Chủ động ứng phó suy thoái kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO) - Sự thay đổi chính sách với tốc độ và cường độ ngày một mạnh bởi chính phủ các quốc gia có nền kinh tế lớn dưới tác động của nguy cơ suy thoái, sẽ tạo áp lực mạnh mẽ hơn đối với chính sách tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Điều này buộc Việt Nam phải có các chính sách điều chỉnh linh hoạt, kịp thời để giảm sốc cho nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và người dân. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nguy cơ suy thoái hiện hữu
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ các mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023, đồng thời cảnh báo về chu kỳ suy thoái trước mắt nếu các chính phủ không xử lý hiệu quả cuộc chiến chống lạm phát.
Nguy cơ suy thoái còn trầm trọng hơn bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến lược “zero Covid” của Trung Quốc, khiến chi phí năng lượng, thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng mạnh ở nhiều nền kinh tế. Điều này khiến các NHTW các nước buộc phải nâng mạnh lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế của mình. 
Tăng lãi suất có thể giúp kiềm chế lạm phát qua giảm đầu tư và hạn chế tiêu dùng cá nhân. Nhưng chính nó lại có thể dẫn đến sự suy thoái của các nền kinh tế các quốc gia giàu có và khủng hoảng ở các nước nghèo, do gánh nặng nợ nần tăng lên và các cân đối kinh tế vĩ mô bị phá vỡ.
Trước đó, UNCTAD (cơ quan của Liên hiệp quốc chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát triển, đặc biệt là thương mại quốc tế) trong báo cáo thường niên mang tựa đề “Thương mại và Phát triển năm 2022”, cũng cảnh báo chính sách tài chính và tiền tệ của các nền kinh tế phát triển, đã đẩy thế giới vào nguy cơ suy thoái toàn cầu và thời kỳ suy thoái - lạm phát kéo dài. UNCTAD cho rằng những hệ lụy của cuộc suy thoái này thậm chí tai hại hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid.  
Đây rõ ràng không là những dự báo dễ chịu đối với Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt gấp 2 lần GDP. Suy thoái hay đình trệ kinh tế toàn cầu, nếu diễn ra theo các dự báo sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam do sự suy giảm đối với cầu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam, do áp lực mạnh mẽ đối với các cân đối vĩ mô và nguy cơ sụt giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.  

DN cần chủ động
Năm 2021, DN Việt Nam đã bán được lượng hàng hóa, dịch vụ tương đương 336,31 tỷ USD. Chỉ riêng trong 9 tháng năm 2022, lượng hàng hóa, dịch vụ các DN đã xuất khẩu được lên tới  82,35 tỷ USD. Một lượng đáng kể hàng hóa, dịch vụ này được mua bởi Mỹ, EU, Nhật Bản. Nay DN và người tiêu dùng tại các nền kinh tế này bắt đầu thắt chặt chi tiêu, giảm đầu tư do tác động của suy thoái hay đình trệ kinh tế, nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ bị suy giảm.
Thực tế này đang xảy ra đối với một số ngành hàng tại Việt Nam như đồ gỗ, nội thất hay một số  chủng loại mặt hàng dệt may, da giày, đồ điện tử. 
Do vậy, những dự báo về khả năng suy thoái là điều DN không thể bỏ qua khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và những năm kế tiếp. Các DN sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt với các đối thủ từ các nền kinh tế khác trong bối cảnh cầu hàng hóa và dịch vụ tại các nền kinh tế lớn bị thu hẹp do suy thoái.
Cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, điều chỉnh quy mô sản xuất, tăng cường đa dạng hóa thị trường nhằm tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết, là một số trong nhiều giải pháp DN cần tính đến để giảm thiểu các nguy cơ về sụt giảm cầu.
Sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi về chính sách tiền tệ, tài khóa của các nền kinh tế lớn, chắc chắn sẽ có những tác động tới chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam. Việt Nam được đánh giá đã duy trì tương đối ổn định về lãi suất và tỷ giá hối đoái cho tới thời điểm này.
Dù vậy, những thay đổi, biến động về lãi suất hay tỷ giá hối đoái trong thời gian tới là khó tránh khỏi để đảm bảo sự ổn định chung về kinh tế vĩ mô, hay các cân đối tổng thể của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các DN cần có nhiều kịch bản, tránh bị động khi các chính sách tài chính, tiền tệ được điều chỉnh trước áp lực của sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn, đặc biệt với 2 chỉ số quan trọng là lãi suất và tỷ giá hối đoái.
 
Chính sách linh hoạt 
Để giảm bớt tác động về cầu đối với hàng hóa và dịch vụ từ thị trường toàn cầu, nếu nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, chi tiêu trong nước cần được kích thích nhằm bù đắp cho sự suy giảm từ cầu bên ngoài. Chi tiêu chính phủ, đặc biệt là đầu tư công, đầu tư phát triển nếu được thực hiện hiệu quả, kịp thời sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh này.
Theo đó, nguồn vốn dành cho các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng trong gói phục hồi và tăng trưởng kinh tế hậu Covid chưa được giải ngân trong năm 2022, sẽ đặc biệt có ý nghĩa nếu như được giải ngân nhanh và hiệu quả trong năm 2023. 
Nguồn tăng thu ngân sách trong năm 2022  cũng có thể là nguồn lực quan trọng để tăng chi tiêu chính phủ, cho các dự án đầu tư công trọng điểm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, dự án giáo dục, y tế, khoa học. Nó cũng có thể được sử dụng nhằm phục vụ các chương trình kích thích tiêu dùng của người dân và DN, thông qua các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua như giảm thuế VAT hay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và các chương trình an sinh, xã hội. 
Trong mọi trường hợp, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn nên được coi là ưu tiên hàng đầu. Sự an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng vẫn phải được chú trọng. Với tâm thế chủ động và với các kịch bản ứng phó linh hoạt, người dân, DN và Chính phủ sẽ vững vàng hơn khi đối diện với những thách thức mới. Nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục vững vàng trong năm 2023 được dự báo đầy khó khăn và những năm kế tiếp. 
 Sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi về chính sách tiền tệ, tài khóa của các nền kinh tế lớn, đòi hỏi DN Việt cần có nhiều kịch bản, tránh bị động.

Các tin khác