Chính sách tiền tệ bắt đầu xoay chuyển

(ĐTTCO) - Trong khi châu Âu và Mỹ tiếp tục bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế vượt cú sốc Covid-19, Trung Quốc bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát tín dụng. Điều này khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên giảm bớt các gói kích cầu. Tuy nhiên, bài toán khó là làm sao giảm kích thích mà không gây hệ quả xấu cho tăng trưởng hay rối loạn trên thị trường tài chính.
Cung-cầu hụt hẫng, giá cả tăng
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn do nhu cầu gia tăng nhất là mùa dịch, khiến đơn hàng online tăng mạnh hơn bao giờ hết. Giá nguyên vật liệu tăng khắp nơi, sự thiếu hụt chip điện tử đã thúc đẩy giá cả hàng hóa tăng như vũ bão đi kèm với cung tiền mở rộng khắp nơi gây sức ép lên lạm phát. Kinh tế thế giới đang gặp khó khăn trên mọi phương diện. Điều này dễ gây ra hiện tượng đình lạm, là hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao. 
Chính sách tiền tệ bắt đầu xoay chuyển ảnh 1
Và như vậy hoạt động tích trữ của doanh nghiệp cũng đẩy chuỗi cung ứng vốn đã gặp khó, khi nhiều nhà máy bị đóng cửa năm ngoái vừa mới sản xuất trở lại không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng sản lượng sụt giảm do thiếu nguyên liệu đang ngày càng trở nên phổ biến khiến toàn cầu bước sang giai đoạn khủng hoảng mới. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông trên biển và trên trời do vận chuyển lượng hàng hóa kỷ lục, càng làm giá cả tăng vọt tới mức kỷ lục trong thời gian ngắn. Sự khác biệt hiện nay với những lần gián đoạn nguồn cung trước đó nằm ở mức độ tác động tiêu cực sâu rộng hơn, khiến hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ đều chịu tác động. 

Dấu hiệu một số nước thắt chặt dòng tiền
Trong bối cảnh đó, từ tháng 3 Trung Quốc đã hạ mục tiêu thâm hụt ngân sách từ 3,6% GDP năm ngoái về 3,2% GDP trong năm nay, cho thấy chính sách tài khóa thắt chặt hơn. Chính phủ nước này còn giảm hạn mức phát hành trái phiếu của các địa phương về mức 560 tỷ USD, từ mức 576 tỷ USD năm ngoái. Ngoài ra, Trung Quốc cho đến nay không công bố kế hoạch phát hành thêm trái phiếu chính phủ đặc biệt trong 2021, sau khi huy động khoảng 154 tỷ USD trái phiếu trong 2020.
Chính sách tiền tệ bắt đầu xoay chuyển ảnh 2 Chỉ số hàng hóa tăng vọt.
Dù chưa sử dụng tới những biện pháp mạnh tay như tăng lãi suất, nhưng rõ ràng Trung Quốc đã chuyển từ nới lỏng tiền tệ sang thắt chặt dần dần. Cụ thể hơn, NHTW Trung Quốc (PBoC) thông qua thị trường mở (OMO) liên tục hút về thanh khoản làm lãi suất ngắn hạn tăng liên tiếp khiến các NH phải trả nhiều hơn khi vay vốn. Những hành động chậm rãi để tránh đổ vỡ và vẫn hỗ trợ nền kinh tế, nhưng điều này cho thấy lãi suất đã chạm đáy, chính sách đảo chiều bằng những hành động đầu tiên không đưa thêm các gói kích cầu mới cũng như giảm dần các gói cũ. 
Nền kinh tế lớn khác thậm chí còn mạnh tay hơn là Nga cũng đã tăng lãi suất thêm 0,25% lần đầu tiên sau 3 năm (từ 2018) lên mức 4,5%. NHTW Iceland cũng hành động tương tự. Nhiều nền kinh tế khác dù chưa chính thức thay đổi nhưng đã bắt đầu có những cảnh báo về điều này. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cho rằng cần nâng lãi suất lên mức phù hợp, và một số thành viên Ủy ban Điều hành thị trường mở liên bang (FOMC) cũng đồng tình. Thậm chí, biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy “có thể bắt đầu thảo luận về kế hoạch điều chỉnh tốc độ mua lại tài sản" - hành động đầu tiên về chính sách thắt chặt hơn.

Thế khó cho Fed
Tuy nhiên, NHTW (Fed) đang bị mắc kẹt trong việc cân bằng chính sách hỗ trợ kinh tế và khống chế lạm phát, trước khi nó diễn biến tồi tệ hơn. Như Fed đang phải đối mặt với áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, sau khi số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng 4 tăng nhanh nhất kể từ năm 2008, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Lạm phát đã bắt đầu “phả nhiệt” mạnh hơn và Fed có thể buộc phải tăng lãi suất sớm - động thái tiêu cực cho thị trường tài chính. Chiến lược mới của Fed nhằm tìm đến lạm phát mục tiêu có khả năng là nguy cơ để giá cả tăng vượt tầm kiểm soát.
Việc đẩy mạnh chi ngân sách và chính sách tiền tệ nới lỏng đang khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ phát triển quá nóng. Đó là việc CPI tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Diễn biến này khiến mối lo ngại về lạm phát càng trở nên căng thẳng hơn. Mặc dù lãnh đạo Fed cho biết áp lực giá gia tăng cũng đến từ sự hồi phục kinh tế và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung khiến giá đang tăng ở hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng sự kết hợp giữa cả chính sách tiền tệ của Fed và tài khóa siêu lỏng của chính phủ có nguy cơ khiến nền kinh tế không tạo ra đủ nguồn cung để bắt kịp sự gia tăng của nhu cầu dẫn đến giá cả gia tăng. Deutsche Bank AG dự báo xác suất ít nhất 20% lạm phát sẽ tăng lên 3% trở lên trong vài năm tới, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu của Fed 2% đặt ra hồi năm ngoái. Điều này sẽ làm cho Fed hành động nhanh hơn.

Tác động đến thị trường trong nước
NHNN Việt Nam mới đây đã yêu cầu siết chặt cho vay. Theo NHNN, một số TCTD có các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn. Còn trên TTCK, số liệu từ Sở GDCK TPHCM (HoSE), cho biết từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 23.570 tỷ đồng trên HoSE, con số bán ròng kỷ lục từ trước tới nay vượt xa lượng bán của cả năm 2020 là 15.741 tỷ đồng - cao hàng đầu lịch sử. Lượng bán ròng của khối ngoại trong 5 tháng đầu năm tương đương cả năm 2016 và 2020 cộng lại. Tuy vậy, khi khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, tổ chức trong nước vẫn mua. 
Điều này thể hiện rõ hơn ở sự phân hóa khi TTCK vẫn đang trụ vững, dù tốc độ tăng giá chậm hơn nhờ nhóm sắt thép. Còn NH vốn được hỗ trợ bởi giá cả hàng hóa leo thang gây ra lạm phát, là nguyên nhân quan trọng để các NHTW giảm bớt kích cầu. Tương tự với bất động sản, dù giá nhà vẫn cao nhưng các số liệu thống kê cho thấy giao dịch đang chậm lại, tỷ lệ giao dịch thành công giảm rõ rệt. 

Các tin khác