Cảng Cái Mép mới phát triển phần… mép!

(ĐTTCO) - Bài viết của hãng tin Bloomberg về cảng biển Việt Nam không chỉ xác định số tiền thiếu hụt trong đầu tư cảng biển, mà cái thiếu lớn nhất đó chính là một “dự án khai thông” sự tắc nghẽn tại các cảng biển. Vì sao lại có sự tắc nghẽn của một dự án cảng biển quan trọng bậc nhất Việt Nam?
Nhìn lại 30 năm đổi mới kinh tế với nhiều chủ trương lớn gắn với hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, Việt Nam đã chủ động hội nhập, tham gia và ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương với nhiều quốc gia lớn và các tổ chức thương mại. Thế nhưng, cửa ngõ cho sự thúc đẩy này được Bloomberg Intelligence đánh giá đang bị tắc nghẽn. Trong khi 20 năm quy hoạch cảng biển được Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá đủ khả năng đáp ứng. Liên tục tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, sản lượng hàng qua cảng liên tục tăng trưởng. 
Theo quy hoạch, cả nước có 2 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế). Đó là cảng Cái Mép được xếp vào loại quan trọng và hiện cũng đã được Cục Hàng hải xác nhận đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới 194.000 DWT. Ngay chính ông Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu xác nhận, sản lượng qua cảng tăng mỗi năm. Thế nhưng, dù là một cảng quan trọng của cả một vùng kinh tế trọng điểm, nhưng đã 20 năm quy hoạch phát triển vẫn chưa là một cảng biển xứng với tiêu chuẩn xếp loại của nó.
Nguyên nhân đều được Cục Hàng hải, Hiệp hội Cảng biển, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam… chỉ ra chính là sự yếu kém của kết nối cảng biển với vận tải đa phương thức, phát triển hệ thống cảng cạn, từ đó thiếu cánh tay nối dài của cảng biển để vừa hỗ trợ các dịch vụ của cảng biển, vừa góp phần tổ chức hiệu quả mạng lưới giao thông. Còn cảng Cát Lái thì không thể phát triển chủ trương này vì bao quanh là những đại dự án đô thị cao tầng, trong khi đó một cánh tay nối dài của Cảng Cái Mép là khu công nghiệp Cái Mép đang bị “ngủ đông”. Đây mới là vấn đề mà Bloomberg đề cập. 
Để giúp cho Cảng Cái Mép phát triển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch cả một khu công nghiệp rộng lớn và nhờ đến một tổng công ty lớn của TPHCM xây dựng và phát triển. Thế nhưng đã gần 20 năm, khu công nghiệp Cái Mép cũng chỉ triển khai cho thuê đất và mới được một khu (khoảng 50% diện tích), nhưng trong số đó chỉ có 2 công ty thực sự đầu tư, số còn lại được “phái sinh” để đầu cơ đất. Đây cũng là một vấn đề quan trọng mà Bloomberg đề cập, làm cho giá đất tại các khu công nghiệp tăng giá quá cao. Điều này càng làm bất lợi cho việc khai thác cảng biển, làm xấu đi sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, làm cho những chủ trương lớn trong phát triển kinh tế của nhà nước không phát huy.
Được xếp vào loại Cảng IA và nằm trong một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước được chú trọng đầu tư, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mong muốn phát triển khu công nghiệp Cái Mép hơn ai hết, nhưng việc phát triển dự án này cũng “im hơi lặng tiếng” như hoạt động của tổng công ty này. Xem ra nguồn lực của tổng công ty được ưu tiên thực hiện theo những mục tiêu của đại diện chủ sở hữu là TPHCM hơn là mong muốn của tỉnh bạn. Những thay đổi nhân sự gần đây tại tổng công ty đã đưa đến nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra trong chưa đầy 1 năm qua, thì thử hỏi làm sao chung tay thực hiện mục tiêu lớn. 
Ước tính 8 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân được 12 tỷ USD, liệu trong số đó khu công nghiệp Cái Mép có tiếp nhận được đồng vốn nào trước lợi thế đang có? Gần như là một con số không, dù rằng một số hợp đồng cho thuê đất cũng được triển khai ký kết, nhưng cũng chỉ là những dự án “ma” với mục đích đầu tư bất động sản khu công nghiệp. 
Liệu rằng, các đoàn kiểm tra, thanh tra tại tổng công ty này có biết các hợp đồng cho thuê đất ở tại khu công nghiệp này đang triển khai như thế nào không? Hay chỉ thanh tra vào các nội dung về sử dụng tài sản, chính sách tài chính, chi tiêu các nguồn quỹ để thực hiện cho một mục tiêu nào đó, hơn là thanh tra việc thực hiện những chủ trương lớn mà cả nước đang chung tay. Phải chăng, nhân chuyện chỉ đạo của Thủ tướng về đầu tư phát triển cảng biển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nên rà soát thực trạng trên.

Các tin khác