Chính sách kiều bào luôn rộng mở

(ĐTTCO)-Bà con kiều bào đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, tri thức dù sống ở đâu trên thế giới cũng luôn hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp kinh nghiệm, kiến thức, được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chia sẻ với ĐTTC về điều này, ông TRẦN ĐỨC HIỂN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết: 
Nguồn lực của kiều bào luôn muốn đóng góp phát triển quê hương.
Nguồn lực của kiều bào luôn muốn đóng góp phát triển quê hương.
Trước đây kiều bào ra đi vì nhiều lý do khác nhau, nay với những chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước, nhiều kiều bào nhất là đội ngũ doanh nhân, tri thức đã trở về quê hương đóng góp cho sự phát triển chung. Có thể thấy lượng kiều hối về Việt Nam những năm qua không ngừng tăng lên.
Theo số liệu chúng tôi có được từ Ngân hàng Thế giới, năm 1993 kiều hối về Việt Nam chỉ 140 triệu USD, nhưng năm 2019 đã lên tới 16,7 tỷ USD.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, lượng kiều hối về TPHCM trong năm 2019 ước tính 5,3 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 lượng kiều hối của cả nước. Khoảng 70% kiều hối về TP được đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 20% cho bất động sản và 10% trong các lĩnh vực khác. 
PHÓNG VIÊN: - Đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam kiều bào đã được hỗ trợ ra sao, thưa ông? 
Ông TRẦN ĐỨC HIỂN: - Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu nền kinh tế khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là là CPTPP và EVFTA. Điều này đã giúp các đối tượng DN đều được đối xử bình đẳng.
Trước đây khi đăng ký thành lập DN có ghi rõ là DN kiều bào, nhưng theo quy định mới không còn phân biệt. Riêng với TPHCM thời gian qua luôn nỗ lực tạo điều kiện để doanh nhân, tri thức kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh và hiến kế xây dựng TP.
Lãnh đạo TP luôn trân trọng và muốn phát huy nguồn lực kiều bào. Vào đầu tháng 4, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo TP tổ chức cuộc gặp giữa TP với chuyên gia tri thức, doanh nhân kiều bào hiến kế để xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP. 
- Ông có thể chia sẻ những thành công của công tác kết nối doanh nghiệp kiều bào và trong nước? 
 Chỉ thị 45-CT/TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, xác định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, đã thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, giúp công tác về người Việt Nam ở nước ngoài có những chuyển biến mạnh mẽ trong suốt 15 năm qua.
- Kiều bào sinh sống ở các quốc gia trên thế giới nên họ hiểu rõ thói quen tiêu dùng, văn hóa, thị trường nước sở tại. Vì vậy, khi được sự hỗ trợ của doanh nhân kiều bào, DN Việt, sản phẩm Việt khi xuất khẩu cũng có những thuận lợi nhất định. Chúng tôi với vai trò mắt xích trong kết nối đã thực hiện nhiều hội nghị, hội thảo để DN kiều bào và DN trong nước gặp nhau, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Hiện nay sản phẩm doanh nhân kiều bào quan tâm nhiều nhất vẫn là nông nghiệp - thế mạnh của Việt Nam. Thông qua kết nối đã có DN Việt xuất khẩu được xoài, vú sữa qua thị trường Pháp. Hay cách đây mấy tháng khi kết nối với Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam tại Thái Lan, sản phẩm nước mắm Hoàng Gia cũng đã vào được hệ thống siêu thị của một doanh nhân người Việt tại Thái, sắp tới có thể tiếp tục được đưa vào hệ thống sân golf.
Chúng tôi cũng đã kết nối Hiệp hội DN Việt Nam tại Ba Lan với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM để xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường Ba Lan, từ đó đi các nước châu Âu. 
Hồi cuối tháng 11, chúng tôi đã đưa một đoàn 60 kiều bào về tỉnh Tiền Giang gặp gỡ chính quyền tỉnh cũng như DN để tìm kiếm cơ hội đầu tư, tìm cơ hội đưa hàng nông sản của Tiền Giang đi các nước. Trong các buổi kết nối, kiều bào rất nhiệt tình, họ tự bỏ chi phí đi lại, tìm hiểu thông tin.
Về phía DN trong nước cũng rất mong muốn đẩy mạnh kết nối với DN kiều bào ở các nước. Khi nhu cầu 2 bên gặp nhau mọi thứ sẽ tiến triển rất nhanh. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức diễn đàn DN kiều bào toàn cầu tại TPHCM vào giữa năm 2020, với mong mỏi đội ngũ doanh nhân, tri thức kiều bào đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng TPHCM, đồng thời tạo cầu nối kết nối B2B cho DN kiều bào và DN trong nước. 
- Hiện đang có xu hướng kiều bào trẻ chọn trở về quê hương để làm ăn, thưa ông?
- Đúng vậy. Nhiều bạn trẻ sinh ra ở nước ngoài hoặc đi xuất cảnh từ lúc còn rất nhỏ, lớn lên, học tập, làm việc ở nước ngoài như người bản địa nhưng chọn con đường trở về quê hương một phần vì họ nhìn thấy cơ hội phát triển của Việt Nam.
Tiêu biểu như Daniel Nguyễn Hoài Tiến đã chọn vùng Tây Bắc làm nơi khởi nghiệp, với sản phẩm bắp bản địa đặc trưng. Thời gian đầu, Tiến gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng nay công việc của bạn đang rất thành công. Nếu có dịp gặp Tiến, người đối diện sẽ luôn cảm nhận được ngọn lửa đam mê công việc trong chàng trai trẻ này.
Nhiều bạn trẻ khác chọn con đường trở về làm trong các lĩnh vực công nghệ như AI, Blockchain... Họ đều cảm thấy vui, hạnh phúc khi trở về Việt Nam khởi nghiệp, cống hiến. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác