Chống rác thải nhựa, đừng chỉ là kêu gọi

(ĐTTCO)-Thời gian gần đây, phong trào chống rác thải nhựa thực sự đã được xã hội chú ý với hàng loạt cuộc ra quân phát động trên quy mô cả nước cũng như ở các địa phương, hiệp hội, tổ chức đoàn thể. Rác thải nhựa đã là một vấn nạn khủng khiếp, nên nếu chỉ hô hào, kêu gọi mọi người có ý thức thôi chưa đủ, mà cần xây dựng những quy định, chế tài ngăn ngừa cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thói quen cố hữu của người dân
Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, tình trạng sử dụng túi nilon, ống hút, màng bọc thực phẩm… được bày bán và sử dụng rất nhiều. Những sản phẩm này có giá khá rẻ, cốc nhựa chỉ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/túi 50 chiếc, ống hút 5.000 -10.000 đồng/túi 100 chiếc. Tại các siêu thị, sản phẩm nhựa dùng một lần được bày bán nhiều. Phần lớn các sản phẩm nhựa dùng một lần này không có thông tin gì về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn.
Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) cho thấy, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn, rác thải nhựa được sử dụng một cách tràn lan. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày.
Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Cùng chung nỗ lực của các nước trên thế giới, Việt Nam đã tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Những hành động thiết thực, hiệu quả để bảo vệ môi trường này ngay lập tức được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư biểu dương. Việt Nam cũng đã thành lập Liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa. Tuy nhiên, có một thực tế nhức nhối là rất hiếm người dân Việt Nam từ bỏ hẳn được thói quen dùng hộp nhựa, túi nilon, khi mà từ đi siêu thị, chợ, đến các trung tâm thương mại, cửa hàng, túi nilon vẫn gần như là bao bì phổ biến nhất để đựng hàng hóa. 

Phải tìm vật liệu thay thế 
 Giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải nhựa ra môi trường được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng chính là tái sử dụng, tái chế nhựa. Chính phủ cần sớm có chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhựa trong sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực tái chế nhựa.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho cho biết, từ năm 2007 một số siêu thị đã sử dụng các sản phẩm túi nilon thân thiện môi trường, có khả năng tự phân hủy, và phổ biến từ năm 2011 trong hầu hết siêu thị lớn.
Từ năm 2013 các cơ quan Nhà nước đã xác định việc thay thế từng bước sử dụng túi nilon có phân hủy bằng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Đó là lý do nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan Nhà nước đi chậm hơn sự phát triển doanh nghiệp trong tiến tới mô hình kinh doanh xanh. 
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT  thừa nhận, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Việc tái chế được thực hiện chủ yếu tại các làng nghề, công nghệ lạc hậu, bởi thế việc tái chế còn tiếp tục phát sinh ô nhiễm. Việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện rộng khắp là nguyên nhân chính yếu khiến việc tái chế rác, nhất là rác thải nhựa chưa có hiệu quả.
Việc hạn chế rác thải nhựa đòi hỏi vừa có chính sách sản xuất, phân phối, kiểm soát phù hợp, vừa cần tinh thần tự giác của người dân. Thực tế, Bộ TN-MT đã “làm gương” bằng cách sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo. Hầu hết các cơ quan trong bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày. 
Chính phủ, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. 
Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ đạo mang tính kêu gọi như vậy, Chính phủ, Bộ TN-MT cùng các bộ, ngành liên quan phải rà soát và hoàn thiện ngay các quy định, các chính sách để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Phải có cơ chế chính sách về công cụ thuế để hạn chế sử dụng loại túi nilon sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi nilon thân thiện với môi trường và các sản phẩm thay thế ưu việt khác.
Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định 38/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. 
Đặc biệt, cần có cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn. Thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa. Khẩn trương đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ vào các khu công nghiệp tập trung để quản lý.
Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy. Kiên quyết trả lại các lô hàng phế liệu nhựa không cấp giấy phép chính thức. 

Các tin khác