Cân bằng điện tái tạo với điện than

(ĐTTCO) - Để thực hiện mục tiêu giảm nhập khẩu nhiên liệu phục vụ cho nhiệt điện than và nhiệt điện dầu tương đương 40 triệu tấn than, 3,7 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2030, và tiếp tục giảm nhập khẩu 150 triệu tấn than, 10,5 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2050 thì việc nâng dần tỷ trọng năng lượng điện tái tạo trong cơ cấu nguồn điện là tất yếu.
Cân bằng điện tái tạo với điện than

Xu hướng năng lượng tái tạo

 Kinh nghiệm phát triển nguồn điện của Trung Quốc cho thấy, đến nay điện sản xuất tại nước này chủ yếu vẫn dựa vào điện than. Tính đến năm 2014, có 79% sản lượng điện quốc gia là điện than. Và Trung Quốc dự định đến 2030 sẽ giảm điện than xuống khoảng 60% cơ cấu nguồn điện. Hiện nước này cũng đang đẩy mạnh đầu tư các dự án điện để thay thế dần các dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đã đề ra mục tiêu tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất, tức sử dụng từ khoảng 25 triệu TOE (tấn dầu tương đương) năm 2015 lên 37 triệu TOE năm 2020, 62 triệu TOE năm 2030 và 138 triệu TOE vào năm 2050.
Đồng thời, chiến lược này cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo 58 tỷ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào 2030 và khoảng 452 tỷ kWh vào năm 2050. Theo đó, tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ 35% năm 2015 lên khoảng 38% năm 2020, khoảng 32% năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.
Như vậy sản lượng điện tái tạo sẽ ngang bằng với cơ cấu điện hóa thạch trong tương lai. Đây là sự dịch chuyển ghê gớm.
Vấn đề phát triển nguồn điện đang nóng vì nhu cầu năng lượng đang tăng lên nhanh, nhưng điều này chưa gây áp lực bằng việc thay đổi cơ cấu năng lượng xét trong cả cơ cấu nguồn điện hiện nay. Nền tảng của thay đổi cơ cấu nguồn điện là sự tiếp cận công nghệ trên toàn thế giới.
Đây là xu hướng chung, bởi kinh tế tăng trưởng nhu cầu năng lượng tăng, và khi kết hợp với xu hướng sản xuất tiêu thụ năng lượng thay đổi, buộc ngành điện phải tư duy lại trong chiến lược phát triển năng lượng. Trong đó nổi lên là xu hướng phát triển năng lượng tái  tạo, trong đó công nghệ lưu điện cũng đang thay đổi.
Việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, một dự án lớn có thể xoay chuyển cả cơ cấu nguồn cung cấp điện, để chuyển sang hướng phát triển nguồn năng lượng khác là hoàn toàn phù hợp, gắn với tư duy phát triển an toàn và công nghệ. Việc dừng 468 thủy điện nhỏ và vừa (công suất dưới 30MW) và một số dự án nhiệt điện than, đang tác động đáng kể đến cơ cấu nguồn điện. Trong khi, trên thực tế, thủy điện nhỏ và vừa hiện đang là một lợi thế, một nguồn lực cần phải được sử dụng tại Việt Nam để bù đắp nguồn điện sẽ thiếu hụt.
Hơn nữa, để thực hiện mục tiêu phát triển nguồn điện tái tạo những năm tới, Việt Nam cần thời gian đầu tư, nghiên cứu để phát triển công nghệ, kể cả trong lĩnh vực phát triển thủy điện nhỏ và vừa. Hiện Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng điện tái tạo lớn trên thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ mới khai thác được một lượng nhỏ, phần lớn tiềm năng chưa được khai thác.
Cân nhắc hạn chế điện than
Tại Trung Quốc có 3 giai đoạn phát triển điện tái tạo, giai đoạn trước năm 2010 mới manh nha phát triển điện tái tạo, nhưng đến giai đoạn 2010 - 2020 họ đặt mục tiêu thay thế dần nhiệt điện than, và đến năm 2030 điện tái tạo sẽ đóng góp một lượng lớn vào tổng công suất nguồn điện của Trung Quốc. Trong lĩnh vực sản xuất điện mặt trời, Trung Quốc đang có 2,5 triệu lao động làm việc trong nhà máy sản xuất thiết bị lẫn sản xuất năng lượng. Trung Quốc cũng là cường quốc sản xuất pin mặt trời hiện nay.
Hơn nữa, Trung Quốc hiện đang sản xuất gần một nửa tua bin điện gió trên thế giới. 
Trong khi đó, cách tiếp cận của Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo hiện nay dường như chưa đặt vấn đề sản xuất ra thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo. Vì vậy, thời gian tới cần thay đổi chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, thay đổi theo hướng kết hợp nghiên cứu phát triển thiết bị phát điện, gắn với phát triển các dự án sản xuất điện tái tạo.
Theo quy hoạch điện VII, từ nay đến 2030 có xu hướng gia tăng điện than, khi gia tăng tỷ lệ điện than thì nhập khẩu than từ nước ngoài cũng tăng lên. Vấn đề này cần được giải quyết thấu đáo trong quá trình phát triển nguồn điện. Cần tính vấn đề an ninh năng lượng và rủi ro thị trường than trong tương lai. Bên cạnh, việc phát triển công nghệ điện tái tạo trên nền tảng công nghệ mới liệu có đi cùng với việc đầu tư sản xuất thiết bị sản xuất điện, thiết bị lưu điện hiện đại nhất.
Muốn cân bằng sản lượng điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch và điện tái tạo trong những năm tới, cũng không thể bỏ qua phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Dù năm 2016 Quốc hội đã loại 486 thủy điện nhỏ và vừa ra khỏi quy hoạch phát triển nguồn điện, nhưng đến một thời điểm thích hợp nào đó, khi các dự án này phát huy hiệu quả kinh tế cần xem xét để tái khởi động dự án.
Thực ra không phải việc phát triển nguồn điện thông qua xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ và vừa bất hợp lý, mà do cách làm, cơ chế quản lý và chính sách phát triển thủy điện trong những năm qua chưa ổn. Có một thời gian, các nhà đầu tư ồ ạt làm thủy điện vì giá cả tốt, thu lợi nhanh và lợi ích phụ trội như kiếm thêm ít gỗ, lợi ích dự án, lợi ích ngân sách, rồi hệ thống giám sát, chế tài. Sự phát triển ồ ạt và không kiểm soát chặt chẽ đã làm nảy sinh những bất cập trong phát triển thủy điện nhỏ và vừa những năm qua.
Bộ Công Thương đang nỗ lực khôi phục hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa. Phát triển thủy điện nhỏ và vừa sẽ không gây trở ngại nếu quản lý tốt. Việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo này sẽ hạn chế việc gia tăng nhanh chóng điện than. Hàng loạt dự án điện than hiện đang làm có nhiều e ngại cả về mặt an ninh và môi trường.
Với tốc độ phát triển điện than hiện nay, nếu không xử lý tốt sẽ có nguy cơ gây thảm họa môi trường. Khôi phục lại thủy điện nhỏ và vừa trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam là cần thiết, nhưng cần đặt trong bối cảnh lợi ích tổng thể, gắn với vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả an sinh xã hội người dân vùng thủy điện. 
Gia Bảo (ghi)

Các tin khác