Cần đột phá trong chống ngập

(ĐTTCO) - Tình trạng ngập nước tại TPHCM đang ngày càng trở nên trầm trọng. Trước thực trạng này, đòi hỏi TP phải có sự đột phá mới mong giải quyết được bài toán chống ngập. Các chuyên gia môi trường, đô thị đã có những hiến kế về công tác chống ngập.

GS.TSKH LÊ HUY BÁ, chuyên gia đô thị học:

Quy hoạch giải ngập phải khoa học

Trong quá khứ, chúng ta đã sai lầm cho quy hoạch và thi công các cống hộp. Vì tiết diện dòng chảy mặt cũng như dòng thoát ngập của cống hộp lớn nhất cũng chỉ 4m2, đã không đảm đương được việc thoát nước nhanh, gây tràn nước ra phố, vào nhà dân. Trong khi kênh hở, khi mưa lớn nước sẽ chảy nhanh xuống lòng kênh.
Việc biến kênh thành cống hộp khiến nước ứ đọng, còn làm tăng ô nhiễm ở đầu và cuối cống hộp, vì lượng nước thoát quá ít. Nhân đây tôi rất đồng tình việc quận 6 đã cho khơi lại kênh Hàng Bàng, sau 14 năm biến kênh thành cống hộp. 
Trong công tác quy hoạch đô thị, sau mấy chục năm, tôi vẫn bảo lưu ý kiến: Cho quy hoạch Phú Mỹ Hưng thành đô thị nhưng không bắt chủ đầu tư phải đền bù tổn thất tài nguyên môi trường, làm tăng độ và diện ngập úng cho vùng nội thành (các quận 4, 5, 6, 8), là thiếu sót lớn. Ít nhất phải buộc họ phải đào các hồ điều hòa. Anh đã đổ, đắp bao nhiêu m3 đất làm nền, làm đường phải đào bấy nhiêu m3 ao, kênh, hồ trữ nước điều hòa, chống ngập.
Bởi theo nguyên lý có bao nhiêu m3 đổ xuống nước có bấy nhiêu m3 nước tràn vào TP, làm ngập thêm đô thị. Thực tế, sau khi Phú Mỹ Hưng trở thành đô thị, cái hồ điều hòa tự nhiên xưa kia đã biến mất, nước mưa không có chỗ trữ, nước triều lên không có chỗ dừng, đã tràn ngược vào TP, làm ngập đô thị. 
Cũng không nên quy hoạch xây, đắp những con đường lớn, để mặc nhiên nó biến thành đê, ngăn chặn sự thoát thủy, thí dụ như đường Nguyễn Văn Linh. Qua những vùng trũng này nên xây dựng cầu cạn sẽ tốt hơn. Chúng ta đã có ý tưởng rất khoa học là quy hoạch cống thoát nước thải riêng và nước mưa riêng, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. Nên chăng, dịp này ta thực hiện trong chương trình hành động giai đoạn 2018-2020?
Trong phương án quy hoạch luôn phải kết hợp quy hoạch giải ngập với quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông và quy hoạch tài nguyên môi trường. Cụ thể hơn, không xây nhà cao tầng kiểu nêm cối vào các khu trung tâm quận 1, 3, 5, Phú Nhuận, Gò Vấp... Bởi khi nhà chọc trời mọc lên sẽ có hàng ngàn người thêm vào đây, áp lực cấp nước, thoát nước và cả giao thông sẽ rất nghiêm trọng. Và bài toán chống ngập không giải được.
Tôi đánh giá cao chủ trương Thành ủy lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học cho chương trình hành động giải ngập, trong điều kiện BĐKH nước biển dâng. Nên chăng chúng ta mở một cuộc thi tuyển chọn, đông đảo người tham gia viết dự án chống ngập cho TPHCM kết hợp BĐKH nước biển dâng. Từ đó, ta sẽ chọn được phương án tối ưu. Ngoài ra TP cần duyệt xét lại một cách khoa học và khách quan các dự án đã có, đã được duyệt.
Cần đột phá trong chống ngập ảnh 1 Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn đang dang dở. 
Kỹ sư NGUYỄN TRỌNG DẦN, Hội khoa học kỹ thuật máy thủy khí Việt Nam:

Hệ lụy nâng cốt nền đường

Để giải quyết vấn đề ngập úng tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng phải nâng cốt nền đường giao thông sẽ làm tăng độ dốc thoát nước. Thực chất việc nâng đường lại gây ra các hệ lụy, như tạo sự phân cách các khu vực trũng thấp, ngăn cản việc tiêu thoát úng bởi các con đường mới tôn cao, khu dân sinh sẽ ngập nặng hơn.
Đường cao hơn nhà, phá vỡ quy hoạch mặt bằng giao thông, thương mại, dẫn tới hậu quả sau này khó khắc phục như đã xảy ra tại đường Kinh Dương Vương (quận 6), đường Nguyễn Văn Quá (quận 12). Nâng đường thay cống lớn chỉ giải quyết vấn đề đường không ngập, còn với khu vực dân cư ngập úng lại diễn ra trầm trọng hơn. Tương đồng với giải pháp này phải nâng cốt nền của cả lưu vực nào đó, song điều kiện như vậy là bất khả thi đối với TPHCM. 
Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu, đã đề xuất giải pháp chống ngập úng cục bộ với từng khu vực cụ thể, trên cơ sở đánh giá diện tích lưu vực, mức độ ngập úng, hiện trạng hệ thống thoát nước và điều kiện tiêu úng, đưa ra giải pháp công nghệ sử dụng bơm đặc thù để chống ngập cho từng khu vực dân cư.
Cụ thể tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), với diện tích lưu vực khoảng 75ha, với lượng mưa lớn 100-120mm, trong điều kiện triều cường, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã trang bị bơm chống ngập với lưu lượng 27.000-96.000m3/giờ. Thực tế với thiết bị tiêu úng này, vấn đề ngập úng tại đường Nguyễn Hữu Cảnh cơ bản đã được kiểm soát. 
Phương án chống ngập bằng bơm là điều bình thường, không mâu thuẫn với bất cứ nguyên tắc nào. Việc sử dụng thiết bị bơm chống ngập cục bộ cho từng khu vực dân cư hay đường phố cụ thể là giải pháp tình huống cho giai đoạn trước mắt từ 10-15 năm tới. Tôi ủng hộ phương án tình huống này.
Để giải quyết chống ngập cho TPHCM cần thực hiện nhiều giải pháp đan xen, bổ khuyết lẫn nhau; cần sự chung sức của nhiều ban ngành, sự nhiệt tâm của nhiều nhà chuyên môn và doanh nghiệp trong lĩnh vực thoát nước đô thị. Để giải quyết chống ngập triệt để và lâu dài cho TPHCM còn cần giải pháp tổng thể, từ khâu quy hoạch hoàn chỉnh có tính đến các điều kiện tự nhiên và khả năng đầu tư kinh tế kỹ thuật của Việt Nam.

Các tin khác