Cần một kịch bản trước khi mở cửa nền kinh tế

(ĐTTCO)-Các đợt giãn cách liên tiếp, siết chặt của TPHCM đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cộng đồng DN đang mong mỏi TP sớm mở cửa trở lại nền kinh tế. 
Các DN đã có những phương án, kế hoạch khôi phục sản xuất khi TP chính thức mở cửa lại nền kinh tế.
Các DN đã có những phương án, kế hoạch khôi phục sản xuất khi TP chính thức mở cửa lại nền kinh tế.
Người tiêm 2 mũi không thể cứ ở nhà
Những ngày này, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Meet More (công ty sản xuất cà phê trái cây) đang kẹt trong thế khó, khi có đơn hàng xuất khẩu nhưng không thể đáp ứng. Hơn phân nửa nhân sự đã tiêm vaccine mũi 2 nhưng vẫn chỉ khoảng 30% nhân lực được đi làm vì công ty đang thực hiện sản xuất theo phương án 3 tại chỗ. 
Theo ông Luận những người đã tiêm mũi 2 cần được trở về vị trí làm việc của mình. TP nên mở cửa trở lại nền kinh tế nếu không DN sẽ mất đơn hàng trong những tháng cao điểm cuối năm, sẽ khiến DN kiệt quệ hơn và về lâu dài sẽ rất thụ động khi đàm phán hợp đồng mới. 
Nhìn lại 8 tháng qua cả nước đã có 85.500 DN rời khỏi thị trường (tăng 24,2% so với cùng kỳ 2020), riêng TPHCM có 24.000 DN rời thị trường (chiếm 28,1%). Thực tế lãnh đạo TP cũng đánh giá không thể tiếp tục giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó TP sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới và người dân được bảo vệ bằng vaccine. 
Cho đến nay có khoảng 85% người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, dự kiến sau 15-9, TP có thể bao phủ 100% vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi. TP cũng đã có lượng người nhất định được tiêm mũi 2. Đây là những điều kiện căn bản để TP nới lỏng giãn cách xã hội.
Mới đây ngày 8-9, Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành kế hoạch phòng chống dịch sau 15-9. Theo tờ trình, Sở Y tế đưa phương án giãn cách xã hội gắn liền với "thẻ xanh Covid-19". 
Theo đó, trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi dưới 65 tuổi, không bệnh nền được tham gia các hoạt động nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện, phòng khám…, được đi học, đi làm hoặc đi công tác nội địa. 
Về việc tuân thủ 5K, theo ông Nguyễn Ngọc Luận đến nay người lao động tại các DN đã rất quen với việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… Ngoài ra, các DN cũng đã có những phương án, kế hoạch khi TP chính thức mở cửa lại nền kinh tế. 
Đừng mở rồi lại đóng
Việc mở cửa trở lại nền kinh tế TPHCM phải an toàn, thận trọng và đặt trong bài toán chung của các tỉnh/thành phía Nam mới tạo sự thông suốt trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tiến trình mở cửa TPHCM và những vấn đề đặt ra”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, chia sẻ: “Chúng tôi đề xuất với TP một nguyên tắc, đó là đã mở nên từ từ cho chắc và đã mở không nên đóng lại. Lần này mở cửa rồi lại đóng, DN sẽ tiêu hết. Khá nhiều DN cũng chung lo lắng này, bởi khi mở cửa DN phải có kế hoạch, tính toán cũng như đầu tư nguồn tài chính. Nếu mở rồi lại đóng sẽ đẩy DN vào thế cực khó, khiến DN mất niềm tin. Thực tế, điều DN cần nhất lúc này là thông tin cụ thể cũng như lộ trình hướng dẫn của TP”. 
Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony, cho biết khi nghe thông tin TPHCM sẽ từng bước mở cửa lại nền kinh tế có vui mừng nhưng cũng có nghi ngờ. Vui vì sau bao nhiêu ngày tháng thực hiện 3 tại chỗ DN phải đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, nỗi lo về sức khỏe người lao động thì nay nỗi lo sẽ giảm bớt. 
Thế nhưng vẫn còn những nghi ngờ vì tất cả mới chỉ ở “nghe nói”, DN cần thông tin chính thức, chậm nhưng chắc. Bởi thời gian qua ngay cả khi đã có văn bản chính thức thời gian thực hiện cũng chóng vánh, thậm chí có văn bản nhưng không thực hiện được (như sản xuất 4 xanh).
“DN đã có kế hoạch thực hiện triệt để 5K trong nhà máy, nhân viên cũng sẵn sàng quay trở lại, đơn hàng mới cũng được đàm phán. Nhưng chúng tôi lo lắng việc TP mở cửa trở lại rồi lại đóng. Khi đó rất nhiều khó khăn phải đối mặt bao gồm cả chi phí đền bù hợp đồng” - ông Quang Anh nói. 
Hầu hết DN đều cho rằng các chính sách ban hành cần nhất quán tránh tình trạng “sáng nắng chiều mưa”, như việc giấy đi đường hôm trước ban hành hôm sau hết hiệu lực. Đặc biệt, việc mở cửa trở lại nền kinh tế của TPHCM phải đặt trong bài toán chung của các tỉnh/thành phía Nam, có như vậy mới tạo sự thông suốt trong chuỗi cung ứng hàng hoá. 
Việc giãn cách kéo dài tại TPHCM cũng như một số tỉnh phía Nam đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đứng trước thực tế khách hàng chuyển đơn hàng sang thị trường khác, nhiều nhóm ngành thiết yếu phải sản xuất trong điều kiện gồng gánh với khó khăn. 
Chúng ta có thể sẽ mất đi nhiều lợi thế nếu không sớm mở cửa lại nền kinh tế. Song nếu không tính toán thận trọng lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới. 

Các tin khác