Châu Âu: Chia rẽ và phân hóa

(ĐTTCO) - Hiện tại kinh tế châu Âu không còn là một thực thể phân tích đơn nhất nữa, vì đã có sự phân hóa khá rõ ràng về tốc độ tăng trưởng và rủi ro trong các nền kinh tế thuộc cùng khối EU, hay ngay cả ở một tập hợp hẹp hơn là những nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Dấu hiệu phân hóa đã tồn tại từ lâu
Một khu vực kinh tế chung, hai tốc độ riêng, là khái niệm mà giới phân tích gần đây thường sử dụng để hình dung về kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, đó là một nhóm các nước cốt lõi mà khi người ta nói về kinh tế châu Âu thường đề cập đến. 
 Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm 0,7% (số liệu từ Tổng Cục Hải Quan) trong 7 tháng đầu năm. Đây là một tín hiệu cho thấy không thể xem thường tác động của sự trì trệ kinh tế ở EU đến Việt Nam.
Vì sao người ta quan tâm đến nhóm này? Vì các nước này sử dụng chung đồng Euro, và do đó những biến động của đồng Euro cũng như quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sẽ tác động đến toàn bộ khối này. Mặt khác, đây cũng là nhóm bao gồm các nền kinh tế lớn nhất, và có ảnh hưởng nhất đến quyết định kinh tế của khối kinh tế rộng hơn là EU. Nước Anh tất nhiên là một câu chuyện khác, và họ cũng có thể sẽ sớm rời khỏi khối kinh tế EU.
Sự phân hóa của kinh tế châu Âu đã tồn tại từ lâu, nhưng hiện nay ngày một sâu sắc trước tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Một điều có thể dễ thấy là hiện tại những đầu tàu kinh tế của châu Âu như Đức và Ý, đang ngày càng bộc lộ rủi ro đi vào trạng thái gần như không tăng trưởng (chưa phải suy thoái).  Chỉ số niềm tin công nghiệp của Đức trong tháng 8 công bố vẫn ở mức âm 11,2, dù khá hơn mức  âm 13 của tháng 7. 
 Châu Âu: Chia rẽ và phân hóa ảnh 1 Khu vực những nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã có dấu hiệu chia rẽ và phân hóa.
Mức lạm phát thấp nhất trong vòng 3 năm qua của Đức đang được giới phân tích cho là tín hiệu của sự sụt giảm niềm tin tiêu dùng, khi niềm tin công nghiệp suy giảm. Đây là mức thấp nhất so với các nền kinh tế chính của khu vực sử dụng đồng Euro. Cơ bản, sự trì trệ của sản xuất công nghiệp ở Đức đã kéo dài khoảng 12 tháng, do đó không có gì lạ khi tâm lý bi quan bắt đầu lan ra khu vực tiêu dùng. 
Nền kinh tế lớn khác trong khối đồng tiền chung châu Âu là Ý không hề khá hơn. Sản xuất công nghiệp đình đốn, đơn đặt hàng công nghiệp giảm (giảm đến 4,8% trong tháng 6). Tuy nhiên, sự đình trệ của kinh tế Ý còn nguy hiểm hơn bởi 2 yếu tố: bất ổn chính trị và rủi ro đổ vỡ ngân hàng. Thị trường đang mong đợi sự thành lập của Chính phủ mới ở Ý, sẽ có thể phát đi tín hiệu lạc quan hơn về nền kinh tế và xử lý các mớ bòng bong về nợ và chi tiêu công (thâm hụt ngân sách hiện lên tới 23 tỷ Euro), sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố từ chức ngày 20-8. 
Việc Thủ tướng Giuseppe Conte từ chức, đã chính thức đánh dấu sự tan rã của Chính phủ liên minh giữa Đảng Liên đoàn phương Bắc của ông Matteo Salvini, và Phong trào 5 sao của ông Luigi Di Maio sau nhiều bất đồng sâu sắc trong thời gian qua. Nó đã đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm của Ý lên mức 1%, cao đáng kể so với mức lợi suất âm ở Đức. Lợi suất dương không phải là tin tốt, mà nó hàm ý lợi suất này còn có thể tăng cao nữa, nếu rắc rối chính trị ở Ý không được giải quyết.
Rất may, không phải mọi tín hiệu kinh tế châu Âu đều xấu. Những nền kinh tế nhỏ hơn và bị tác động xấu trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu trước đây như Bồ Đào Nha phát ra một số tín hiệu tích cực. Kinh tế Bồ Đào Nha đang gượng dậy về mức trước khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp giảm một nửa, hiện ở mức 6,7%. Mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP vẫn trên 100%, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã  xếp hạng triển vọng của nền kinh tế này lên mức “lạc quan” (từ mức “ổn định”). 
Kinh tế Pháp cũng cho thấy dấu hiệu tương đối vững vàng, dù không thật sự ấn tượng. Tăng trưởng GDP của Pháp vẫn được duy trì ở mức 0,3%, cao hơn dự đoán là sẽ giảm về dưới 0,2%. Chỉ số niềm tin kinh tế chung của Pháp vẫn ở xung quanh mức 104 và khá ổn định, trong khi chỉ số của Đức đang giảm nhanh, hướng về mức dưới 100. Nói cách khác, trong 3 đầu tàu kéo khối kinh tế sử dụng đồng Euro, hiện tại chỉ còn Pháp chống chọi, trong khi Đức và Ý đang loay hoay chống suy thoái.

