Chấp nhận hy sinh kinh tế trong ngắn hạn

(ĐTTCO)-Bối cảnh hiện tại của thế giới được ví như đang trong một trận sóng thần. Ai cũng hy vọng cơn sóng thần này qua nhanh. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này sẽ khó kết thúc sớm. Và Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy này.
Chấp nhận hy sinh kinh tế trong ngắn hạn
Thiệt hại toàn diện
Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, nước có quan hệ làm ăn lớn với nước ta, nhiều dự báo về thiệt hại kinh tế đã được đưa ra. Theo đó, nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu, dịch vụ sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là những ngành nghề vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
Nhưng với việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm dịch trong những ngày qua, khi công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam bước vào giai đoạn mới, những hậu quả do Covid-19 gây ra càng hiển hiện rõ hơn, với mức độ thiệt hại trầm trọng hơn.
Những biện pháp chống dịch chưa từng có, đang tác động từng ngày từng giờ lên nền kinh tế. Cụ thể, Việt Nam đã ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài trong 1 tháng cũng như ngưng tất cả chuyến bay quốc tế đến hết ngày 30-4 để kiểm soát dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp du lịch gần như “đóng băng” vì không có khách.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không khoảng 30.000 tỷ đồng năm 2020 (tăng 5.000 tỷ đồng so với dự báo trước đó).
Hoạt động vận tải đường bộ, trong đó vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng sẽ sụt giảm 40-80% sản lượng so với năm 2019 và thời điểm trước khi có dịch bệnh. Trong khi đó, ngành du lịch dự kiến con số thiệt hại trong 3 tháng tới chắc chắn vượt hơn nhiều 7 tỷ USD Tổng cục Du lịch ước tính. 
Nền kinh tế có thể sẽ thêm nhiều chỉ số suy giảm hơn trong các tháng tới, lúc mà nguồn nguyên liệu dự trữ của doanh nghiệp đã cạn kiệt và nguồn hàng mới vẫn chưa thể cập cảng, cũng như do tác động của các biện pháp mạnh được áp dụng.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho thấy nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể phá sản. Covid-19 còn khiến hoạt động sản xuất có thể trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
 Kinh tế có khó khăn, có thể tìm giải pháp hỗ trợ nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế. Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân.
Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc
Kinh tế nước nhà bước sang tháng cuối cùng của quý I-2020 bằng cơn lốc đỏ rực quét sạch hơn 55 điểm của tuần đầu tháng 3 trên sàn chứng khoán. Việc kinh doanh quán bar, rạp chiếu phim, vũ trường... cũng tạm ngưng trên nhiều thành phố để ngăn dịch.
Thất thu ngân sách đã ngày càng rõ hơn, khi TPHCM "bay" mất hơn 1.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2020, kèm theo đó là vốn đăng ký đầu tư giảm mạnh 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi, đó, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hơn 300/1.000 sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đã phải đóng cửa. Ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Quyết liệt hành động vì sức khỏe cộng đồng
Trong những lúc khó khăn, rối ren và hoang mang nhất khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành, mỗi người dân Việt Nam đều đã thấu hiểu và cảm nhận được thông điệp “bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân” và để “không bị ai bỏ lại đằng sau” của Chính phủ.
Thiên tai, dịch bệnh là những sự cố ngoài ý muốn của con người, nhưng trên thực tế nó luôn xảy ra bất cứ lúc nào. Để ứng phó với nó, mỗi quốc gia có những đối sách riêng, qua đó thể hiện năng lực điều hành và giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Liên tục có những quyết định kịp thời, cấp bách, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Thông điệp Chính phủ đưa ra đó là tinh thần “chống dịch như chống giặc”; "sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.
Chính phủ coi vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 13-3).
Từ những hành động quyết liệt và mang tính nhân văn như vậy của Chính phủ đã hội tụ được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc và trách nhiệm với cộng đồng từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ để họ tự nguyện san bớt gánh nặng. Ngày 17-3, Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu của các tỉnh thành trong cả nước. 
 Chủng virus corona mới có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống dưới mức 2,5%, mức được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, chúng ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiên quyết chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Bởi không có chính sách kích cầu nào hiệu quả bằng việc khống chế được Covid-19...  

Các tin khác