Cần đạo luật cho PPP

(ĐTTCO) - Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Phiên họp thứ 13 khai mạc hôm nay 10-8.

 

Cần đạo luật cho PPP
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT), nguyên nhân gây vướng mắc trong đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hợp đồng BOT thời gian qua do hình thức đầu tư này còn tương đối mới, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Điều này đã khiến các quy định pháp luật vẫn chưa bao quát được đầy đủ các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện loại hợp đồng này.
Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, một khối lượng công việc đồ sộ đã được Đoàn giám sát của UBTVQH tiến hành: Làm việc với các bộ, ngành liên quan và UBND 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; làm việc với các doanh nghiệp (DN), ban quản lý dự án, ngân hàng thương mại cho vay các dự án giao thông BOT và khảo sát thực tế tại các dự án trên địa bàn các địa phương, lắng nghe ý kiến của người dân… Nhiều bức xúc của người dân và cả DN BOT đã được giải mã.
Thực tế thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã được xây dựng và hoàn thiện về cơ bản. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới, văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định để điều chỉnh. Thí dụ, chưa có quy định về trách nhiệm giữa các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư, DN khi thực hiện các khoản vay để đầu tư dự án BOT. Đây là khoảng trống pháp lý gây không ít khó khăn cho các bên liên quan khi triển khai các dự án đầu tư theo hình thức BOT.
Khoảng trống nữa là dù Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư… đều đề cập đến hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) nhưng rất chung chung. Cho đến nay văn bản có giá trị pháp lý cao nhất quy định cụ thể, chi tiết về hình thức đầu tư này mới chỉ dừng ở Nghị định của Chính phủ. Trong khi đó, rất nhiều quy định liên quan được nằm rải rác ở các luật chuyên ngành - chủ yếu là để điều chỉnh hoạt động đầu tư công, không phải là dự án đầu tư theo hình thức BOT - nên khi áp dụng các quy định này cho BOT đương nhiên sẽ có độ vênh.

Đó là chưa kể bản thân các luật và nghị định hiện nay cũng có sự chồng chéo, mâu thuẫn và chưa xét đến những đặc thù của hình thức đầu tư này. Đơn cử quy định về góp vốn chủ sở hữu của DN dự án, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nói rõ DN dự án góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án. Nhưng Luật DN 2014 lại quy định DN phải góp đủ vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.
Như vậy, nếu DN dự án BOT thực hiện theo quy định của Nghị định 15 sẽ vi phạm quy định của Luật DN. Hay quy định về quyền định đoạt của DN cũng có những điểm khác nhau. Luật DN 2014 công nhận và bảo hộ tài sản, vốn đầu tư hợp pháp của DN, tức DN có quyền định đoạt đối với phần vốn chủ sở hữu của mình. Tuy nhiên, Nghị định 15 lại yêu cầu việc chuyển nhượng vốn chủ sở hữu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, có nghĩa quyền định đoạt đối với dự án BOT thuộc thẩm quyền của Nhà nước…

Một chuyển động rất tích cực được nhiều thành viên Đoàn giám sát ghi nhận là ngay trong quá trình làm việc với Đoàn giám sát, các bộ, ngành hữu quan đã chủ động rà soát và sửa đổi kịp thời một số văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục khoảng trống pháp lý về BOT.
Cụ thể, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 75/2017 để thay thế Thông tư 55 ban hành năm 2016, quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Hay Nghị định 15 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư cũng đang được rà soát để sửa đổi…

Đã đến lúc cần thiết phải trình Quốc hội ban hành một đạo luật về PPP, trong đó có những điều khoản quy định cụ thể về các dự án kết hợp nhiều hình thức hợp đồng như BOT kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao), BOT kết hợp BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh)…
Phải là một đạo luật của Quốc hội mới có thể khắc phục được các hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất và đồng bộ cho hoạt động xã hội hóa nói chung, xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.
Một đạo luật về PPP còn là hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm cho cả Nhà nước và tư nhân thực hiện đúng các nghĩa vụ của hợp đồng BOT, tránh việc tùy tiện, xâm phạm đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Các tin khác