Chính sách tài khóa mở đường, chính sách tiền tệ hỗ trợ

(ĐTTCO)-Việc lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế cần đặt trong tầm nhìn trung hạn với các giải pháp phi truyền thống, thậm chí khác biệt với các chính sách đã từng được áp dụng trong quá khứ, vì bản chất tác động khủng hoảng do Covid-19 khác với các khủng hoảng trong quá khứ. Theo đó, cần sử dụng công cụ chính là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ. 
Chính sách tài khóa mở đường, chính sách tiền tệ hỗ trợ
Đó là quan điểm của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ NH Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM-IBT) về vấn đề lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19. Để hiểu rõ hơn, ĐTTC trích lược những chia sẻ của TS. TRẦN HÙNG SƠN, Phó Viện trưởng VNUHCM-IBT, về đề xuất các lựa chọn chính sách thích hợp cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam của nhóm nghiên cứu này.

Gói kích thích chỉ tác động giới hạn
Đại dịch Covid-19 là sự kiện dịch tễ ảnh hưởng đến tổng cung và tổng cầu của kinh tế thế giới. Đại dịch cũng gây gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, dẫn đến những khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp (DN), làm gián đoạn cả chuỗi cung ứng nội địa, kéo theo sự ảnh hưởng đến lao động, hoạt động đầu tư và có thể lan sang khu vực tài chính, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng NH.
Trước tình hình này, các quốc gia đưa ra nhiều chính sách đối phó, như chính sách về bảo vệ sức khỏe, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và những chính sách liên quan đến công nghiệp, thương mại. 
Tại Việt Nam, những chính sách về tiền tệ và tài khóa cũng được đưa ra. Tuy nhiên, các gói kích thích hiện nay của Việt Nam có tác động giới hạn đối với DN đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, vì chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra, chưa hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào của DN.
Đã có DN phải tạm ngưng hoạt động và có thể phải giải thể hoặc phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền, nhất là những đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng việc tiếp cận gói hỗ trợ bị hạn chế. Trong khi đó, việc suy giảm lãi suất không đáng kể trong thời gian qua, khiến lãi vay vẫn là gánh nặng lớn cho bên đi vay, làm ảnh hưởng đến tiến trình hồi phục của DN, cá nhân. Một số vấn đề về tầm nhìn trung hạn cũng chưa thể hiện rõ nét.
Thực tế trong bối cảnh hiện nay, việc xác lập quy mô của từng gói hỗ trợ phải kịp thời và đủ lớn, không chỉ trong ngắn hạn, phải được đặt trong tầm nhìn ít nhất là trung hạn, trên cơ sở cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu. Bởi lẽ, tác động tiêu cực của Covid-19 đến nền kinh tế chưa có tiền lệ, với tính chất và mức độ khác hẳn so với bất kỳ khủng hoảng, suy thoái trong quá khứ.
Cần vai trò chủ chốt của Chính phủ
 Để giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, cần sử dụng công cụ chính là chính sách tài khóa, còn chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Trong lúc này, Chính phủ cần đóng vai trò chủ chốt thông qua chi tiêu của Chính phủ để kích tiêu dùng và đầu tư. 
Đầu tiên, để giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, cần sử dụng công cụ chính là chính sách tài khóa, còn chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Đối với chính sách tài khóa, xét trong tương quan so với một số nền kinh tế mới nổi và một số quốc gia trong khu vực, Việt Nam có quy mô các gói hỗ trợ tương đương.
Tuy nhiên, việc giảm, giãn thuế chỉ có tác dụng làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của DN, chưa có tác dụng tức thời để DN tăng dòng tiền vào. Những chính sách này cũng có độ trễ thời gian khá lớn trước khi DN có thể hồi phục. Vì vậy, trong lúc này, Chính phủ cần đóng vai trò chủ chốt thông qua chi tiêu của Chính phủ để kích tiêu dùng và đầu tư. 
