Cái giá phụ thuộc ngoại binh

(ĐTTCO)-Mặc dù chỉ là dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là thị trường thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển; hay dẫu biết rằng thu hút FDI là xu thế thời hội nhập, các doanh nghiệp (DN) FDI mang lại lợi ích nhất định. Song có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần có cách nhìn, ứng xử khác đối với FDI.
Bắc Ninh luôn đứng hàng thứ 2/63 tỉnh thành cả nước về kim ngạch xuất khẩu (sau TPHCM) nhờ "cây gậy" FDI Samsung.
Bắc Ninh luôn đứng hàng thứ 2/63 tỉnh thành cả nước về kim ngạch xuất khẩu (sau TPHCM) nhờ "cây gậy" FDI Samsung.
Trước diễn biến của các trận đầu bóng đá Cúp Quốc gia vừa qua, nhiều đội V-League thua đội hạng Nhất, có vị HLV đã phải thốt lên "V-League quá phụ thuộc ngoại binh” và lo các đội bóng không ngoại binh sẽ thi đấu bế tắc.
Thực ra chuyện ngoại binh trong bóng đá nước ta từng có nhiều ý kiến khác nhau, như e ngại ở những đội có ngoại binh giỏi, cầu thủ nội sẽ mất cơ hội thể hiện, lâu ngày không được ra sân, có nguy cơ giải nghệ.
Tuy vậy, bóng đá chỉ là cuộc chơi chủ yếu của lớp trẻ khỏe cùng các đại gia, thắng - thua vài trận chưa thể hiện đẳng cấp, chỉ là phong độ nhất thời, có khi còn nhờ thần may mắn. Song từ câu nói “quá phụ thuộc vào ngoại binh” của vị HLV nói trên, dường như lại đang vận vào kinh tế nước ta với các hàm ý.
Từ khi mở cửa hội nhập, FDI đã trở thành một trong các thành viên của nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ nền tảng thể lực kinh tế - tài chính - kỹ thuật mạnh của khối DN này, kinh tế Việt Nam như được tiêm liều thuốc đại bổ, sớm khởi sắc. Nhưng chỉ không lâu sau đó, dù các “ngoại binh” này “vào sân” muộn, đã làm khuynh đảo “sân cỏ” của ta, đẩy DN nội địa vào thế yếu trên sân nhà, lép vế khi xuất ngoại.
Các DN FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 58,2% vốn, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin… và nhanh chóng tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Nhưng rồi, chúng ta cũng sớm “vỡ” ra rằng các DN FDI không mặn mà đầu tư xây dựng nền tảng công nghiệp hiện đại cho Việt Nam, thực chất chỉ thuê địa điểm gia công, lắp ráp sản phẩm mang về chính quốc hoặc xuất khẩu, khiến mộng ước của chủ nhà đeo đuổi từ 10 năm nay, dù chỉ “có nền công nghiệp theo hướng hiện đại”, đến nay vẫn không thành. 
“Ngoại binh” FDI này tập trung vào xuất nhập khẩu cũng khuynh đảo lĩnh vực này. Như các DN FDI tham gia xuất khẩu đã nhanh chóng áp đảo tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2019, cả nước xuất khẩu 263,4 tỷ USD, khối FDI chiếm 181,3 tỷ USD (68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Nhờ ngoại binh FDI, xuất khẩu của Việt Nam vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD, rồi 200 tỷ USD, hướng tới 300 tỷ USD vào năm nay. Đồng thời, để có hàng xuất khẩu, DN FDI đã mang theo thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, nên kim ngạch nhập khẩu của khối FDI cũng tăng cao, năm 2019 là 145,5 tỷ USD (chiếm 57,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước).
Cũng nhờ vậy, năm 2019 lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt qua ngưỡng 500 tỷ USD (516,9 tỷ USD), trong đó FDI góp 326,8 tỷ USD, bằng 63,2%.    
