Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tương lai còn thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện cuối đường hầm

(ĐTTCO) - Tiếp xúc cử tri với cộng đồng doanh nghiệp TPHCM theo hình thức trực tuyến sáng 2-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là thời kỳ khó khăn nhất sau 35 năm đổi mới, nhưng ánh sáng đã xuất hiện phía cuối đường hầm
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay về tài chính, tiền tệ. Ảnh: TT
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay về tài chính, tiền tệ. Ảnh: TT
Những cơ hội kinh tế đang mở ra
Phát biểu mở đầu buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước gửi lời chia sẻ đến đồng bào, nhân dân TPHCM về những mất mát, đau thương quá lớn về sức khoẻ, tính mạng của nhân dân thành phố. Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với những vất vả, khó khăn, kể cả những thiệt hại đối với sinh kế, kinh tế của TPHCM, do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định giãn cách xã hội.
Theo Chủ tịch nước, dịch bệnh khiến kinh tế thành phố bị thiệt hại nặng. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm, TPHCM có gần 16.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, GRDP quý III của TP.HCM âm 4,39%, dẫn đến 9 tháng đầu năm âm 4,98%. 
Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là thời kỳ khó khăn nhất sau 35 năm đổi mới. Song ông cũng biểu dương doanh nhân Việt Nam và doanh nhân TPHCM, dù khó khăn vẫn chung sức hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực... để cùng chống dịch, hỗ trợ an sinh xã hội.
"Doanh nhân TPHCM rất kiên cường, tôi rất trân trọng. Những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, khó khăn lớn nhất nằm ở phía sau, tương lai dù còn gặp nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện ở cuối đường hầm. Cơ hội kinh tế đang mở ra, không chỉ bù đắp những mất mát đã qua, mà còn là cơ hội lớn để bứt phá cho doanh nghiệp", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận. 
Ông cũng khẳng định Đảng, Nhà nước và chính quyền TPHCM cùng các bộ, ngành Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế TPHCM. Đặc biệt, Chủ tịch nước cho biết: "Sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay về tài chính, tiền tệ".
Doanh nghiệp TPHCM mong được công khai chiến lược phòng chống dịch
Báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hội doanh nghiệp TPHCM, cho biết tại TPHCM, các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh từ ngày 9-7 đến nay. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp duy trì theo mô hình 3 tại chỗ, hoặc một cung đường hai điểm đến. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tương lai còn thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện cuối đường hầm ảnh 1 TPHCM bắt đầu khôi phục kinh tế sau dịch với vô vàn khó khăn. 
Khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng”, chiếm gần 40%. Tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại để duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng là quanh mức 46%.
Dù khó khăn, nhưng theo ông Dũng, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các gói hỗ trợ của Chính phủ và của thành phố vừa qua đã tạo nên nguồn lực hết sức quý giá cho doanh nghiệp, người lao động. Số lượng các chính sách và thời gian xem xét ban hành với tốc độ nhanh chóng chưa từng có từ trước đến nay.
Việc đôn đốc giám sát triển khai, thực hiện cũng được quan tâm quyết liệt hơn. Tuy nhiên, do vẫn còn một số thủ tục quy định các đối tượng thụ hưởng không thể đáp ứng được, nên một số chính sách hiệu quả thực thi chưa cao. 
Trước bối cảnh ấy, tại buổi tiếp xúc cử tri sáng nay, doanh nghiệp đã gửi nhiều kiến nghị. Trong đó, liên quan đến công tác phòng chống dịch, doanh nghiệp TPHCM mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương cần công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, đưa ra Bộ tiêu chí phòng chống dịch, có kịch bản điều hành kinh tê xã hội tương ứng với các tình huống.
Đồng thời, chính quyền cần hướng dẫn người dân và doanh nghiệp xử lý các tình huống, để họ có đủ thông tin, hiểu biết, đồng thuận cao, cũng như chủ động điều chỉnh kế hoạch mục tiêu sản xuất kinh doanh kip thời, phù hợp với điều hành kinh tế xã hội.
Về ban hành, tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như phục hồi kinh tế cần ban hành theo đối tượng và mục tiêu, để thiết thực và có hiệu quả cao hơn. Cụ thể: Nhóm doanh nghiệp có khả phục hồi nhanh, có khả năng đóng góp cao cho nền kinh tế cần tập trung các hỗ trợ, để họ phục hồi nhanh, nâng hiệu quả nền kinh tế, làm đầu tàu kéo các doanh nghiệp khác. 
Trước nổi lo thiếu lao động trầm trọng khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, TPHCM và các tỉnh lân cận tạo điều kiện cho người lao động quay lại doanh nghiệp làm việc. 
Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng có những đề xuất liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn, giảm các chi phí ... để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Các tin khác