Chủ động đối phó, không giảm mục tiêu tăng trưởng

(ĐTTCO) - Dịch Covid-19 diễn biến khó lường đang gây thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% năm nay. Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng đều thấp hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng, nhưng cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó.

 ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá thế nào mức độ tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế khá lớn, nếu không muốn nói là nghiêm trọng. Ở đây không phải chỉ vài ngành chịu tác động mà dịch bệnh còn làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế. Trong đó có những ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề  như du lịch, kéo theo ảnh hưởng đến những ngành khác như giao thông, hàng không… Đồng thời, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản và nhất là rau quả cũng chịu ảnh hưởng lớn, vì thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc và chủ yếu xuất qua con đường biên mậu. 
Điểm lo ngại nữa là nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu cho các sản phẩm, từ máy vi tính, điện tử, linh kiện, điện thoại, vải sợi, chất dẻo chiếm tỷ trọng đến 50-60%. Theo đó, những ngành này chịu ảnh hưởng về yếu tố đầu vào cho sản xuất trong nước, kể cả xuất khẩu. Ngoài ra, cơ cấu thị trường và kinh tế Việt Nam còn có đặc điểm là sức chống đỡ từ tác động bên ngoài không tốt. Thí dụ, doanh nghiệp Việt phụ thuộc rất lớn về đầu vào và đầu ra vào thị trường Trung Quốc, chậm cơ cấu thị trường. Yếu tố lệ thuộc  thị trường này đã được đề cập và cảnh báo khá nhiều, nhưng lần này với tác động của dịch bệnh, cho thấy rõ một nguyên lý trong quản trị là rủi ro khi “dồn quá nhiều trứng trong 1 giỏ”. 
Chủ động đối phó, không giảm mục tiêu tăng trưởng ảnh 1 Ảnh hưởng của Covid-19 từ ngành du lịch đến hàng không…
Hiện nay những tác động đã tương đối rõ, và có lẽ ảnh hưởng về kinh tế sẽ dài hơn giai đoạn chúng ta có thể chấm dứt dịch bệnh. Tức ngăn chặn chấm dứt dịch đang kỳ vọng giải quyết trong quý I, thậm chí sang một chút quý II, nhưng tác động về kinh tế sẽ dài hơn. Chính vì vậy, Chính phủ đã rất nỗ lực trong những ngày qua, đưa ra rất nhiều kịch bản và tìm giải pháp. Trước hết phải ưu tiên vấn đề chống dịch. Nhưng như Thủ tướng nói, chúng ta phải cố gắng khắc phục những hậu quả và vượt qua khó khăn về kinh tế, tức “chống lại virus trì trệ, phải nỗ lực hơn nữa”. Ở đây không chỉ Chính phủ mà từng doanh nghiệp cũng phải làm chuyện này.
- Bộ KH-ĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng 2020: 6,27% nếu dịch được kiểm soát trong quý I và 6,09% nếu dịch kéo dài và kiểm soát trong quý II, đều thấp hơn so với mục tiêu 6,8%. Nhưng trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng khẳng định chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Về các kịch bản đưa ra, tôi nghĩ Bộ KH-ĐT đã có những nghiên cứu khá nghiêm túc. Đối chiếu vấn đề này, chúng ta phải có đánh giá ngoài tác động bên ngoài, yếu tố cộng hưởng do đề kháng yếu kém bên trong của cơ cấu sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, chỉ đạo của Thủ tướng có thể thấy rõ chúng ta không bàn chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà phải bàn giải pháp làm sao khắc phục khó khăn, để trong điều kiện đó có mức tăng trưởng kinh tế tốt nhất có thể. Bởi nếu điều chỉnh chỉ tiêu, chúng ta sẽ không có nỗ lực để thực thi. 
Dĩ nhiên đưa ra kịch bản do liên quan đến GDP nên phải cân đối nhiều yếu tố khác nữa, nhưng không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng để có giải pháp hướng tới khả năng giảm ít nhất có thể được. Bởi kinh tế Việt Nam vẫn phải phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng để giải quyết nhiều vấn đề về ngân sách, kinh tế, xã hội và tất cả mọi mặt. Trong các giải pháp và chỉ đạo như vậy, tôi cho rằng hiện nay cần đánh giá rộng hơn những tác động, không chỉ đối với sản xuất mà với cả nguồn thu ngân sách.
- Theo ông những giải pháp cần thiết trong lúc này là gì?
- Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp, nhưng tôi cho rằng nên tập trung một số việc. Thứ nhất, về tổng thể đầu tiên phải sử dụng cho được công cụ lâu nay chúng ta áp dụng khá hiệu quả trong giai đoạn kinh tế trì trệ, là giải ngân thúc đẩy vốn đầu tư công. Hiện nay, đầu tư công các dự án đang không giải ngân và triển khai được. Nhân dịp này chúng ta phải nỗ lực tháo gỡ để khai thông nguồn vốn này. Thứ hai, phải khai thông nguồn vốn đầu tư tư nhân. Hiện nay, nhiều dự án đầu tư tư nhân, cụ thể là hàng trăm hàng ngàn dự án bất động sản và nhiều lĩnh vực khác do vướng rất nhiều điểm nghẽn, không triển khai được. Khai thông được nguồn vốn này sẽ kích thích tăng trưởng. 
Thứ ba, doanh nghiệp đang tự bươn chải, lo lắng, xử lý các nguồn để giải quyết nguyên liệu, thị trường. Nhưng Nhà nước nên có giải pháp về tài chính để hỗ trợ. Thí dụ, có thể khoanh, hoãn nợ và thuế một số doanh nghiệp, nhưng phải lựa chọn đối tượng có ảnh hưởng thật sự, không làm tràn lan làm méo mó thị trường. 
Về giải pháp về tiền tệ nên cố gắng nới tín dụng, mở tín dụng hơn một chút và không lo lạm phát nhiều. Tôi nghĩ lạm phát có thể kiểm soát, nếu không được mức 4%, mức 5% cũng chấp nhận để khai thông nguồn tín dụng. Đồng thời, NHNN cũng có thể sử dụng nhiều công cụ khác để giảm lãi suất. 
- Xin cảm ơn ông.
 Thời điểm này là cơ hội chúng ta nhận thấy rõ hơn hệ quả để nhìn thấy định hướng nhằm giảm phụ thuộc vào 1 thị trường quá lớn. Đặc biệt, việc Nghị viện châu Âu phê duyệt các hiệp định EVFTA và EVIPA, sẽ tạo niềm tin và động cơ cho doanh nghiệp và cũng là định hướng để các doanh nghiệp tái cơ cấu lại thị trường.

Các tin khác