Cần tầm nhìn Quy hoạch tổng thể quốc gia

(ĐTTCO) - Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo tinh thần của Luật Quy hoạch 2017 là vấn đề rất lớn, chưa có tiền lệ, kinh nghiệm quốc tế cũng không nhiều.
Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tầm nhìn dài, đột phá nhưng tránh theo trào lưu, lợi ích nhóm.
Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tầm nhìn dài, đột phá nhưng tránh theo trào lưu, lợi ích nhóm.
 Làm thế nào để có được quy hoạch tốt, kiến tạo được không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững? TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, dành cho ĐTTC cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: -Thưa ông, ông có nhận định khái quát như thế nào về việc lần đầu tiên chúng ta xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch 2017?
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Lập quy hoạch không phải công việc mới, nhưng quy hoạch tổng thể quốc gia là lần đầu tiên được triển khai xây dựng theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Điều này, nhằm tạo cơ sở cho hàng loạt quy hoạch quốc gia, như quy hoạch sử dụng đất, không gian biển; các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh… trên cả nước.
Nôm na là theo Luật Quy hoạch 2017, chúng ta xây dựng quy hoạch bao trùm trước, tỏa dần xuống dưới. Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực, về thời gian…, nhất là nhân lực làm quy hoạch, thực tế chúng ta đang đồng thời tiến hành xây dựng quy hoạch các cấp. 
Để sửa chữa những khiếm khuyết trong không gian phát triển hiện nay (như bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, các địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình; chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; chưa tập trung nguồn lực hình thành các vùng động lực…), khối lượng công việc cực lớn, đòi hỏi quá trình lao động tận tâm tận lực của đội ngũ làm quy hoạch, thẩm định quy hoạch.
Thẳng thắn mà nói, đội ngũ này còn mỏng và nhiều hạn chế, đặc biệt còn thiếu tầm nhìn xa và tư duy đột phá. Bởi làm quy hoạch giống như tính toán một cuộc cờ, trong đó nhiều nước đi có thể đến 20 năm sau mới thực hiện, không chỉ là ứng phó với những khó khăn, vướng mắc trước mắt. Có như thế mới kiến tạo được động lực mới cho phát triển.
- Được biết các vùng kinh tế trọng điểm được xác định là một trong những trọng tâm khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Vừa qua, tuy đã có sự phân chia vùng kinh tế trọng điểm, nhưng tính liên kết rất hạn chế, chính sách cho vùng cũng không có gì ưu đãi, đột phá, do đó các vùng này cũng chưa hoàn thành vai trò động lực như kỳ vọng, thưa ông?
- Tôi cho rằng khái niệm “vùng kinh tế trọng điểm” hiện nay thực chất chưa phải là quy hoạch, mới chỉ là sự tập hợp nhóm địa phương lân cận vào một “câu lạc bộ” sinh hoạt mỗi năm một lần, ký kết được vài thỏa thuận liên kết mang tính tượng trưng, hữu hảo.
Hơn nữa, có quá nhiều tỉnh thành nằm trong các “trọng điểm” đó, có nghĩa không thể áp dụng cơ chế vượt trội thực sự được. Để có được quy hoạch thực sự, trong một số trường hợp phải “đập vỡ” các ranh giới vùng hiện nay và lựa chọn lại theo quy luật khách quan, theo nhu cầu thị trường và lợi thế của từng vùng, từng địa phương, quan tâm thích đáng đến những mục tiêu riêng của mỗi địa phương. Phạm vi thực hiện phải tập trung, không nên dàn trải, đặc biệt chính sách cần được “may đo” với những đặc thù rõ rệt.  
Cũng cần phải nói rất rõ là có quy hoạch thì phải thực hiện, tất nhiên phải là quy hoạch thực sự có chất lượng.
- Vậy phải làm thế nào để có những quy hoạch có chất lượng, khi đội ngũ làm quy hoạch của chúng ta vẫn mỏng, lại đang phải dàn hàng ngang để cùng lúc xây dựng các loại quy hoạch cho kịp tiến độ đã quy định, thưa ông? 
- Tôi cho rằng khâu quan trọng nhất hiện nay cần củng cố là nhân lực để làm quy hoạch. Nhà nhà làm quy hoạch, người người vội vã làm quy hoạch chạy tiến độ sẽ khó đảm bảo chất lượng. Nhiều ngành, địa phương đã lựa chọn thuê tư vấn nước ngoài và huy động các nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch.
Đó là giải pháp đúng, nhưng bên cạnh đội ngũ tư vấn nước ngoài rất giỏi về nguyên lý và phương pháp quy hoạch, cần có sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia trong nước am hiểu tình hình thực tế. 
Trước mắt, theo tôi cần có các nhà lãnh đạo, nhất là ở cấp địa phương, thực sự nghiêm túc nhìn nhận vai trò của quy hoạch và tâm huyết, sát sao với công tác quy hoạch; vượt ra khỏi tư duy nhiệm kỳ, tư duy lợi ích kiểu “gửi gắm” dự án này, dự án nọ.
Đặc biệt là chốt chặn quan trọng nhất: ý chí, bản lĩnh chính trị của những người đứng đầu dám từ chối phê duyệt những quy hoạch không đảm bảo yêu cầu. Sau hết, để quy hoạch phát huy hiệu quả cao nhất, cần có cả những giải pháp phi quy hoạch. 
- Ông có thể giải thích rõ hơn về “giải pháp phi quy hoạch”?
- Như đã nói, quy hoạch là sắp xếp không gian gắn với phân bố nguồn lực. Khi đã định hướng phát triển một khu vực thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực phát triển, phải mạnh dạn để lại đủ nguồn lực để các địa phương trong vùng giải quyết các vấn đề của mình, tiếp đó chung sức xây dựng hệ sinh thái phát triển vùng.
Mạnh dạn lọc bỏ những gì có thể đang rất nóng, rất hợp trào lưu như kinh tế số, kinh tế môi trường... nhưng chưa phù hợp với đặc điểm vùng mình, địa phương mình, dứt khoát phân công phát triển dựa trên lợi thế riêng có.
Xưa nay khi phân bổ nguồn lực, tâm lý chung vẫn là nghèo thì được thương, giàu thì tận thu. Nhưng lẽ ra ở đâu có tiềm năng và cơ hội cần tập trung nguồn lực vào đó, có chính sách hợp lý để đẩy nhanh phát triển, tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội, từ đó lại có nguồn lực phân bổ cho chỗ khác, mục tiêu khác.
Theo quy luật thị trường, dù chính sách thuế hay tiền sử dụng đất có thấp đến đâu, ở một số khu vực, nhà đầu tư vẫn rất khó nhìn thấy cơ hội tạo ra lợi nhuận, nên họ cũng sẽ không vào. 
- Xin cảm ơn ông.
 Đội ngũ làm quy hoạch của chúng ta hiện nay còn mỏng và nhiều hạn chế, đặc biệt còn thiếu tầm nhìn xa và tư duy đột phá.

Các tin khác