Cắt giảm chi phí nhìn từ các nước

(ĐTTCO) - Trong các hợp đồng thương mại quốc tế, các DN nước ngoài luôn đặt ra quy định nếu có phát sinh thêm chi phí tuân thủ pháp luật, hợp đồng sẽ thay đổi. Điều này cho thấy chi phí này rất quan trọng và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực cắt giảm. Đây có thể là những gợi ý cho Việt Nam.
Tajikistan
Tương tự Việt Nam, Tajikistan có nền kinh tế chuyển đổi. Hệ thống pháp luật của quốc gia này là hệ thống dân luật với nhiều cấp văn bản quy phạm pháp luật, như luật, nghị định, nghị quyết, chỉ thị…
Năm 2007, Tajikistan có xuất phát điểm về chi phí tuân thủ kém hơn Việt Nam, nhưng đến 2017 đã tốt hơn hẳn Việt Nam và ở mức trung bình của thế giới. Hiện nay, Tajikistan có mức độ cải cách chi phí tuân thủ pháp luật tốt nhất trên thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 10 năm (2007-2017) về điểm số chi phí tuân thủ pháp luật 7,81%, tỷ lệ tương ứng của Việt Nam 2,43%. 
 Mặc dù sự tiến bộ của Việt Nam là thường xuyên, nhưng nếu chỉ đạt mức trung bình của các nước thu nhập bình quân trung bình, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém cạnh tranh. 
Trong giai đoạn 2008-2018, hàng năm quốc gia này đều được quốc tế ghi nhận những cải cách đáng kể cho cộng đồng DN trong cải thiện chi phí tuân thủ pháp luật.
Cụ thể, trong cải cách thủ tục hành chính và điều kiện gia nhập thị trường, Tajikistan liên tục trong nhiều năm có sự cải thiện để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng (2010, 2015); giảm thuế (2011, 2014); cải cách thủ tục đóng thuế (2014, 2015, 2017… Việc cải thiện này đã làm giảm chi phí thực hiện thủ tục pháp luật của DN. 

Canada
Là quốc gia đầu tiên trên thế giới luật hóa nguyên tắc “One - for - One Rule” (một đổi một), để kiểm soát chi phí tuân thủ pháp luật. Thông qua nguyên tắc này, Canada đã giảm thiểu được chi phí tuân thủ pháp luật đối với DN thông qua 2 cách.
Thứ nhất, khi quy định mới được ban hành hoặc sửa đổi dẫn tới tăng chi phí tuân thủ, cơ quan ban hành/sửa đổi phải cắt giảm khoản chi phí tuân thủ tương ứng trong hệ thống các quy định do cơ quan đó quản lý.
Thứ hai, khi muốn ban hành quy định mới áp đặt chi phí tuân thủ mới cho DN, cơ quan ban hành phải hủy bỏ quy định hiện hành. 
Trong 2 năm đầu áp dụng (2012 và 2013), nguyên tắc “một đổi một” đã giúp chính phủ Canada giảm được khoản chi phí tuân thủ pháp luật khoảng 24 triệu USD, tiết kiệm 344.000 giờ làm việc, hủy bỏ 20 quy định.
Trong 2 năm tiếp theo (2014 và 2015), mỗi năm quốc gia này giảm được 2,7 triệu USD chi phí tuân thủ pháp luật. 11 quy định mới/sửa đổi làm tăng thêm chi phí tuân thủ pháp luật khoảng 50.000USD đánh đổi bằng 13 quy định bị bãi bỏ với tổng chi phí tuân thủ 3,2 triệu USD và tiết kiệm 80.000 giờ làm việc. 
Cắt giảm chi phí nhìn từ các nước ảnh 1 Thủ tục hành chính là vấn nạn đáng lo ngại nhất của doanh nghiệp. Ảnh: VIẾT CHUNG 
Cách làm của Canada là đánh giá tác động về chi phí tuân thủ rất chi tiết. Canada vẫn tiếp tục tiến hành rà soát các điều kiện pháp luật áp dụng trong hoạt động kinh doanh. Một số chính sách, kinh nghiệm tốt của Canada đã được áp dụng ở Việt Nam, như quy trình xây dựng chính sách và quy phạm luật, đánh giá tác động chính sách trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. 
Singapore
Singapore là quốc gia có môi trường pháp lý kinh doanh thân thiện nhất thế giới. Điểm số về chi phí tuân thủ của Singapore luôn trên mức cao của thế giới và khu vực. Hàng năm, Singapore đều có cải cách pháp luật và thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN, thúc đẩy hoạt động kinh doanh như khởi sự DN (2009, 2010, 2019); đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động (2010, 2014, 2017); tiếp cận tín dụng (2011, 2014); bảo đảm thực thi hợp đồng (2015, 2019); giải quyết phá sản (2018); thủ tục hải quan (2018). 
Tại Singapore, phần lớn thủ tục hành chính được điện tử hóa, thực hiện trực tuyến. Hệ thống giải quyết tranh chấp bằng tòa án, trọng tài hay hòa giải đều áp dụng công nghệ tin học để giảm thiểu thời gian tham gia các bên, nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp. Singapore cũng duy trì cơ chế đánh giá các chi phí tuân thủ pháp luật không cần thiết tại các văn bản hiện hành, bên cạnh hệ thống đánh giá tác động quy phạm pháp luật mang tính dự báo cho công tác soạn thảo. 

Malaysia
Sau giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á năm 2008, Malaysia thực hiện cải cách nhiều thủ tục hành chính và văn bản pháp luật. Nước này có chủ trương phát triển nền kinh tế với thành phần tư nhân làm chủ đạo. Malaysia có đơn vị chuyên trách chuyên rà soát các chi phí tuân thủ pháp luật không cần thiết tại các văn bản pháp luật.
Việc rà soát này đã tác động tích cực vào năng suất của nền kinh tế, được coi là hoạt động then chốt trong kế hoạch nâng cao năng suất quốc gia. 
Một quy định pháp luật sẽ được Malaysia đánh giá tác động trước khi soạn thảo. Sau khi quy định được ban hành, tiếp tục được theo dõi việc thực thi để xác định xem quy định này có cần thiết cho DN và nền kinh tế hay không.
Toàn bộ quá trình đánh giá tác động, soạn thảo hay theo dõi việc thi hành luôn được tham vấn với DN để giảm thiểu các chi phí tuân thủ pháp luật (chi phí tài chính, thời gian). Malaysia cũng liên tục cải thiện quy trình đánh giá, theo dõi và giảm thiểu chi phí tuân thủ. 

Khuyến nghị
Để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật thực chất hơn, Việt Nam cần nâng cao trách nhiệm các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 9-11-2018 của Chính phủ, về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN; Nghị quyết 02 ngày 1-1-2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 hướng đến năm 2021. 
Chính phủ, Bộ Tư pháp cần quyết liệt hơn nữa yêu cầu các cơ quan soạn thảo phải có những đánh giá tác động thực chất, có chất lượng giúp công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo quy định pháp luật.
Ngoài ra các báo cáo rà soát, thẩm định thẩm tra dự thảo phải chú ý tới các chi phí tuân thủ pháp luật tiềm ẩn, như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, thuế và các khoản có tính chất thuế, chi phí thời gian, chi phí cơ hội… 

Các tin khác