Chấp nhận lạm phát cao trong hoàn cảnh đặc biệt

(ĐTTCO) - Tại Việt Nam, chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng thận trọng. Còn trong cung cầu hóa nội địa có 2 xu hướng, có những mặt hàng nguồn cung dồi dào nhưng không tiêu thụ được, có những mặt nguồn cung rất hạn chế và sắp tới sẽ đối mặt với thiên tai bão lụt nhưng cầu lại rất cao, nhất là hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho người dân. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Giá hàng tăng là điều không tránh khỏi, khi Việt Nam đang dần mở cửa nền kinh tế, nhu cầu về tiêu thụ cũng sẽ cao hơn, từ đó đẩy giá lên. Nhưng 2 xu hướng này bù trừ cho nhau nên sức ép lên lạm phát sẽ không mạnh.
Lạm phát nhập khẩu mới là yếu tố có tác động mạnh đối với Việt Nam. Giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Song song đó, giá các nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, chi phí logistics tăng cao.
Nếu muốn kiểm soát lạm phát, trước hết phải kiểm soát nhập khẩu, chỉ nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu và giới hạn chặt chẽ những mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như rượu bia, xa xỉ phẩm.
Tuy nhiên, nếu muốn kiểm soát lạm phát theo hướng này cũng cẩn thận, vì Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu tìm cách khống chế nhập khẩu qua những hàng rào kỹ thuật có thể sẽ bị trả đũa hay trừng phạt.
Đặt trong bối cảnh đó, dự báo lạm phát năm nay có thể cao hơn mức 4%, nhưng không cao hơn quá nhiều vì sức cầu của nền kinh tế vẫn còn rất yếu.
Cũng nói thêm, ở Việt Nam, kiểm soát lạm phát, ổn định VNĐ là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong chính sách kinh tế vĩ mô. Đây là điều tốt, vì trong quá khứ có những năm ghi nhận tỷ lệ lạm phát rất cao, VNĐ mất giá rất mạnh. Đương nhiên điều đó cũng quan trọng trong lúc này.
Nếu đặt lên bàn cân giữa phục hồi và phát triển kinh tế và kiểm soát lạm phát, thời điểm này nên đặt ưu tiên phát triển kinh tế như các nước, nên có giải pháp để tung lượng tiền vào lưu thông. Tức phải xem hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) là thiết yếu trong lúc này. 
Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, rất nhiều DN đang gặp khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản vì thiếu vốn do tác động dịch bệnh. 9 tháng năm 2021, 45.100 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân 1 tháng có 10.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Với bối cảnh như vậy, vấn đề hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ DN, người dân là yêu cầu tối quan trọng, phải chấp nhận lạm phát cao hơn bình thường, có thể ở mức 5-6%, để cứu nền kinh tế. Bởi nếu không có sự hỗ trợ đúng và đủ, sự hồi phục của DN trong thời gian tới rất mỏng manh.

Các tin khác