Cụ thể, chính sách tài khóa ngắn hạn cho phép DN, đặc biệt DNNVV được hạch toán đầy đủ chi phí lương trong năm 2020. Những chi phí này có thể giúp DN được hưởng lợi ích liên quan đến hoàn thuế. Để hưởng được chính sách này phải kèm theo điều kiện DN không sa thải người lao động và không giảm lương trong năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó phải có biện pháp giải ngân nhanh chóng lượng đầu tư công có quy mô lên đến 700.000 tỷ đồng.
Giải ngân nguồn vốn này tức tăng vai trò chi tiêu, đầu tư của Chính phủ trong điều kiện suy thoái. Điều này sẽ tạo ra số nhân khuếch đại rất lớn, có tác động mạnh mẽ hơn so với tác động về thuế. Nếu thực hiện được mục tiêu thúc đẩy chi ngân sách cho đầu tư công trong năm 2020 sẽ là nguồn lực cho nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng. 
Trong trung hạn, chính sách tài khóa có thể cho phép DN chuyển lỗ về năm trước (ở đây có gắn với chính sách đề xuất cho phép DN được hạch toán các khoản liên quan đến chi lương).
Nếu cho phép DN được chuyển lỗ về 2 năm trước (năm 2018 và 2019) hoặc 3 năm sau (năm 2021, 2022 và 2023), sẽ có tác dụng tạo ra dòng tiền vào thông qua việc DN được hoàn thuế và sẽ ngăn dòng tiền ra, tức giảm phần thuế thu nhập của DN cho những năm hạch toán tiếp theo từ năm 2021-2023.
Một đề xuất nữa đối với chính sách tài khóa trung hạn là bố trí một khoản mục tái thiết kinh tế trong dự toán ngân sách 2021-2026. Những dự toán này sẽ được thực hiện dưới hình thức hỗ trợ lãi suất, giảm, giãn thuế, được ước tính và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm cho giai đoạn 5 năm tới.
Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này còn tùy thuộc vào điều chỉnh kỷ luật tài khóa tổng thể, liên quan đến vấn đề nới lỏng thâm hụt ngân sách và nâng trần nợ công trong giai đoạn 5 năm tới. Trong quá trình thực thi cần cần thiết phải theo dõi và phòng vệ một số rủi ro có thể gây hại, như rủi ro thể chế làm chậm tiến độ bơm tiền kích thích tiêu dùng và đầu tư, rủi ro tham nhũng và/hoặc sợ trách nhiệm, rủi ro chệch mục tiêu…
Đối với chính sách tiền tệ, dù lãi suất trong thời gian qua đã giảm nhưng vẫn là gánh nặng lớn cho bên đi vay. Dựa trên các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là vấn đề lạm phát, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có đủ dư địa để hạ thêm lãi suất hỗ trợ DN.
Thậm chí, có thể cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu lạm phát 4% của năm 2020, giúp NHNN có dư địa đủ lớn cho việc nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất, không chỉ dừng lại ở lãi suất liên NH, phải đảm bảo tác động làm hạ thấp mạnh hơn lãi suất cho vay kể cả lãi suất của các món nợ cũ. 
Về chính sách hỗ trợ tín dụng, ngành NH không nên theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng, cần đặt ra ưu tiên về mặt hỗ trợ DN dựa trên 2 yếu tố là tốc độ phục hồi của DN, mức độ đầu ra sản phẩm DN. Những DN phục hồi nhanh chóng sẽ trở thành những đối tượng giúp nâng đỡ nền kinh tế. Khi thực hiện hỗ trợ tín dụng cần thiết kế phù hợp để tránh vấn đề nợ quá mức và khả năng tái cấu trúc khoản nợ trong tương lai.
Đối với việc hỗ trợ DN, chính sách hỗ trợ DN thông qua các NHTM có ưu điểm giúp hạn chế nợ xấu ở mức thấp nhất, nhưng cũng có hạn chế không phải đối tượng nào cũng tiếp cận được. Để hỗ trợ đến những đối tượng nằm trong diện được hưởng, Chính phủ cần đứng ra hấp thụ rủi ro này thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng, hoặc thông qua các định chế tài chính như NH Chính sách xã hội. Khi thực hiện chính sách đó, xét trên tổng thể phúc lợi của quốc gia sẽ tăng lên. 
Đỗ Linh (ghi)

Các tin khác