Chờ thay đổi sau chất vấn

(ĐTTCO) - Ngày 6-6, Quốc hội đã hoàn tất việc chất vấn 4 bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Bộ Lao động, thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Với thay đổi trong cách chất vấn và trả lời chất vấn (hỏi 1 phút, trả lời 3 phút), các phiên chất vấn đã diễn ra sôi động khi câu hỏi ngắn, câu trả lời đi vào trọng tâm. Nhiều đại biểu (ĐB) đã được hỏi, tranh luận nhiều hơn với người được chất vấn nếu chưa thấy thỏa mãn.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có 36 ĐB đặt câu hỏi, 18 ĐB với 21 lượt tranh luận (17 ĐB gửi câu hỏi chất vấn đến bộ trưởng để bộ trưởng trả lời bằng văn bản).
Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà có 59 ĐB đặt câu hỏi, 17 đại biểu tranh luận (24 ĐB đặt câu hỏi chưa được trả lời tại hội trường và bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản)… Theo thống kê, trong 3 ngày đã có 250 lượt ĐB chất vấn và tranh luận. 
Chờ thay đổi sau chất vấn ảnh 1
Cảm nhận từ các phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, có thể thấy thời gian hỏi, đáp ngắn đã khiến câu hỏi của ĐB đi vào trọng tâm hơn, câu trả lời của bộ trưởng cũng đa phần đi thẳng vào những vấn đề ĐB hỏi, việc “câu giờ” bằng cách trả lời vòng vo đã giảm đi rất nhiều.
Một điểm dễ nhận thấy trong phiên chất vấn là các bộ trưởng được chất vấn đã nắm khá chắc vấn đề, trả lời trực diện được những vẫn đề khá gai góc ngành mình đang gặp phải, dù những khó khăn hiện tại là hệ quả của những bất cập, tồn tại trước. Thí dụ, vấn đề nóng thời gian qua là các dự án BOT. ĐB nêu những câu hỏi về tại sao trạm BOT làm đường tránh nhưng thu phí cả phương tiện đi đường khác; trạm BOT trên đường độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn…
Nếu hiểu kỹ có thể thấy những bất cập tại các hợp đồng BOT hiện nay là hệ quả của những hợp đồng đã ký với nhà đầu tư trước kia và hiện nay, cơ quan quản lý buộc phải tuân thủ hợp đồng, nên việc di dời trạm thu phí không dễ, trừ khi Nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù để di dời trạm. Chính vì thế, việc xử lý căn cơ vấn đề thuộc về lịch sử không dễ dàng.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng như tranh luận của các ĐB sau khi các bộ trưởng trả lời, cho thấy nhiều ĐB không hài lòng những câu trả lời “cho có” mà đều truy vấn đề đến cùng, đòi hỏi các bộ trưởng phải đưa ra giải pháp để cải thiện tình hình thời gian tới. Đó là phải xử lý căn bản những hạn chế, thiếu sót trong các dự án BOT đường bộ; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; tiếp tục rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan đến lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp…
Khi trả lời chất vấn, bên cạnh việc giải đáp những vấn đề trong tầm tay, các bộ trưởng đều nhận trách nhiệm trong việc xử lý những bất cập mang tính lịch sử. Điều đó là cần thiết. Bởi lẽ, sẽ không thể ngày một ngày hai có thể giải quyết ổn thỏa những vấn đề bất cập mà quy định pháp luật chưa bịt kín kẽ hở.
Ngay như điểm nóng về BOT, ở phần trả lời chất vấn của mình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết trong xử lý tồn tại các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các nhóm nội dung được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề lớn bức xúc được ĐB, cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Chất vấn được thực hiện trong không khí dân chủ, thẳng thắn. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc cầu thị của thành viên Chính phủ, các ngành trong chất vấn nhằm khắc phục tồn tại hạn chế khó khăn vướng mắc.
Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên, trong đó, một số vấn đề Quốc hội giám sát nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong đợi và ĐB, cử tri mong chờ giải pháp đột phá để mang lại hiệu quả cao hơn thời gian tới. Qua chất vấn cho thấy, Quốc hội, ĐB Quốc hội không chỉ nêu hạn chế bất cập mà còn thể hiện sự đồng hành, chung tay trong triển khai chính sách phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có những nội dung liên quan đến quản lý nhà nước có thể chấn chỉnh ngay, nhưng cũng có những vấn đề cần xem xét sửa đổi cho phù hợp. Sau chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dự thảo nghị quyết về nội dung này, trình Quốc hội thông qua để từ đó, Chính phủ, thành viên Chính phủ có cơ sở triển khai thực hiện.

Các tin khác