Cán cân xuất nhập khẩu: Xuất siêu, nhập siêu phụ thuộc vào đâu?

(ĐTTCO) - Đến nay khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn chưa thể tham gia sâu chuỗi cung ứng, sản xuất với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi khu vực FDI lại nhập khẩu để xuất khẩu.
 Đây chính là 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu hiện nay. Nếu không sớm khắc phục nền kinh tế tiếp tục rơi vào tình trạng nhập siêu và việc nhập khẩu để xuất khẩu vẫn còn kéo dài.
8 tháng nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD
 Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 8 tháng qua (tính đến 15-8) đạt hơn 250 tỷ USD, tăng 20,8% (khoảng 43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt, tổng giá trị hàng hóa đạt gần 123,9 tỷ USD, tăng 18,8% (hơn 19,6 tỷ USD) so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng qua cũng tăng nhanh, tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 126,3 tỷ USD, tăng 22,9% (khoảng 23,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
 Các mặt hàng xuất khẩu ưu tiên tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh: nhóm mặt hàng nông sản gồm gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, sắn và phế phẩm từ sắn, rau quả, chè, mật ong, thủy sản; nhóm hàng công nghiệp chế biến gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện, cáp điện, máy ảnh, máy quay phim. Phấn đấu xuất khẩu hàng hóa năm 2020 gấp 3 lần năm 2010 (khoảng 210 tỷ USD), cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020, đạt thặng dư trong giai đoạn 2021-2030.
(Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh  hàng xuất khẩu Việt Nam)
 Như vậy, trong 8 tháng năm 2017 cả nước nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD, tương đương 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn và tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 22,6 tỷ USD, tăng khoảng 6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,5 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,05 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD; xăng dầu các loại đạt 4,45 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng như vải các loại, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu may mặc, da giày, kim loại thường… cũng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong những tháng đầu năm.
Trong khi đó, 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn trong 8 tháng gồm điện thoại các loại và linh kiện 24,2 tỷ USD; hàng dệt may 15,38 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 14,6 tỷ USD; giày dép các loại gần 9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 7,6 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 4,3 tỷ USD. 4 nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng nằm trong tốp 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn là hàng thủy sản 4,7 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 4,5 tỷ USD, cà phê 2,2 tỷ USD, hàng rau quả 2,1 tỷ USD. 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng nhanh nhất là điện thoại các loại và linh kiện tăng khoảng 4 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,6 tỷ USD.
Nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu 8 tháng của năm nay, có thể thấy khu vực FDI đang đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt và quyết định sự thặng dư của cán cân thương mại.
Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa khu vực FDI đạt hơn 87,1 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, tăng 19,9%, tương ứng tăng 14,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Không chỉ vậy, khu vực FDI cũng đang lấn át khu vực trong nước về giá trị nhập khẩu hàng hóa, tính đến giữa tháng 8 ước đạt 75,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 60,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước.

