Cần những giải pháp bền vững

(ĐTTCO) - Giải quyết tình trạng ngập nước đang là vấn đề cấp thiết tại TPHCM hiện nay, nhất là trong bối cảnh diễn biến thời tiết ngày càng thất thường và nước biển dâng cao. 
Cần những giải pháp bền vững
Thực tế này đòi hỏi chính quyền và các cơ quan chức năng TP triển khai các giải pháp hợp lý. ĐTTC ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Ông NGUYỄN TRỌNG HÒA, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM:

Quy hoạch đô thị thích ứng với tự nhiên

TPHCM đang triển khai nhiều dự án chống ngập, đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. Song, biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức khó lường. Những năm gần đây, trên địa bàn TP đã ghi nhận nhiều cơn mưa lớn, bất thường. Nếu chúng ta đối phó với thiên nhiên bằng các giải pháp công trình, đó không phải là giải pháp tối ưu.
Nói cách khác, bên cạnh những giải pháp công trình đang làm, cách bền vững và khả thi nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu, chống ngập do nước biển dâng là TP nên có giải pháp quy hoạch, tổ chức lại đô thị theo hướng thích ứng hơn với tự nhiên. 
Tôi được biết Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương liên quan đang xem xét điều chỉnh lại Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM theo hướng tạo sự gắn kết, chia sẻ chặt chẽ hơn giữa các đô thị trong vùng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để TPHCM cân nhắc lại việc phát triển đô thị của mình. TPHCM phát triển các khu đô thị mới với quy mô lớn, gồm cả huyện Nhà Bè và một phần của huyện Cần Giờ, nơi có nền đất yếu, thường xuyên bị ngập do triều cường.
Trong khi đó, các khu vực kế cận trong vùng TPHCM như huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), các thị xã Thuận An, Dĩ An (tỉnh Bình Dương)… rất thuận lợi để phát triển đô thị, lại chưa được đầu tư phát triển đúng mức. Nếu cơ quan hữu quan có tầm nhìn phát triển đô thị cho cả vùng TPHCM, những bất cập này sẽ được khắc phục và giúp TPHCM thích ứng hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Ông NGUYỄN NGỌC CÔNG, Giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM:

Xâm hại hệ thống thoát nước vẫn phổ biến

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận thêm 12 tuyến cống với chiều dài 25km, nâng tổng số tuyến cống được tiếp nhận bàn giao lên 329/342 tuyến, với tổng chiều dài 620km/648km tuyến cống trên địa bàn TP. Về kết quả giải quyết 7 tuyến đường ngập đăng ký năm 2018, đến tháng 5, dự kiến hoàn thành và giải quyết ngập cấp bách 1 tuyến (tuyến đường An Dương Vương, từ Tân Hòa Đông đến Bà Hom).
Các công trình, hạng mục chống ngập trên 5 tuyến đường còn lại đã triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. 1 điểm ngập trên tuyến đường Lương Định Của không thực hiện được. Hiện công tác kiểm tra, khắc phục các trường hợp xâm hại hệ thống thoát nước ở TP còn rất chậm. Cụ thể, tính đến tháng 5, phát  sinh  1 vị trí; đã xử lý 2 vị trí,  đến nay còn 21 vị trí, đạt 8,7%. 
Về lấn chiếm kênh, rạch, tính đến tháng 5 đã phát sinh thêm 4 vị trí, đã xử lý 7 vị trí, hiện nay còn 59 vị trí, đạt 10,6%. Về lấn chiếm tuyến cống, toàn TP hiện còn 77 vị trí bị lấn chiếm, đạt 8,3%...
Mùa mưa đang đến, ở TP có những con đường trong 1 năm phải nạo vét đến 4 lần. Hiện nay Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM đang tích cực làm công tác duy tu, đối với những trường hợp lấn kênh mương giải quyết triệt để được, còn nhà xây trên cống vẫn gặp khó vì có yếu tố lịch sử.
TS. NGUYỄN MINH HÒA, chuyên gia đô thị:

Cần áp dụng công nghệ mới

Công tác chống ngập thời gian qua còn khá manh mún, chắp vá, chưa có cách làm bài bản, trong khi nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Chúng ta có thể học hỏi một số phương pháp chống ngập hiệu quả trên thế giới phù hợp với điều kiện TP. Thí dụ cách chống ngập của chính quyền TP Tokyo (Nhật Bản), chọn giải pháp xây hồ dưới lòng đất, dẫn nước về đó khi có mưa hoặc triều cường.
Theo đó, có thể làm ngay một số hồ chứa nước để thu nước mưa, trước mắt tại một số khu vực dễ bị ngập như khu Bàu Cát, Phú Lâm… Về việc này, hồi tháng 8 năm ngoái, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và đối tác Việt Nam là công ty VMC Group đã triển khai thi công lắp đặt hồ điều tiết thông minh chống ngập nước được xây dựng trên đường Võ Văn Ngân, trước cổng nhà Văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức. Hồ điều tiết được xây dựng ngầm trong lòng đất, có sức chứa 109m3 nước mưa.
Chúng ta có thể hình dung đấy là những hồ cực lớn được xây dựng kiên cố dưới lòng đất, mỗi khi có mưa dùng hệ thống bơm hút nước vào hệ thống ống dẫn về hồ chứa. Bên trên các hồ này có thể là công viên hay các bãi đậu xe. Đặc biệt, lượng nước thu về có thể dùng để tưới rửa. Hiện nay chúng ta dùng nước sạch để tưới cây rất lãng phí, trong khi nước mưa lại không dự trữ được. Khi có điều kiện chúng ta sẽ làm đại trà với nhiều hồ lớn.
Tôi đã có dịp tìm hiểu các hồ tại Nhật Bản, rất quy mô, hệ thống thu gom, xử lý rất hiện đại, rộng như một quảng trường. TPHCM hoàn toàn có khả năng làm được như vậy. Còn cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước hiện nay chỉ là tạm thời, manh mún.
TS. PHẠM SANH, chuyên gia giao thông đô thị:

Hiệu quả chống ngập còn thấp

Lâu nay TPHCM đã tốn chi phí lớn vào các công trình chống ngập nhưng hiệu quả đem lại không cao. Các công trình chống ngập hiện nay như nâng đường chỉ giải quyết tình trạng tức thời, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Khi nâng đường nhà dân thấp hơn mặt đường, dân lại phải bỏ chi phí lớn để sửa nhà, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Trước đây TP cũng đã áp dụng các biện pháp như lắp van ngăn triều cường, xây kè nhưng cũng không phát huy được hiệu quả. Bởi van ngăn triều cường là biện pháp thủ công, khi nước triều cường cao kèm theo mưa nước cũng không thoát ra sông được, gây ngập trên đường. Như trước đây, do lo sợ mưa lớn nước không thoát được bên chống ngập tháo các van ngăn triều cường, đến khi triều cường lên, nước tràn vào làm khu trung tâm quận 1 cũng ngập kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
Hiện nay dự án cống ngăn triều cường với kinh phí 10.000 tỷ đồng cho 6 cống đang được triển khai trên địa bàn TPHCM, nhưng cũng chỉ giải quyết tình trạng ngập do triều cường và chỉ giải quyết được một khu vực nhất định. Khi những cống này hoàn thành cần phải dự tính lượng nước triều cường sẽ chuyển từ khu vực này sang khu vực khác.

Các tin khác