Chống tham nhũng, không vùng cấm

(ĐTTCO) - Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra tại Hà Nội, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng - PCTN (sửa đổi), vẫn là vấn đề gây tranh luận.
Chống tham nhũng, không vùng cấm
 Như chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nêu: “Có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn, nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc”. Điều này cho thấy công cuộc PCTN đang còn rất gian nan. Hiện nay, không ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về tình trạng tham nhũng, hối lộ của các quan chức từ cấp cơ sở đến các bộ ngành Trung ương, các doanh nghiệp nhà nước.
Tham nhũng không chỉ ở những cá nhân cụ thể, mà đã hình thành những đường dây lớn, với sự tham gia, bảo kê của một số quan chức trong cơ quan công quyền. Và chính bản thân người quản lý, lãnh đạo “nhúng tràm” làm sao trị được cấp dưới.

Đặc trưng cơ bản của tham nhũng chỉ xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền. Nhưng trong quá trình đấu tranh PCTN, chúng ta mới chỉ mạnh về hô hào, chưa có biện pháp, bước đi, cách làm cụ thể, khiến dư luận xã hội cho rằng việc PCTN chỉ là hình thức. Nhiều người đặt câu hỏi: “Chống tham nhũng - ai sẽ chống ai?”. Cán bộ lãnh đạo địa phương hô hào chống tham nhũng, cán bộ tỉnh, thành phố cũng kêu gọi chống tham nhũng, cán bộ ngành, Trung ương cũng vậy.

Nhưng cụ thể ai là người “chống”, ai là đối tượng phải tập trung “chống”, và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng ở ngành mình, cấp mình? Tham nhũng xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền, nếu không có cơ chế giám sát minh bạch, những cán bộ hô hào ấy lại “chống” chính mình hay sao?

Bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng vặt, được thể hiện trong lĩnh vực y tế muốn được khám nhanh, mổ nhanh, có phòng, có giường điều trị tốt, được chăm sóc tốt hơn, phải phong bì cho bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ. Trong giáo dục là chạy trường, chạy lớp. Trong giao thông, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được “thông cảm” bằng vài trăm ngàn đồng, hoặc thu mãi lộ đối với các xe tải, xe khách.

Hay cán bộ hải quan nhận tiền doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan; công chức, viên chức cơ quan các ngành, các cấp gây khó dễ với người dân, doanh nghiệp đến giao dịch để nhận tiền bồi dưỡng, trà nước… Nguy hiểm hơn, những loại tham nhũng này tạo thành bản năng để cá nhân, tổ chức thực hiện những vụ tham nhũng tiền tỷ.

Thực tế 2 năm qua, cuộc đấu tranh PCTN đã bước sang giai đoạn quyết liệt, trở thành xu thế không thể đảo ngược, thể hiện quyết tâm và sức mạnh rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đó là nhiều vụ đại án phức tạp đã và đang được đẩy nhanh điều tra, xét xử, trong đó không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Những vụ án gây thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước đã lần lượt được đưa ra ánh sáng công lý.

Trong số 58 vụ án, 36 vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án, 440 bị cáo với các bản án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật. Số vụ án được đưa ra xét xử trong 2 năm qua nhiều gấp 3 lần, và số tiền thu lại được nhiều gấp 40 lần trong 20 năm gần đây.

Tham nhũng dù dưới bất kỳ mức độ, cấp nào đều là nguy cơ làm suy giảm niềm tin của quần chúng đối với chính quyền. Tham nhũng ẩn mặt, biến hình tinh vi và cán bộ biến chất, suy thoái, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đòi hỏi cuộc chiến PCTN phải có quyết tâm cao, cách làm bài bản, hành động quyết liệt.

Do đó, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được thông qua với những điều luật cụ thể, trong đó có nhiều điều khoản gắn kết chặt chẽ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, kỳ vọng công cuộc PCTN sẽ thu được những kết quả khả quan.

Các tin khác