Tỷ trọng chung xuất khẩu của khối FDI là vậy, còn từng mặt hàng có mức độ khủng hơn. Năm 2019, trong kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện, FDI chiếm 95%. Tỷ lệ tương tự ở nhóm điện tử, máy tính và linh kiện 82,3%, nhóm giày dép 76,5% và nhóm hàng dệt may 58,9%.
Riêng mặt hàng gỗ và đồ gỗ lại thể hiện thế mạnh khác của ngoại binh FDI, khi chỉ có 663 DN, chiếm 15% tổng số DN, nhưng xuất khẩu 4,96 tỷ USD, góp tới 48% kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này, bình quân mỗi DN FDI xuất khẩu được 7,3 triệu USD/năm.
Trong khi đó, số DN nội địa 3.800, chiếm 85% tổng số DN, xuất khẩu 5,37 tỷ USD, góp 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, bình quân mỗi DN nội địa xuất khẩu 1,4 triệu USD/năm. Với tình hình trên, giả dụ các ngoại binh FDI rút khỏi Việt Nam, xuất khẩu thuần túy Việt Nam teo lại, chỉ còn khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước hiện tại.     
Bắc Ninh là một trong những tỉnh nhỏ nhất nước về diện tích, ít về dân số, nghèo về tài nguyên, song lại có sức vươn lên thần kỳ. Bắc Ninh gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD” của Việt Nam từ năm 2010, đây là danh hiệu dành cho những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Liên tục từ năm 2013 trở lại đây, Bắc Ninh luôn đứng thứ 2 trên 63 tỉnh thành về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau TPHCM. Được vậy nhờ Bắc Ninh đã kéo hãng điện thoại lừng danh của Hàn Quốc vào lập xưởng lắp ráp, nên năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh vào top hàng đầu cả nước.
Nhưng chắc ít người biết 98% kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh là của FDI, và hình thái cán cân thương mại của Bắc Ninh “copy” cán cân thương mại của cả nước, khối FDI chuyên xuất siêu, trong khi khối DN tỉnh nhà tuy chỉ có 2% nhưng cứ thản nhiên… nhập siêu.
Câu chuyện “ngoại binh” trong nền kinh tế nước ta cũng lố nhố như ngoại binh trên sân bóng vậy. Vì đa năng, đa tài, cầu thủ này được dùng ở nhiều cấp độ đội tuyển tựa như vài ngôi sao của bóng đá nổi lên trong sự kiện Thường Châu năm 2018. Khi “ngoại binh” này nằm trong nhóm “công nghiệp” tung ra tới 50% cú sút, khi nó được chọn đá ở đội tuyển “thương mại” ghi tới 70% bàn thắng. Còn về “đấu” cho đội tuyển Bắc Ninh nó kiểm soát bóng tới 98%. 
Đến nay, trong khi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương - vốn nổi đình đám một thời - vẫn hãnh diện vì sớm mời được các nhà đầu tư FDI xịn, thì hiện nay cả nước chỉ có tỉnh Điện Biên chưa có “ngoại binh” FDI.
Dẫu biết thu hút FDI là xu thế thời hội nhập, các DN FDI mang lại lợi ích nhất định. Nhưng cứ như vừa qua, cứ coi mọi thành tích của FDI cũng là thành tích của mình, chẳng khác nào thành tích của đội tuyển bóng đá quốc gia khi có “ngoại binh” nhập tịch. 
FDI phải mang vào thị trường Việt Nam những kỹ năng quản lý tốt, chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề, để từ đó Việt Nam xây cơ đồ công nghiệp hiện đại, xây dựng ngôi nhà thương mại bình đẳng, văn minh, bớt phụ thuộc vào “ngoại bang”, trở thành “nước phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”, đó mới là mục tiêu cần hướng đến.
Còn nếu chúng ta cứ tự mãn, không chịu làm mới mình, chỉ dựa vào “ngoại binh” FDI, 10 năm hoặc 25 năm nữa, giấc mộng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cũng vẫn chỉ là… mộng. 

Các tin khác