Cần thay đổi cấu trúc kinh tế

(ĐTTCO) - Hiện nay, trong hầu hết các cấu trúc kinh tế của Việt Nam, từ phân phối lần đầu đến phân phối lại đều gặp vấn đề nên cần nhanh chóng thay đổi.
 
Cần thay đổi cấu trúc kinh tế

Thành phần kinh tế trong GDP

 Nếu tạo được niềm tin với người dân, lượng để dành trong dân không chỉ là tiền tệ, mà sẽ đi vào đầu tư cho sản xuất để tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Vì thế, thay đổi cấu trúc kinh tế hợp lý, đạt hiệu quả cao là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 2005-2015 khoảng 6%, đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Song nhìn sâu hơn vào cấu trúc sở hữu trong GDP, cho thấy đóng góp vào GDP cơ bản từ khu vực cá thể.
Trong suốt giai đoạn 2005-2015, tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực này so với GDP luôn ổn định ở mức trên 31%. So sánh rộng hơn, tỷ trọng khu vực kinh tế cá thể trong GDP giảm chưa tới 1%, trong khi tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm từ 29,34% trong năm 2010 xuống 28,69% năm 2015, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khoảng 3%. 

Như vậy cấu trúc về sở hữu cho thấy nền kinh tế Việt Nam rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi đáng kể. Các DN nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực sở hữu này trong GDP rất thấp (dưới 8%) và không hề thay đổi trong suốt giai đoạn 2005-2015. Điều này lý giải khi số lượng DN trong nước tăng lên hay mất đi chỉ về số lượng, còn giá trị dường như không thay đổi và tăng trưởng GDP chỉ là tăng trưởng về bề nổi.

Bức tranh giá trị gia tăng

Với 2 nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất đều sụt giảm trong giai đoạn 2007-2015; đặc biệt nhóm ngành công nghiệp giảm từ 34,7% năm 2007 xuống còn 21,7% năm 2015. Việc giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp mà nền kinh tế nhận được ngày càng nhỏ so với giai đoạn trước, cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp. Tỷ lệ này đối với nhóm ngành nông nghiệp tuy không giảm mạnh như nhóm ngành công nghiệp, nhưng cũng có xu hướng giảm (từ 68% năm 2007 xuống 63% năm 2015).

Với cấu trúc ngành như vậy, hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất nước ta ngày càng kém, tức sản xuất và xuất khẩu dù nhiều nhưng phần chúng ta nhận lại được ngày càng ít. Như vậy, chiến lược công nghiệp hóa đang có vấn đề khi việc sử dụng đất đai không hiệu quả, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại. Hơn nữa, cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập sâu rộng càng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể trong các giai đoạn, cho thấy xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm (-13,3%), ngược lại nó tác động rất mạnh đến việc tăng nhập khẩu (tăng 52%). Điều này khẳng định xuất khẩu ở thời điểm hiện nay không những là xuất sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công, mà còn gây nên nhập siêu mạnh. Xét trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao.

Điểm đáng lưu ý từ năm 2005-2015, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng từ 57% năm 2005 lên 67% trong năm 2015. Nhưng nghịch lý là tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại không tăng lên đáng kể (từ 15,2% năm 2005 và 18,07% năm 2015). Điều này phần nào cho thấy khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng. Mặt khác, điều này cũng chỉ ra sản xuất của khối DN trong nước đang gặp khó khăn.

Quá trình phân phối lại

Về bản chất, nguồn cơ bản để quay lại đầu tư là từ để dành. Mỗi một gia đình hay quốc gia đều phải biết số tiền để dành của mình là bao nhiêu, dùng cho việc gì (đầu tư hay cho vay hoặc phải đi vay). Trong khi với Việt Nam các chỉ tiêu tăng trưởng GDP và thu hút FDI vẫn luôn là thước đo để đánh giá thành tích và sức khỏe của nền kinh tế. Do vậy chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận lại việc định hướng phát triển cho nền kinh tế về dài hạn, không phải cứ lấy chỉ tiêu tăng trưởng GDP làm chuẩn mực để phấn đấu. Tăng trưởng GDP có thể cao, nhưng thực chất của một quốc gia có được phải là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm.

Trong khi đó, chênh lệch giữa GNI và GDP của Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng: Năm 2000 chênh lệch này chỉ khoảng 1,4%, đến năm 2014 chênh lệch giữa GDP và GNI xấp xỉ khoảng 5%. Nếu quy ra USD, năm 2000 thu nhập sở hữu thuần ra nước ngoài chỉ khoảng 0,45 tỷ USD, đến năm 2015 luồng tiền chảy ra nước ngoài ước tính tăng lên khoảng 9,7 tỷ USD. Sở dĩ tỷ lệ để dành trong GDP không sụt giảm nhiều do lượng kiều hối hàng năm về nước trên dưới 10 tỷ USD. 

Sau cùng nguồn lực cơ bản của một đất nước là khả năng để dành của nền kinh tế để đầu tư. So sánh tỷ lệ và đầu tư để dành của Trung Quốc và Việt Nam, cho thấy khoảng cách giữa tỷ lệ đầu tư và để dành của Trung Quốc rất lớn (đầu tư vượt quá nguồn lực). Trong nhiều năm tỷ lệ đầu tư trong GDP của Trung Quốc khoảng 45%, trong khi tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng trong nhiều năm qua chỉ khoảng 50%.
Để đẩy tăng trưởng GDP, Trung Quốc đã đầu tư quá mức. Khi đầu tư vượt quá nguồn lực sẽ dẫn đến vay mượn. Tình hình này ở Việt Nam tương đối khác, tỷ lệ đầu tư và để dành của Việt  Nam tương đương nhau nhưng việc vay mượn của Việt Nam lại ngày càng tăng lên. Điều này cho thấy để dành của Việt  Nam nhiều phần vẫn mang tính tiền tệ. 

Một điều cần cảnh báo là gần đây các địa phương huy động nguồn lực của người dân và doanh nghiệp với một khái niệm mập mờ được gọi là “nguồn vốn xã hội hóa”, nhằm xây dựng những công trình như đài tưởng niệm, cổng chào và các công trình khác không lan tỏa đến sản xuất, nhưng lại hao tổn nguồn lực của nền kinh tế.

Các tin khác