Đầu tàu kinh tế: Anh đối mặt suy thoái
Một đầu tàu kinh tế lớn khác ở châu Âu, Anh, đang đối mặt với rủi ro cao sẽ đi vào suy thoái – ít nhất là suy thoái cục bộ ở một khu vực trong nền kinh tế. Chỉ số niềm tin kinh tế của Anh đang ở mức 92,5 (giảm so với mức 94,3 trong tháng 7). Đây là mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Niềm tin kinh doanh của 2 khu vực kinh tế quan trọng của Anh - bán lẻ và dịch vụ - đều suy yếu mạnh. 
Các tín hiệu này cho thấy Anh đang ở gần với suy thoái hơn bao giờ hết. Và chính phủ Anh do Thủ tướng Boris Johnson đứng đầu vẫn đang cho thấy quan điểm muốn đi vào một tình thế Brexit “cứng” vào tháng 10, mà với tình hình hiện tại, nhiều khả năng là không có thỏa thuận nào với châu Âu sẽ được ký kết.
Brexit mà không có thỏa thuận, nhiều khả năng sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Anh (có lẽ chỉ trừ Boris Johnson và nhóm nghị sĩ muốn giành lại quyền kiểm soát kinh tế từ Brussell mới nói là tác động không đáng kể). Nhưng nó cũng có thể tác động xấu đến kinh tế khu vực còn lại của EU. Đừng quên Anh là đối tác thương mại lớn trong top 3 của rất nhiều nền kinh tế chủ chốt của châu Âu, và hiện vẫn là một trong ba nền kinh tế lớn nhất của EU (bên cạnh Đức và Pháp). Không có một cuộc chia tay nào mà không gây tổn hại, đặc biệt là một cuộc chia tay không đạt được thỏa thuận.
Thương chiến Mỹ-Trung và những tranh chấp thương mại mà Tổng thống Mỹ Trump đang gây hấn, với việc tăng một số thuế lên một vài mặt hàng của châu Âu chưa có tác động rõ ràng đến kinh tế châu Âu, một phần nhờ một lượng lớn giao dịch thương mại của khối này là giữa nội bộ với nhau. Nhưng một cuộc chia ly không vui vẻ giữa Anh và EU sẽ có tác động. Mặt khác, sự trì trệ của kinh tế EU sẽ ảnh hưởng đến những nước xuất khẩu sang thị trường này, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. 
Sự trì trệ của kinh tế EU tuy không đến mức khủng hoảng như nhiều báo đài phóng đại, nhưng vẫn có thể bùng phát thành vụ đổ vỡ ngân hàng ở một số nền kinh tế, chẳng hạn như ở Ý. Năng lực của khối kinh tế này đủ sức kềm chế một cuộc khủng hoảng cục bộ như vậy, nhưng những phức tạp trong mối quan hệ chính trị giữa Ý, Đức và Pháp, đang ngày một lạnh nhạt có thể là rào cản cho những giải pháp nhanh chóng.
 Một khối kinh tế đang chia rẽ và phân hóa rất cần những cải cách chính trị để ổn định lại con đường phát triển chung của khối và riêng ở từng nước.  

Các tin khác