Chính sách tiền tệ thắt chặt hỗ trợ giá trị VNĐ

(ĐTTCO) - Với ưu tiên chính sách hàng đầu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, chính sách tiền tệ (CSTT) đã chọn hướng thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, để hỗ trợ cho giá trị VNĐ. Song hệ quả mặt bằng lãi suất huy động chịu áp lực tăng và đã lan truyền sang lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Hỗ trợ giá trị VNĐ
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, đồng thời đưa ra thông điệp sẽ tăng lãi suất lên 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 và đạt đỉnh 4,5-4,75% vào cuối năm 2023, Việt Nam đã không còn là ngoại lệ của xu hướng này.
Lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã được NHNN điều chỉnh ngay sau đó. Động thái này của NHNN nhằm tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia lớn trên thế giới, hướng đến mục tiêu hỗ trợ giá trị VNĐ khi đồng USD đang duy trì đà tăng mạnh suốt các tháng qua. 
3-4 tháng trước một số chuyên gia đã nhận định, đặc thù trong điều hành CSTT Việt Nam là tác động lên cung tiền của nền kinh tế, không điều hành gián tiếp qua công cụ lãi suất. Nhận định này đúng ở thời điểm đó, khi NHNN vẫn còn nhiều dư địa để tác động lên cung tiền.
Cụ thể, NHNN đã sử dụng lại kênh tín phiếu sau 2 năm đóng băng để hút nguồn vốn đang dư thừa trên hệ thống NH. Đồng thời, NHNN liên tục bán ngoại tệ kỳ hạn, ước tính có khoảng 21 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ đã được bán ra từ đầu năm đến giữa tháng 9. Nhà điều hành cũng nâng dần giá bán ngoại tệ và thay đổi phương thức bán ngoại tệ phù hợp. Mọi động thái đều hướng đến mục tiêu đảm bảo giá trị của VNĐ tương đối ổn định đối với đồng USD. 
Song Fed liên tục tăng lãi suất, chỉ số USD liên tục tăng vượt đỉnh khiến áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt. Trong tháng 8 và 9, NHNN sử dụng kết hợp nhiều công cụ cả tỷ giá và lãi suất nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô, duy trì mức thanh khoản vừa phải trên thị trường liên NH, thận trọng với tăng trưởng tín dụng. Dẫu vậy, diễn biến trên thị trường tài chính vẫn kém khả quan.
Trong bài viết “Giá USD tăng mạnh, sức chống chịu của VNĐ đến đâu?” đăng tải cuối tháng 9, ĐTTC cũng đề cập tăng lãi suất điều hành là lựa chọn để hỗ trợ giá trị VNĐ vì đồng USD chưa dừng đà tăng. Vì việc tăng lãi suất đồng nội tệ sẽ đẩy giá trị đồng nội tệ tăng lên, điều đó sẽ giữ VNĐ không mất giá quá mạnh. Không tăng lãi suất đồng nghĩa phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái. Cuối cùng, tăng trần lãi suất để tạo nên một điểm hoán đổi tiền tệ giữa USD và VNĐ, cũng tức tiến một bước trên con đường thắt chặt CSTT đã được NHNN lựa chọn.

Lãi suất đỡ lấy gánh nặng 
Hồi tháng 8, dù lượng lớn tiền VNĐ được rút ròng khỏi hệ thống NH do NHNN đẩy mạnh hút ròng thông qua bán tín phiếu và ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá, nhưng NHNN cũng chưa nới hạn mức (room) tín dụng cho các NHTM, nên thanh khoản của hệ thống khá ổn định. Bước sang tháng 9, NHNN cấp thêm room tín dụng, NH có dư địa để bơm vốn ra khiến thanh khoản chịu áp lực.
Theo đó, lãi suất huy động của các NHTM bật tăng mạnh để hút vốn, sau khi NHNN công bố tăng các mức lãi suất điều hành. Không chỉ chạm trần ở kỳ hạn dưới 6 tháng 5%/năm, lãi suất còn đột phá ở kỳ hạn trên 6 tháng. 
Sự bùng nổ lãi suất này bắt nguồn từ việc tăng trưởng cho vay cao gấp 2,6 lần huy động trong gần 9 tháng năm nay. Thanh khoản căng thẳng khiến cơn sốt lãi suất cũng nhanh chóng lan sang thị trường liên NH.
Đỉnh điểm lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên tục lập đỉnh vào đầu tháng 10. Trong phiên 3-10, lãi suất qua đêm đạt mức 5,26%, sau đó tăng lên 7,88%/năm vào phiên 4-10 và trong phiên 5-10 tiếp tục lên mức 8,44%/năm, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Lãi suất tăng nhưng doanh số vay mượn vẫn rất cao cho thấy nhu cầu vay mượn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản hiện tại rất lớn. 
Trong cơn sốt lãi suất tăng do thiếu thanh khoản, NHNN mạnh tay hỗ trợ nhằm duy trì trạng thái thanh khoản không quá dồi dào để tăng sức hấp dẫn của VNĐ, giảm nhu cầu nắm giữ đồng USD.
Thậm chí, đang có nhiều dự báo cho rằng không loại trừ NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong những tháng còn lại của năm 2022, nhằm giảm áp lực lên tỷ giá, duy trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi chỉ trong khoảng thời gian ngắn, sau khi nâng lãi suất điều hành, NHNN vẫn phải tiếp tục sử dụng công cụ tỷ giá, cụ thể là điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN từ 23.700 đồng/USD lên 23.925 đồng/USD. Điều này cho thấy sức ép lớn vẫn đang duy trì với tỷ giá và các bước đi vừa qua cho thấy, bảo vệ ổn định đồng nội tệ vẫn là mục tiêu cao nhất.
Hệ quả của diễn biến trên là một mặt bằng lãi suất mới cao hơn đang được hình thành trên thị trường. Hàng chục NH đã nâng lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng lên mốc 7%/năm và một số NH đã có hiện tượng đua huy động khi áp dụng lãi suất trên 8%/năm. Và khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.
NHNN yêu cầu các NHTM chuyển đổi công nghệ để tiết giảm chi phí, giữ ổn định lãi vay. Hơn nữa, NHNN vẫn đang thận trọng tăng trưởng tín dụng để không “vỡ trận”, khi tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức cao 140%. 
Tín dụng khan hiếm, NH sẽ lựa chọn khách hàng cho vay, thay vì khách hàng lựa chọn NH để vay. Như vậy, điểm cuối cùng khi CSTT thực thi nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, là lãi suất cho vay tăng.
Gánh nặng chi phí đó đặt lên vai các doanh nghiệp, khi nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng NH. Đầu tháng 10 này, rất nhiều doanh nghiệp không nằm trong các lĩnh vực ưu tiên đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi vay của NH. 
 Hiện nay, cơ quan quản lý vẫn đang yêu cầu tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay. Do vậy nhiều báo cáo của các tổ chức dự báo lãi vay sẽ tăng 1-1,5% so với đầu năm.

Các tin khác