Doanh nghiệp trong nước tụt hậu
Vậy cán cân xuất nhập khẩu trong 8 tháng qua cho thấy khu vực DN trong nước đang lép vế so với khu vực FDI. Cụ thể, khu vực DN trong nước giá trị xuất khẩu ước đạt 36,7 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 50,4 tỷ USD, nhập siêu khoảng 13,7 tỷ USD.
Trong khi đó, khu vực FDI đạt giá trị xuất siêu 11,2 tỷ USD. Xu hướng xuất siêu của khu vực FDI và nhập siêu của khu vực DN trong nước tiếp tục duy trì như những năm qua. Đã vậy, giá trị xuất khẩu của khu vực DN trong nước hiện chưa bằng một nửa khu vực FDI, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu cho thấy giá trị xuất khẩu của DN FDI đạt 70,3%, trong khi khu vực DN trong nước chỉ đạt 29,7%.
Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán, ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng để xuất khẩu được phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã. DN FDI đã tận dụng tốt các lợi thế từ các FTA, trong khi DN trong nước năng lực yếu kém, sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất thấp đã không tận dụng được lợi thế các FTA mang lại. 
TS. Lê Quốc Phương,
Phó Giám đốc VITIC
Đó là chưa tính đến những tác động đến mức độ xuất siêu của khu vực FDI trong nửa đầu năm 2017 còn do nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh phụ kiện của Tập đoàn Samsung tăng mạnh khi tập đoàn này mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ngay những tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Samsung đã tăng vốn mở rộng dự án Samsung Display thêm 2,5 tỷ USD, làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc. Mặt khác, để đạt được giá trị kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm nay, Samsung sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên phụ liệu, linh kiện từ các nước.
Dù khu vực FDI luôn xuất siêu trong nhiều năm qua, nhưng có một thực tế là khu vực này đang phải nhập khẩu gần như toàn bộ linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để lắp ráp, sản xuất, phục vụ cho xuất khẩu. Giá trị nhập khẩu đầu vào của DN FDI tăng nhanh chóng cùng với sự gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa khu vực này. Giá trị nhập khẩu linh kiện, thiết bị, máy móc đầu vào của khu vực FDI trong 8 tháng năm 2017 đạt 75,9 tỷ USD, so với cả năm 2016 đạt 102,2 tỷ USD, năm 2015 đạt 97,2 tỷ USD, năm 2014 đạt 84,5 tỷ USD…
Cán cân xuất nhập khẩu: Xuất siêu, nhập siêu phụ thuộc vào đâu? ảnh 1 Xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng không nhiều, chủ yếu hàng hóa mang tính gia công lắp ráp, tận dụng lao động rẻ... 
Theo thống kê, các năm 2012, 2013, 2014, 2016 cả nước xuất siêu, chỉ có năm 2015 nhập siêu và năm 2017 có thể lại nhập siêu. Và tình trạng nhập siêu, hay xuất siêu của nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017 phụ thuộc vào khối FDI. Tức khi khối DN FDI xuất siêu nhiều hơn khu vực DN trong nước nhập siêu, nền kinh tế xuất siêu và ngược lại. Có một thực tế, những năm qua các DN trong nước triền miên nhập siêu, còn DN FDI lại liên tục xuất siêu.
Năm 2016 khu vực DN trong nước nhập siêu khoảng 21 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 23,7 tỷ USD; năm 2015 khu vực DN trong nước nhập siêu 20,3 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD; năm 2014 khu vực DN trong nước nhập siêu 15 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 17 tỷ USD…
Cải thiện cách nào?
Phân tích cơ cấu xuất nhập khẩu Việt Nam trong những năm qua, các chuyên gia của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương (VITIC), cho rằng tình trạng nhập siêu hiện nay sẽ khó khắc phục triệt để nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực DN trong nước, cải thiện chất lượng hàng hóa xuất khẩu trong nước.
Hơn nữa cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để DN nội địa có thể tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng sản xuất của các DN FDI. Bởi khu vực FDI những năm qua đóng góp tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước nhưng lại nhập khẩu gần như toàn bộ linh, phụ kiện, nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… Đây là nhóm 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất những năm qua, giá trị lên tới vài chục tỷ USD. Nhưng tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng thuộc khối FDI sản xuất và những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ, mang nặng tính gia công, lắp ráp là chủ yếu.
Để giải quyết cốt lõi vấn đề nhập siêu phải thay đổi cấu trúc kinh tế, DN nội phải tham gia nhiều hơn chuỗi giá trị sản phẩm, cung ứng linh kiện, thiết bị cho DN FDI. Ngay trong cấu trúc kinh tế về sở hữu, cần có cái nhìn công bằng, chính sách nhất quán giữa các loại hình DN tư nhân, DNNN, DN FDI và giữa các DN với nhau. 
Thực trạng trên cho thấy khu vực DN trong nước cạnh tranh xuất khẩu còn yếu kém so với khu vực FDI. Xét về tỷ trọng, DN trong nước những năm qua thường chiếm tỷ trọng dưới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, có những năm chỉ chiếm 28% tỷ trọng xuất khẩu, một tỷ trọng xuất khẩu thấp.
Thứ hai, các DN trong nước có nhu cầu nhập khẩu rất cao nên thường dẫn đến nhập siêu lớn. Nguyên nhân được chỉ ra rằng do năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong nước yếu kém. DN trong nước chủ yếu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản - lĩnh vực DN FDI những năm qua không đầu tư vì rủi ro cao, lợi nhuận thấp.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng như dầu thô do khu vực FDI đảm nhận và chiếm tỷ trọng xuất khẩu gần như tuyệt đối, thí dụ xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện Samsung chiếm 100%. Ngay cả lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như dệt may, khu vực DN FDI cũng đang chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu; ngành da giày, khu vực DN FDI chiếm 75% giá trị xuất khẩu…  

Các tin khác