để khuyến khích các loại hình đầu tư mới, nhà đầu tư (NĐT) mới trong thị trường TPDN. Trên thị trường TP, các doanh nghiệp (DN) cũng đã mở rộng kỳ hạn huy động vốn từ mức 1-3 năm chuyển đến kỳ hạn dài hơn là 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc DN cải thiện được cơ cấu vốn với thời hạn vay nợ dài hạn hơn.
Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể nền kinh tế, cho thấy đa số đơn vị phát hành TP chủ yếu là NHTM, công ty bất động sản, chứng khoán. Rất ít DN thuộc các ngành khác tham gia. Đồng thời, 30 đơn vị phát hành TP hàng đầu chiếm 85% TPDN bằng VNĐ hiện nay. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tổng quy mô thị trường TPDN năm 2018 tương đương 8,6% GDP, chỉ tương tự với Philippines. Trong khi lẽ ra quy mô thị trường TPDN của Việt Nam phải tương tự Malaysia (hơn 46% GDP) hoặc Thái Lan (hơn 20%), vì khả năng kết nối với thị trường thế giới, cũng như vai trò của thị trường vốn khá phát triển trong những năm gần đây. 
Cải cách để huy động vốn quốc tế ảnh 1 Khai thông thủ tục, minh bạch thông tin mới kỳ vọng huy động nguồn vốn quốc tế.
Một con số đáng lưu ý nữa, tỷ lệ các NH và công ty chứng khoán đầu tư vào TPDN chiếm đến 77% tổng lượng phát hành, NĐT nhỏ lẻ chiếm chỉ khoảng 3%. Điều này cho thấy cơ sở khách hàng khá hạn hẹp, sự phân bố của thị trường TPDN chủ yếu tập trung vào nhóm trái chủ NH và công ty chứng khoán.

Khai thông thủ tục, minh bạch thông tin
Hiện nay hệ thống NH Việt Nam phải áp dụng chuẩn mực Basel II,  cùng với đó tìm kiếm nguồn vốn để tài trợ các hoạt động phát triển của DN và xử lý nợ, cũng làm tăng áp lực lên NHNN và NHTM. Trong bối cảnh đó, phát triển TPDN sẽ là kênh hỗ trợ giảm sức ép cho hệ thống NH, mang lại sự ổn định, dàn trải rủi ro, gia tăng kỳ hạn cho DN trong vấn đề huy động vốn. Và thị trường TPDN tại Việt Nam dù chưa đạt kỳ vọng nhưng còn rất nhiều không gian để phát triển. Song muốn làm được cần vượt qua một số rào cản. Liên quan đến vấn đề này, tôi có một số đề xuất gợi ý. 
Thứ nhất, quy trình thủ tục phát hành TPDN hiện nay vẫn khá phức tạp. Kể cả những công ty quy mô vừa và lớn hiểu rất rõ về vấn đề pháp lý trong việc phát hành TPDN, nhưng họ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải xử lý được các trình tự thủ tục. Hiện HSBC làm việc với rất nhiều NH, tập đoàn và cơ quan quản lý để có thể hỗ trợ thúc đẩy và cải thiện hơn thị trường TPDN tại Việt Nam. 
Thứ hai, minh bạch thông tin là điều rất quan trọng nếu DN muốn đa dạng cơ sở khách hàng, NĐT. Gần đây, chúng ta đã nghe nói về việc bảo vệ NĐT trên thị trường TPDN, tức phải để NĐT hiểu biết rõ thông tin về những DN phát hành. Muốn vậy, DN phát hành TP ra công chúng bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm. 

Kết nối thị trường vốn quốc tế
Vì vậy, Việt Nam nên sớm cải thiện về hành lang pháp lý, luật định liên quan đến phát hành TPDN để NĐT nước ngoài hiểu trình tự thủ tục, biện pháp phòng vệ, các công cụ hoán đổi về mặt lãi suất hoặc về tiền tệ. DN phát hành phải được xếp hạng tín dụng, hiểu biết pháp lý và trình tự thủ tục để chuẩn bị hồ sơ, đợi phê duyệt, tổ chức quảng bá, xúc tiến đầu tư, công bố, dựng sổ, định ra thị trường thứ cấp. Khi môi trường pháp lý tốt và DN minh bạch thông tin, được xếp hạng bởi các tổ chức đánh giá tín nhiệm, khả năng tiếp cận thị trường sẽ rất tốt, NĐT nước ngoài cũng hiểu rõ hơn mức độ rủi ro đối với TP của DN để cân nhắc đầu tư. 
Hiện đã có một số DN Việt Nam kết nối được với thị trường vốn quốc tế để huy động nguồn lực tài chính. Đánh giá về tín nhiệm của Việt Nam đã được nâng từ mức B1 (tích cực) lên mức Ba3 (ổn định), nên khả năng tiếp cận vốn của DN tư nhân trong nước đối với thị trường vốn quốc tế cũng tốt hơn. Vì vậy, phát hành TPDN ra thị trường quốc tế cũng là bước đi cần chọn lựa. Thị trường vốn quốc tế sẽ giúp DN Việt Nam phát triển cơ sở NĐT. Thực tế cho thấy một số nền kinh tế ở châu Á cũng phát triển được khả năng kết nối với thị trường TP thế giới, khi DN phát hành đáp ứng được các yêu cầu như hồ sơ chuẩn theo thông lệ quốc tế, theo đó thúc đẩy mức độ phát triển TPDN nhanh hơn. 
Nếu phát triển thị trường TPDN bài bản, thị trường vốn Việt Nam phát triển mạnh hơn song song với vai trò rất mạnh của NH hiện nay, sẽ giúp DN tiếp cận khu vực và quốc tế, nâng cao uy tín và mở rộng thị trường Việt Nam ra quốc tế. Hiện DN cũng có thể kết nối với nhiều NH để giúp mở rộng tìm kiếm khách hàng nước ngoài. 
Trong quá trình tìm vốn từ thị trường tài chính quốc tế, quảng bá marketing cũng rất quan trọng, là cách tốt nhất để kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới và tăng cơ hội cho DN khi phát hành TP quốc tế. Một điều khá phổ biến ở Việt Nam là hầu như 100% phát hành TP đều là phát hành riêng lẻ, không phát hành ra công chúng. Đây là thách thức cần phải chú ý.  
 Việt Nam cần sớm cải thiện hành lang pháp lý, luật định liên quan đến phát hành TPDN, giúp NĐT nước ngoài hiểu trình tự thủ tục, biện pháp phòng vệ, các công cụ hoán đổi về mặt lãi suất hoặc về tiền tệ để cân nhắc đầu tư. 

Các tin khác