Cam go cuộc chiến thương mại điện tử

(ĐTTCO) - Với gần 100 triệu dân với đa phần là dân số trẻ thường xuyên sử dụng internet, tăng trưởng kinh tế đều đặn, nhu cầu mua sắm cao, Việt Nam từng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của thương mại điện tử (TMĐT). Song thực tế trong những năm qua cho thấy đây không phải là lĩnh vực dành cho doanh nghiệp ít vốn và không tìm được hướng đi riêng cho mình. 

Cạnh tranh khốc liệt
Mới đây, Lotte Mart xác nhận sàn TMĐT Lotte.vn sẽ chính thức ngưng bán hàng từ ngày 20-1-2020. Lotte.vn trực thuộc Công ty TNHH TMĐT Lotte Việt Nam, thành lập năm 2016 và là đối tác của Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù tuyên bố đóng Lotte.vn nhưng Lotte Mart vẫn hoạt động bình thường, đồng thời cho biết sẽ sáp nhập Lotte.vn vào Speedl.vn - trang TMĐT cũng thuộc Lotte Mart. Động thái đóng cửa Lotte.vn xảy ra chỉ 1 tuần sau khi Vingroup tuyên bố đóng cửa trang TMĐT Adayroi.com. Cả 2 website TMĐT này đều được chống lưng bởi những tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Thực tế từ đầu năm 2019, nhiều trang TMĐT như Robins.vn (được biết đến nhiều với tên Zalora), vuivui.com của Thế Giới Di Động cũng đã đóng cửa.
Cam go cuộc chiến thương mại điện tử ảnh 1 2 trang TMĐT có sự đỡ đầu của 2 "đại gia" xong vẫn không thể trụ nổi.
Thực ra với sự phát triển của công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, TMĐT ra đời và trở thành xu hướng mua sắm, kinh doanh phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, TMĐT đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người mua và người bán. TMĐT Việt Nam cũng từng được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây. Thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho thấy quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/năm, dự kiến năm 2020 sẽ đạt mức 10 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân chi tiêu khoảng 350USD/năm thông qua mua sắm online. Với dân số hơn 96 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet cao, là cơ sở để thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Nhưng đầu tư vào TMĐT là cuộc chơi “dài hạn” và “đốt tiền”, bởi phải chi phí rất nhiều tiền cho nhân sự, marketing, stock hàng... Trong khi đó, hiện nay đa phần doanh nghiệp đang đầu tư vào TMĐT tại Việt Nam chưa có lãi thực sự (trừ một số dự án vertical E-Commerce), trong khi số tiền đầu tư đã lên đến hàng triệu USD để tham gia cuộc chơi với mong muốn sẽ thành kẻ “trụ hạng” cuối cùng của thị trường.

Cuộc đua “tứ trụ”
Hiện nay, tại Việt Nam TMĐT chỉ còn lại 4 cái tên đáng chú ý là Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn và Shopee.vn. “Tứ trụ” trên là những ông lớn còn sót lại sau cuộc sàng lọc trong nhiều năm qua. Mới đây, Amazon - doanh nghiệp bán lẻ đến từ Mỹ từng làm mưa làm gió trên thị trường thế giới - vào Việt Nam, ký kết với Tập đoàn T&T và SHB để mở rộng thị trường Việt Nam tuy nhiên vẫn chưa chốt thời gian cụ thể khi nào sẽ nhập cuộc. Do đó, những người am hiểu cho rằng “tứ trụ” trên sẽ cùng nhau nắm giữ thị trường trong ít nhất vài năm tới. Ông chủ của 4 cái tên này đều là những ông lớn trong khu vực, có kinh nghiệm trong việc phát triển TMĐT, có nguồn vốn khổng lồ. 
Nhìn vào “tứ trụ”, có thể thấy cơ cấu đang nghiêng về phía doanh nghiệp nội địa và năm nay có thể xem là bản lề cho thị trường TMĐT Việt Nam, các công ty nội địa sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh công bằng với các đối thủ trong khu vực. Một lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang đầu tư cho TMĐT doanh nghiệp ngoại không có được, là khả năng nắm bắt tâm lý người tiêu dùng Việt Nam nhanh nhạy hơn nhờ cùng văn hóa. Điều này giúp doanh nghiệp có được những chiến dịch “educate thị trường”. Đơn cử, trong năm 2018 Sendo.vn đã khá thành công với chiến dịch “Chợ Tết”, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người tiêu dùng. Tương tự, chiến dịch video của Tiki trong dịp Tết cũng được đánh giá thành công, khi kích cầu mua sắm, đẩy mạnh tăng trưởng về doanh thu của doanh nghiệp này.
Nhưng trong cuộc đua dài hơi, đối với TMĐT ngoài vốn điểm mấu chốt chính là công nghệ. Trong khi so với doanh nghiệp ngoại, công nghệ là lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam còn đuối. Theo trang theo dõi thông tin và thị trường Statista, ước tính tới năm 2024 có khoảng 8 tỷ người trên thế giới hoạt động trực tuyến, chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ 5G. Còn theo Công ty Kỹ thuật số quản lý nội dung CoreDNA, nếu tận dụng được tốt các ứng dụng và tính năng của 5G, các trang TMĐT sẽ có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tương tự, Adobe Digital Insights cũng dự báo 5G sẽ giúp tăng doanh số các sàn TMĐT lên 12 tỷ USD vào năm 2021. Cơ chế để nền tảng công nghệ mới này hỗ trợ TMĐT thông qua việc giúp vào mạng internet dễ dàng hơn, kể cả trên các thiết bị di động, giúp các khách hàng mua sắm trực tuyến nhanh hơn và đem lại nhiều lợi nhuận cho các công ty kinh doanh trực tuyến hơn. 
Bên cạnh 5G, thị trường thực tế ảo (Virtual Reality - VR) hiện nay đã được nhiều doanh nghiệp TMĐT trên thế giới ứng dụng. “Cặp đôi hoàn hảo” này được cho là động lực tăng trưởng cho TMĐT toàn cầu khi 5G giúp khách hàng trải nghiệm VR rõ nét hơn, không bị ảnh hưởng bởi nhiễu động đường truyền hay kết nối. Theo dự báo của Goldman Sachs, nhờ 5G, thị trường thực tế ảo và thực tế tăng cường sẽ có mức tăng trưởng đột biến, đạt 80 tỷ USD vào năm 2025. Rất có thể, thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới sẽ là cuộc đua khốc liệt về 5G và VR của “tứ trụ” đang trụ hạng để chiếm giữ thị phần. 

Các tin khác