Chông chênh tận dụng lợi thế EVFTA

(ĐTTCO) - Ngày 20-5 tới, Quốc hội dự kiến họp về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Nếu được phê chuẩn, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 7. Nhiều ý kiến cho rằng EVFTA chính là con đường để DN Việt Nam thoát bế tắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Song mọi thứ dường như không đơn giản. 

Cơ hội chỉ mới trên lý thuyết
Tháng 4-2020, hoạt động xuất khẩu chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm, trong đó thị trường EU giảm 28,6%. Dự kiến trong tháng 5, 6 tình hình cũng không mấy khả quan vì các đơn hàng bị hủy, hoãn vẫn đang kéo dài.
Ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở châu Âu, các nhóm ngành như dệt may, da giày hay đồ gỗ cũng khó bật tăng trở lại, vì nhu cầu về thời trang hay nội thất sau dịch chắc chắn vẫn bị xếp sau. Điều này có nghĩa, cú hích từ EVFTA sẽ không đến ngay trong năm nay với những nhóm ngành nói trên. 
Vậy những ngành khác như nông sản hay thủy sản, vốn cũng được kỳ vọng nhiều, thì sao. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, rau quả sẽ là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi. Theo đó, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau. Trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
Chông chênh tận dụng lợi thế EVFTA ảnh 1 Thủy sản hưởng lợi thế từ EVFTA rất lớn, nhưng muốn vậy nguồn nguyên liệu phải đạt chuẩn.
Phần lớn dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đang có mức thuế MFN trung bình trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Như vậy, mức cam kết này sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... 
Theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), tỷ trọng xuất khẩu sang EU mới chiếm 3-5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Với thuế suất giảm xuống 0%, dự báo kim ngạch sẽ tăng trưởng mạnh. Nhưng đó là tính toán về lý thuyết, còn thực tế để vào được thị trường châu Âu chúng ta phải bước qua hàng rào kỹ thuật rất khắt khe.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit, khẳng định các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật của châu Âu rất nghiêm ngặt. Hàng Việt Nam muốn vào trước hết phải đạt chứng nhận Global GAP. Hiện diện tích trồng rau quả theo chứng nhận Global GAP tại Việt Nam mới chiếm 5-10% tổng diện tích. Muốn chuyển đổi cần có thời gian, có vốn và sự trợ lực của Nhà nước.
Trong khi đó, đối với thủy sản tôm là một trong những mặt hàng được hưởng nhiều lợi thế từ EVFTA. Cụ thể, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác được giảm theo lộ trình 3-5 năm. Điều này sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh mặt hàng tôm nước ta vào EU so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ không được hưởng thuế suất ưu đãi.
Song theo đánh giá của ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Sao Ta, lợi thế vẫn trong lý thuyết vì chúng ta chưa giải quyết được nút thắt nội tại là nguyên liệu phải đạt chuẩn. Tôm vào EU phải có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn ASC, trong khi diện tích nuôi tôm theo chuẩn ASC hiện nay còn rất khiêm tốn. 

“Mở khóa” những giấc mơ
Theo nhiều chuyên gia, dù EVFTA có hiệu lực ngay từ đầu quý III, những ngành hàng như dệt may, gia dày cũng khó có được cú hích lớn. Hiện châu Âu đang xếp thứ 2 trong thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, một vấn đề không mới của ngành dệt may là đáp ứng tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, để có thể được giảm thuế theo quy định tại hiệp định, sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ, thỏa mãn 2 điều kiện là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Tuy nhiên, EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp.
Cụ thể, đối với trường hợp nếu vải được DN sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc), sản phẩm của DN cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại EVFTA. Nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, hiện nay chúng ta vẫn nhập nguyên liệu chủ yếu của Trung Quốc, Hàn Quốc nhập rất ít, vì đây không phải là thị trường cung ứng nguyên liệu lớn.
Tất nhiên các DN ngành may cũng kỳ vọng, với EVFTA việc đầu tư hoặc thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành tại Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá hơn. Bởi việc chủ động nguyên liệu sẽ giúp DN có thể chuyển qua làm hàng với các hình thức cao hơn như FOB hay ODM, thay vì gia công đơn thuần với giá trị gia tăng thấp như hiện nay. 
Để gỡ khó cho ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng cần phải có những viện nghiên cứu nông nghiệp hướng dẫn nông dân cách trồng, nghiên cứu những giống cây trồng có tính kháng bệnh cao, đầu tư nhập khẩu hoặc chế tạo thuốc vi sinh đẩy lùi dịch bệnh, từ đó mới có thể chuyển đổi mô hình trồng lâu nay của nông dân.
Hay để con tôm đạt chuẩn vào EU, ông ông Hồ Quốc Lực nêu những bất cập: “Để làm trại nuôi tôm theo chuẩn ASC đòi hỏi diện tích và vốn đầu tư lớn, trong khi đa phần nông dân nuôi tôm hiện nay có quy mô nhỏ lẻ nên khó có tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, các tiêu chuẩn khắt khe về truy suất nguồn gốc EU đặt ra nhiều quy định về điều kiện tổ chức sản xuất, môi trường… không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được”.  
Những ngành hàng tưởng sẽ được hưởng lợi từ EVFTA lại đang khá chông chênh. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU đáng ra phải được “gút” khi đặt bút ký EVFTA, nhưng đến nay khi hiệp định sắp có hiệu lực, chúng ta vẫn đang loay hoay với các giải pháp.

Các tin khác