Chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp: Cần những chính sách chưa có tiền lệ

(ĐTTCO) - Trong tình hình cấp bách hiện nay, các biện pháp chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đang dần kiệt sức, yếu tố quan trọng đầu tiên là các chính sách phải sáng tạo, linh hoạt và cần được thực thi khẩn trương. Để làm được điều này, rất cần những cơ chế nới lỏng chưa có tiền lệ, cũng như cần những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình.

Thiết kế chính sách còn rập khuôn
Hiện nay Chính phủ đã có những cố gắng trong việc ban hành chính sách để ứng phó với dịch Covid-19, cũng như hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế. Nhưng việc thiết kế chính sách đang trở thành vấn đề vướng mắc lớn nhất. Năm ngoái, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, dư luận đã nói rất nhiều.
Phản ánh của cộng đồng DN về những khó khăn rất rõ ràng: Tại sao DN không nhận được các gói hỗ trợ, thủ tục rườm rà ra sao, tại sao DN đã mệt mỏi mỗi khi đề xuất… Những điều này đã được các hội, tổ chức nghiên cứu, cơ quan tham mưu, tham vấn khảo sát DN, bộ ngành… nêu lên khá rõ.
Vấn đề hiện nay chúng ta vướng và bộc lộ rõ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này chính là cơ chế vận hành bộ máy cồng kềnh, phân tán, vừa chênh nhau về cách làm, trình độ, nhận thức giữa các cấp, các ngành dẫn đến chính sách thực thi đôi khi thiếu nhất quán, hiểu sai cách làm dẫn đến thiếu hiệu quả.
Các chính sách khi ban hành có nhược điểm chung là không đủ cụ thể, không đủ minh bạch, ở khía cạnh khác lại triệt tiêu tính linh hoạt và tự chủ khiến đến mức người ta cứ theo đó thực hiện rập khuôn, không thể làm khác được. 
Chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp: Cần những chính sách chưa có tiền lệ ảnh 1
Thí dụ, mới đây Chính phủ giao Bộ KH-ĐT thiết kế gói chính sách hỗ trợ mới cho DN, song vẫn còn nhiều thứ chung chung, chưa thiết thực, DN và người dân chưa nhìn thấy được những thứ sát sườn với mình.
Điều này các cơ quan thiết kế chính sách cần xem lại những đánh giá có tính phản biện và góp ý xây dựng của các tổ chức đóng vai trò think-tank như của Đại học Kinh tế Quốc dân, VCCI, WB, Đại học Kinh tế TPHCM… rất rõ DN nói gì, kêu cứu gì, vướng mắc nào.
Thường các chính sách được xây dựng và đưa ra ở cấp bộ, cao hơn là cấp Chính phủ phê duyệt. Thiết kế, đề xuất, song lại không ai chịu trách nhiệm, hoặc chịu trách nhiệm rất ít ở khâu thi hành. Nghĩa là có thi hành chậm trễ họ đổ lỗi do cấp dưới, không phải do chính sách thiết kế không đủ độ tốt và khả thi.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đặc biệt nghiêm trọng tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam càng làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế trong thực thi chính sách và thiết kế chính sách, nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong thực thi chính sách.
Chính sách phải nhìn từ độ trễ
Hiện nay chúng ta nói nhiều đến chính sách hỗ trợ DN trong dịch Covid-19, song vẫn rất chung chung, dễ dẫn đến “cái chết” của DN và không gì cứu vãn nổi. Khi xem những con số về hoạt động DN trong đợt dịch Covid-19 lần này hẳn nhiều người không khỏi giật mình.
Thí dụ, Cần Thơ khi khảo sát trong 1.000 DN có đến hơn 930 DN đã ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động - tỷ lệ quá cao, đến hơn 90%. Đây là vấn đề quá cấp bách. Các DN hiện nay phản ánh, nếu 1 tuần họ buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất sẽ cần vài tuần mới có thể khôi phục được hoạt động.
Vậy nếu để DN tạm ngưng hoạt động quá lâu, thậm chí đã kiệt sức hẳn, đến khi phục hồi rất khó khăn, chính sách hỗ trợ khi ấy mất tác dụng, nhất là người lao động, khi không có việc họ đã bỏ việc khỏi DN.
