Chính sách tiền tệ: Củng cố giá trị VNĐ mới ổn định nền kinh tế

(ĐTTCO) - Chính sách tiền tệ (CSTT) đang đối mặt với bài toán hóc búa: vừa phải ổn định tỷ giá, vừa phải giữ mặt bằng lãi suất; cân bằng mục tiêu kiểm soát lạm phát và cung ứng vốn cho nền kinh tế. 
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Trước các áp lực bủa vây, TS. TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, CSTT Việt Nam phải ưu tiên củng cố giá trị VNĐ để giữ thế ổn định kinh tế vĩ mô.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và chưa có dấu hiệu tạm dừng, Việt Nam lúc này phải tính toán như thế nào khi nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nước ta có nhiều lợi thế?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Việc Fed vừa tăng lãi suất cho vay cơ bản thêm 0,75% trong biên độ dao động từ 3-3,5%/năm và còn có thể tăng thêm trong thời gian đến cuối năm, không nằm ngoài mục tiêu chính của Mỹ là hạ mức lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, kéo giảm dần mức lạm phát trong trung hạn về mức 2%/năm. Tăng lãi suất, thắt chặt tín dụng chắc chắn sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng Mỹ cũng tính toán không để nguy cơ suy thoái kinh tế.
Từ đầu năm đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực nhờ giữ được nền tảng ổn định vĩ mô, nhưng theo tôi không thể chủ quan, vì dù sao sức chống chịu của nền kinh tế trước biến động kinh tế thế giới vẫn là điều đáng lo lắng nhất hiện nay.
- Đồng USD vẫn liên tục lập đỉnh so với các đồng tiền khác, ngay cả với EUR từ hơn gấp rưỡi nay mức giá cũng dưới USD. Vậy sức chống chọi của VNĐ đến mức nào?
 - Đúng là chỉ số đo giá trị của đồng USD so với các đồng tiền chính trên thị trường thế giới tăng cao nhất trong vài thập niên gần đây. Không chỉ đồng EUR mà các đồng tiền AUD, CAD, bảng Anh đều mất giá so với đồng USD. Đối với VNĐ, trong nhiều năm qua, NHNN đã khá thành công trong xử lý linh hoạt tỷ giá trước biến động của thị trường.
Với đặc điểm của một nền kinh tế hướng về xuất khẩu và có độ mở lớn, nên việc cân bằng tỷ giá để vừa giữ được thị trường xuất khẩu vừa không nhập khẩu lạm phát, tăng chi phí đầu vào đối với hàng hóa sản xuất trong nước vẫn là mục tiêu phải theo đuổi. Phải nói đây là bài toán khó.
Tuy nhiên, theo tôi Việt Nam vẫn phải ưu tiên củng cố giá trị VNĐ để giữ thế ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay đồng yên Nhật và một số đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh so với đồng USD, trong khi đó VNĐ được đánh giá là tương đối ổn định so với các đồng tiền trong khu vực, nên tiếp tục giữ tính ổn định trong thời gian tới cần được xem là mục tiêu ưu tiên của CSTT.
- Tại Diễn đàn kinh tế xã hội 2022 vừa qua, đại diện NHNN vẫn bảo lưu quan điểm chính sách siết chặt, theo đó vẫn không cho tăng trưởng tín dụng trên 14%. Liệu điều này có làm cản trở sự phục hồi của doanh nghiệp? Đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ có được khai thông khi dòng tiền đang bị siết lại để kiềm chế lạm phát?
- Như đã nói bên trên, CSTT hiện nay cần ưu tiên ứng phó với biến động của kinh tế thế giới và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. NHNN giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và đến hết tháng 8 đã sử dụng khoảng 10%, mức còn lại đến cuối năm gần 4%.
Với mức dư nợ tín dụng khoảng 140% GDP, Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức tín dụng cao nhất theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nên việc nới thêm mức tín dụng phải rất thận trọng. Theo tôi, tăng quy mô tín dụng của hệ thống NHTM là cần, nhưng quan trọng hơn là dòng chảy tín dụng đi vào đâu của nền kinh tế.
Trong Chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ hồi đầu năm đã ban hành gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng, trong đó có 40.000 tỷ đồng dùng hỗ trợ lãi suất 2% cho các đối tượng bị tổn thương do đại dịch Covid-19. Nhưng trên thực tế, gói hỗ trợ triển khai khá chậm và cần ưu tiên triển khai kênh tín dụng này trong phần “quota tín dụng” còn lại trong các tháng cuối năm nay và đầu năm sau.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với việc giải ngân đầu tư công, phối hợp việc thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, nâng hiệu quả dòng vốn của của 2 kênh đầu tư công và tín dụng của hệ thống NHTM. Đồng thời, phải khai thông kênh trái phiếu doanh nghiệp và các công cụ tài chính khác trên thị trường chứng khoán chứ không đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho CSTT.
- Ông nhận định như thế nào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022? Có đạt mục tiêu đề ra khi các định chế tài chính đều cho rằng đạt và có thể vượt?
- Tôi cho rằng GDP năm nay hoàn toàn có thể vượt mục tiêu kế hoạch 6,5 - 7%, có thể đạt trên 7%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên cao so với mức thấp của năm 2021 (chỉ tăng 2,51%), nhưng sang năm 2023 mức tăng trưởng sẽ giảm đi so với mức cao của năm nay, nhất là khi kinh tế thế giới đang dự báo là tăng trưởng chậm lại, thậm chí còn đặt ra nguy cơ suy thoái.
Do đó, theo tôi mục tiêu tăng GDP là cần thiết, song trong tình hình hiện nay, chính sách tài chính tiền tệ phải ưu tiên củng cố sức chống chịu của nền kinh tế trước sự biến động của kinh tế thế giới.
- Xin cảm ơn ông.
 Ngay sau cuộc họp của Chính phủ, chiều 22-9, NHNN đã ban hành quyết định nâng các mức lãi suất điều hành thêm 1% từ ngày 23-9-2022. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4% lên 5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5% lên 3,5%/năm. Đồng thời, trần lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1% lên 5%/năm. 
Tăng lãi suất sẽ làm tăng giá trị đồng nội tệ, cũng tức là tăng lãi suất sẽ làm tỷ giá giảm xuống. Như vậy, CSTT đã chọn hoán đổi lãi suất để giữ ổn định tỷ giá khi muôn trùng khó khăn vây quanh. Nhưng khi lãi suất đầu vào tăng lên hàng loạt, hạn mức tín dụng hạn hẹp, câu chuyện ổn định mặt bằng lãi suất cho vay là điều khó kỳ vọng trong cuối năm nay và năm tới vì bản thân các NH hiện cũng không còn nhiều dư địa để thu hẹp thêm biên lợi nhuận.

Các tin khác