Chính sách tiền tệ - tài khóa: Cần giải pháp “đặc biệt”

(ĐTTCO) - Thị trường tài chính Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn. Tổng dư nợ tín dụng tăng lên khoảng 11,5 triệu tỷ đồng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cương quyết duy trì trần tăng trưởng tín dụng ở mức 14% so với cuối năm 2021. 
Chính sách tiền tệ - tài khóa: Cần giải pháp “đặc biệt”
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã lên đến mức 124% GDP, một tỷ lệ cao nhất trên thế giới, điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho hệ thống NH và nền kinh tế Việt Nam.  
Có nên nới room tín dụng? 
Theo thống kê của NHNN, tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng đạt 11,5 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 8-2022, tăng 9,91% từ đầu năm. Và tính toán của NHNN tại thời điểm cuối tháng 8, nếu các NH sử dụng hết room tín dụng cho cả năm cũng chỉ đạt được 13,2%, có nghĩa là NHNN không cần phải nới room tín dụng đã đặt ra từ đầu năm 14%.
Tuy nhiên đến giữa năm 2022, nhiều NHTM cho biết đã sử dụng gần hết room tín dụng, vì nhu cầu vay vốn của các DN rất cao trong năm nay, là năm được xem là khởi đầu của quá trình phục hồi sau đại dịch. 
Trung tuần tháng 9-2022, NHNN thông báo tăng room tín dụng cho 18 NHTM với mức tăng từ 0,7% đến 4%. Trong tháng 10, NHNN tiếp tục nới thêm room 4 NH (Vietcombank, HDBank, MB và VPBank), nhưng nhiều NHTM vẫn thấy không đủ room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng, nhất là khi nhu cầu vay vốn tăng cao tại các DN vào những tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh cho cả năm, và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho những dịp lễ Tết sắp tới. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng yêu cầu NHNN nới trần tín dụng 14% lên thêm 1-2%.
Thực ra đối với một NH Trung ương, 2 mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ (CSTT) là kiểm soát lạm phát hay ổn định tiền đồng và phát triển kinh tế. Chính vì thế kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bằng room) để kiểm soát lượng tiền đi vào lưu thông qua hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) là cái “van” quan trọng trong CSTT. Kiên trì với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, NHNN buộc giữ chặt van tín dụng.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân 9 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,73% so với lạm phát mục tiêu là 4%. Tuy còn nhiều dư địa trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng NHNN cho biết “không chủ quan với lạm phát” và do đó vẫn giữ chặt van tín dụng. Bởi thực tế lạm phát tại nhiều quốc gia đã gia tăng trong thời gian qua, đặc biệt tại Mỹ. 
Tại Mỹ, Fed không kiểm soát tín dụng bằng trần tín dụng hay room tín dụng như ở Việt Nam, mà bằng công cụ lãi suất. Nhưng sau các lần tăng lãi suất tỷ lệ lạm phát tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm đáng kể.
Nhưng ở chiều tích cực, số liệu sơ bộ do Bureau of Economic Analysis thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 27-10, cho thấy GDP của Mỹ tăng 2,6% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược xu hướng suy giảm GDP từ đầu năm khi GDP quý I âm 1,6% và quý II âm 0,6%. So sánh như vậy để thấy rằng điều hành CSTT ở Việt Nam cần có cái nhìn rộng hơn và thoáng hơn, chứ không thể kiềm chế bằng room.
CSTT và CSTK tác động ra sao đến các DN?
Về CSTT có thể thấy việc tăng lãi suất của NHNN đưa đến việc tăng lãi suất huy động tại các NHTM và từ đó tăng lãi suất cho vay. Kéo theo các DN gặp khó khăn ở cả 2 mặt: chi phí vay vốn tăng và room tín dụng của các NHTM vẫn đang bị siết chặt.
Có thể nhìn thấy rõ qua việc nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn NH hoặc bị từ chối cho vay; thậm chí nhiều DN không được giải ngân dù hồ sơ tín dụng đã được phê chuẩn từ đầu, ngay cả khi DN sẵn sàng trả lãi suất cao cũng không được vay do room tín dụng của NH đó đã cạn kiệt.
Trong khi đó, với chính sách tài khóa (CSTK) như gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho DN hiện nay đang được triển khai rất chậm chạp. Phần lớn các DN cho biết họ không tiếp cận được gói này cũng như không đáp ứng được các điều kiện để được xem xét. Còn các NH lại rất lúng túng trong việc triển khai, nhiều NH lo ngại nếu cho vay không đúng quy định có thể bị thanh tra và xử lý nên… “đóng” cho chắc.
Bên cạnh nguồn vốn từ NH đang bị hạn chế, các nguồn vốn khác cũng đang khép lại: Thị trường cổ phiếu đang trong tình trạng suy giảm đáng kể, thị trường trái phiếu hầu như đóng băng cho việc phát hành mới vì những vụ việc gần đây gây chấn động tâm lý của nhà đầu tư. 
Đây lại là thời điểm các DN cần vốn hơn bao giờ hết. Nhiều DN vừa trỗi dậy sau một thời gian ngưng trệ sản xuất kinh doanh vì đại dịch và cần tiếp vốn để phục hồi hoạt động kinh doanh. Nhất là vào thời điểm cuối năm các DN cần tiếp vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và kết thúc năm tài khóa, cũng như chuẩn bị phương án hoạt động cho một năm sắp tới, trong đó việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của xã hội vào những dịp lễ Tết sắp tới.
Việc NHNN đang sử dụng những công cụ CSTT như tăng lãi suất điều hành và tăng trần lãi suất tiết kiệm, tăng room tín dụng, tăng biên độ giao dịch tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản cho những NH đang khó khăn về thanh khoản, cũng không ngoài mục đích ổn định giá trị VNĐ, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ các NH và các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, những giải pháp của CSTT cũng đang tạo ra những khó khăn cho DN. Lãi suất huy động và cho vay đang trong xu hướng tăng, làm tăng chi phí hoạt động của DN, đặc biệt cho các DN nhập khẩu khi tỷ giá tăng đến gần 10%, cộng thêm lạm phát nhập khẩu, làm giá thành hàng nhập khẩu bị đội lên rất cao, và cuối cùng giảm doanh thu và xói mòn lợi nhuận. 
Bộ Tài chính sử dụng CSTK như cắt giảm thuế, phí cho các DN; cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những kế hoạch hỗ trợ như gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng; phối hợp với NHNN đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng. Mặc dù người dân và DN kỳ vọng rất nhiều vào các gói hỗ trợ này, nhưng đến nay chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm mà việc triển khai các gói này vẫn rất chậm chạp. Trong khi đó giải ngân đầu tư công cũng rất chậm.
Theo báo điện tử Chính phủ, tỷ lệ ước tính giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2022 chỉ đạt 46,44% kế hoạch. Có 30/52 bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 19 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Rõ ràng trong bối cảnh khó khăn của cả nền kinh tế, 2 chính sách lớn nhất của một nền kinh tế là CSTT và CSTK có gì đó chưa khai thông cho DN.  

Các tin khác