Ngân sách Nhà nước hiện nay không thiếu tiền để thực hiện những gói hỗ trợ. Chính phủ cũng đã nhận thức được cứu sống DN không chỉ là câu chuyện riêng của DN còn là gián tiếp cứu nguy cho cả nền kinh tế quốc gia. Song cách thực hiện như thế nào là vấn đề cần bàn tới. Nếu một số DN kiệt sức như hiện nay ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… tức những địa phương kinh tế trọng điểm, nguy cơ đối với nền kinh tế rất lớn. 
Có nhiều người so sánh giải pháp chống dịch của TPHCM và một số địa phương phía Nam với một số tỉnh thành phía Bắc, đây là sự so sánh có vẻ khập khiễng, thiếu thực tế.
Vì cần phải nhận thấy rằng trường hợp dịch bùng phát ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang hồi đầu tháng 4 (ngay từ khi dịch bùng phát các địa phương này đã khoanh vùng) có quy mô nhỏ, dân số và lao động không đông như các tỉnh thành trọng điểm kinh tế phía Nam, nên tác động không nhiều. Còn với đầu tàu kinh tế TPHCM tác động đến nền kinh tế sẽ rất mạnh mẽ. Do đó cách làm lần này cũng phải khác đi. 
Trong khi đó, có thực tế đáng buồn là trong cơ chế vận hành đang thiếu nhân tố con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với những cách làm mới, những ý tưởng đề xuất mới đối với nền kinh tế. Tức là chúng ta vẫn đang loay hoay gần như bị động để đối phó với tình thế dịch Covid-19 nhiều hơn là giải pháp mang tính tổng thể, có sáng tạo và thực sự hữu hiệu có tính lâu dài.
Chấp nhận “hình thái da beo” kinh tế
Quốc hội đã cho phép Chính phủ trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp có thể tự quyết định những chính sách chưa có điều kiện để thông qua Quốc hội, đây là điểm mới rất đáng ghi nhận.
Về lâu dài, chúng ta cần chấp nhận hình thái da beo trong kinh tế, đồng nghĩa với việc phải thiết kế được các chính sách sao cho phù hợp. Đó là một mặt khống chế dịch, một mặt phải khuyến khích, thúc đẩy những nơi chưa có dịch đang sản xuất được để họ đẩy mạnh sản xuất hơn, củng cố được lực lượng, không làm đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Chủ trương “3 tại chỗ” của Chính phủ là theo tinh thần này, song chính sách lại thiết kế chưa đầy đủ, dẫn đến những bất cập khi thực hiện, trong đó gánh nặng chi phí đè lên DN. Đơn cử việc xét nghiệm công nhân trong tuần, nhiều DN có thể làm được nhưng không thể kéo dài vì chi phí tốn kém.
Lẽ ra phải hỗ trợ DN khoản chi phí này sẽ đỡ đi được rất nhiều. Hay khi tiến hành khống chế dịch, chúng ta đã quá cực đoan. Quy mô các công ty lớn hàng ngàn công nhân, nhiều bộ phận làm ở những khu vực khác nhau, nên không thể khi phát hiện 1 ca F0 là đóng cửa cách ly cả công ty.
Chúng ta đã hơi quá trong cách dập dịch dẫn đến DN khó khăn lại càng khó khăn hơn và không thể duy trì sản xuất được.
Ở đây là bài học để các địa phương và cơ quan chức năng rút kinh nghiệm, tính đến xây dựng chính sách cho phù hợp hơn về sau. Cần có những chủ trương rõ ràng, đơn cử như phân lập rõ ràng tỷ lệ phần trăm nhiễm dịch Covid-19 ở DN, từ đó có giải pháp tương ứng phù hợp.
Thí dụ, với DN có tỷ lệ nhiễm vài phần trăm hay DN có hơn chục phần trăm lao động bị lây nhiễm, giải pháp ứng phó sẽ như thế nào, không thể áp dụng chống dịch kiểu cào bằng như hiện nay, có khi thành cực đoan, dẫn đến đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa, thậm chí là hàng hóa thiết yếu lẫn hàng hóa chế xuất có tính chủ lực của nền kinh tế. Cần có thang đánh giá cụ thể.
Ngay cả khi DN có tỷ lệ người lao động mắc Covid-19 đến 50% cũng vẫn còn 50% bình thường và số này vẫn duy trì sản xuất được. Chúng ta đã nói chấp nhận nền kinh tế “sống chung với dịch” cần phải thay đổi như thế. Trong trường hợp giãn cách lâu Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN trong khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”.
Ở đây phải cụ thể hóa, là hỗ trợ những gì về chính sách, thuế tài chính tín dụng, chi phí vật tư y tế cho DN… Những cái này cần cụ thể không được chung chung, và khi đã ban hành phải lập tức thi hành ngay, không được có độ trễ như hiện nay.
Chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp: Cần những chính sách chưa có tiền lệ ảnh 2
Cần thiết có thể làm trước báo sau
Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến vaccine sẽ là “cứu cánh” cho kinh tế, song có lẽ không hẳn vậy. Vì ngay cả khi đã tiêm vaccine rồi dịch chắc chắn vẫn tồn tại dai dẳng và kéo dài.
Thực tế hiện nay nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước họ đã tiêm phòng vaccine với độ bao phủ rất cao rồi thì họ vẫn khẳng định nền kinh tế vẫn phải sống chung với dịch.
Cần có những phương án khác nhau đối với từng giai đoạn, cần có cơ quan tham mưu, nhất là trí thức, chuyên gia kinh tế Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu và phát hiện những cách làm hay của các nước khác, là những bài học để Việt Nam tham khảo và xây dựng nên khung chính sách cho mình.
Quốc hội vừa qua đã cho phép Chính phủ trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp có thể tự quyết định những chính sách chưa có điều kiện để thông qua Quốc hội, đây là điểm mới rất đáng ghi nhận.
Điều này là hợp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Qua đây cũng cho thấy 2 điều: Tăng tính tự chủ tự quyết cho Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong việc ban hành chính sách chưa có tiền lệ; tăng tính trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan này. 
Cơ chế này cũng nên được áp dụng cho một số bộ, ngành, địa phương trong ứng phó với dịch Covid-19. Đó là khi xảy ra những vụ việc đặc biệt ở địa phương nào đó, người đứng đầu địa phương đó có quyền ra những biện pháp phản ứng tức thì để giải quyết không phải thông qua các khâu trung gian mất thời gian, làm giảm hiệu quả công việc.
Đồng thời, người đứng đầu địa phương đó cũng phải chịu trách nhiệm trước những chính sách, giải pháp đó của mình. Chỉ có như vậy mới có thể kích thích được tính tự chủ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, qua đó mới có những giải pháp có tính sáng tạo.
Chính sách hỗ trợ người dân, DN ở những địa phương đó sẽ được nhanh chóng thực thi, không bị kéo dài như việc có những gói hỗ trợ từ năm ngoái đến nay vẫn chưa thực hiện được một nửa.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên tính toán lập những quỹ như quỹ dự phòng rủi ro do thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Quỹ không nhất thiết phải ngay lập tức có số lượng tiền lớn rồi ở đó, thay vào đó đưa ra những nguyên tắc khung như khi có tình huống khẩn cấp quỹ sẽ được phép huy động từ những nguồn nào, có cả nguồn của cá nhân, tổ chức trong nước, Việt kiều ở nước ngoài đóng góp về.
Ngoài ra, hiện thuế/phí về môi trường được cơ quan thuế thu rất nhiều, nhưng dường như chưa bao giờ là minh bạch, được báo cáo một cách đầy đủ. Nên chăng, trước mắt, trong bối cảnh cấp bách hiện nay, nguồn ngân sách thu từ thuế và phí bảo vệ môi trường cần được trích ra để huy động ngay vào các gói hỗ trợ DN hoặc cho quỹ dự phòng rủi ro.
Đã đến lúc cần phải tính đến xây dựng những nhóm giải pháp dài hơi hơn, có tính căn cơ hơn, không thể chỉ là những giải pháp ứng phó bị động như hiện nay, để khi không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả lại đổ lỗi cho yếu tố này kia.
Lời hứa về chính sách thể hiện mong muốn khát vọng và ý chí của cả hệ thống, nhưng khi không thực hiện được, phải xem xét lại một cách nghiêm cẩn, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, điều chỉnh lại việc thiết kế, thực thi chính sách sao cho linh hoạt, phù hợp để đạt được mục đích. 

Các tin khác