Chưa rõ nét hậu CPH

(ĐTTCO) - Từ năm 2016 đến nay, chất lượng CPH chưa có dấu hiệu cải thiện. Việc bán cổ phần nhà nước ra công chúng tiếp tục gặp khó khăn. 
Chưa rõ nét hậu CPH
Vì vậy, DNNN và DN do Nhà nước giữ cổ phần chi phối vẫn hiện diện ở các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, chưa đạt mục tiêu tập trung tối đa vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Tỷ lệ vốn nhà nước được CPH và thoái vốn còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra.
Lợi dụng chính sách bất cập
 Đó là cơ chế, chính sách về CPH, thoái vốn nhà nước chưa có thay đổi. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi; một số khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết, việc kiểm soát quá trình CPH chưa chặt chẽ… đã làm hạn chế tác dụng của CPH đối với đổi mới quản trị và thu hút vốn đầu tư phát triển từ bên ngoài.
Đặc biệt, việc định giá DNNN để tiến hành CPH còn nhiều bất cập, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền được thuê đất ở những vị trí đắc địa, thương hiệu, lợi thế kinh doanh và xác định giá bán cổ phiếu lần đầu... do năng lực của các tổ chức tư vấn còn hạn chế; quá trình xác định giá trị DN chủ yếu dựa trên so sánh, chưa có tiêu chuẩn xác định giá trị tiềm năng, như thương hiệu, khả năng phát triển trong tương lai. 
 Ở góc độ tổng thể của tái cơ cấu nền kinh tế, việc CPH hàng trăm DNNN trong giai đoạn 2011-2015 và từ năm 2016 đến nay hầu như không ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn lực của DNNN. Tốc độ tăng vốn và tài sản của DNNN còn nhanh hơn tốc độ tăng của phần thu về từ bán vốn nhà nước cho các thành phần kinh tế. Nói cách khác, tái cơ cấu DNNN nói chung, CPH nói riêng chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế, vì vậy tác động đến tái cơ cấu kinh tế nói chung chưa rõ nét.
Việc kiểm soát giao dịch ngầm, thỏa thuận của các nhà thầu, nhà đầu tư trong công tác đấu thầu, đấu giá khó thực hiện, đa số các phát hiện được sau khi đã hoàn thành giao dịch; kiểm soát nhà đầu tư trong thực hiện các cam kết khi mua cổ phần, đấu giá, tham gia cổ đông chiến lược và chế tài xử lý chưa rõ ràng…
Bên cạnh đó, chính sách bán cổ phần còn thận trọng, chưa linh hoạt, hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng như nước ngoài tham gia. Hoạt động sau CPH tại một số DN chưa đi vào thực chất do cổ phần chủ yếu được bán nội bộ, Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối nên tổ chức bộ máy, hoạt động quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số DN sau CPH không có nhiều thay đổi (80% vị trí lãnh đạo DNNN, ban điều hành, kế toán trưởng hầu như không thay đổi).
Không chỉ vậy, nhiều DN sau khi Nhà nước bán hết vốn, chủ sở hữu mới chú trọng những lợi ích như khai thác tiềm năng đất đai, lợi thế thương mại, không chú trọng đến hoạt động chính của DN, người lao động trong DN không có việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng, tạo gánh nặng, sức ép cho người lao động và xã hội.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân
 Nghị quyết 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Quyết định 707/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN 2016-2020, đã đề ra hệ thống các giải pháp chính sách, sửa đổi, bổ sung pháp luật. Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện nghị định mới về CPH, trình Chính phủ ban hành.
Bên cạnh những giải pháp dự kiến ban hành, tôi có một số kiến nghị. Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng CPH DNNN, giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước xuống mức sàn theo quy định để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào DN. Các bộ, ngành, địa phương và DN khẩn trương hoàn thành việc trình, phê duyệt phương án CPH 137 DN đã xác định tại Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, trong đó đặt ra kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các DN không thuộc diện Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. 
Lập phương án CPH 4 DN (Công ty TNHH MTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, TCT Thăm dò và khai thác Dầu khí và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), trong đó Nhà nước nắm giữ đúng 65% vốn điều lệ, 35% còn lại được bán cho nhà đầu tư không phải Nhà nước. Lập phương án CPH 27 DN theo Quyết định 58. Trong đó, cổ phần nhà nước ở mức sàn chi phối, có thể là 50,1% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 106 DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ theo Quyết định 58.
Thứ hai, tiếp tục thoái vốn để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào DN CPH, trước hết là DN đã niêm yết, tạo nguồn lực cho đầu tư nhà nước vào các ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của Nhà nước. Trong đó, rà soát lại toàn bộ DN đã CPH, lập phương án bán cổ phần nhà nước xuống mức sàn sở hữu đối với từng loại DN cần nắm giữ 65% và trên 50% vốn điều lệ.
Đối với các DN đã CPH khác, kiến nghị tiến hành bán toàn bộ cổ phần nhà nước hiện có. Toàn bộ vốn nhà nước thu được từ CPH, thoái vốn phải được dành cho đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, hoặc dành cho các chương trình hỗ trợ phát triển DN khu vực tư nhân theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong tổ chức thực hiện, trước mắt cần tập trung bán cổ phần nhà nước tại các DN CPH đã niêm yết. Trong đó, có thể ưu tiên phương án giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước xuống mức sàn chi phối tại các DN hiện nay đang có cổ phần nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại các DN còn lại.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách CPH. Trong đó, mở rộng các phương thức bán cổ phần, vốn góp, kể cả bán toàn bộ DNNN; thực hiện sáp nhật, hợp nhất DNNN với DN thuộc thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường; áp dụng biện pháp phá sản theo quy định pháp luật đối với DNNN lâm vào tình trạng phá sản không có phương án phục hồi khả thi; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị DN để trục lợi, gây thất thoát tài sản; khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào DN khi CPH, thoái vốn nhà nước...
Đồng thời cần hoàn thiện tiêu chí cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, bảo đảm cổ đông lớn, cổ đông chiến lược phải có đủ năng lực tài chính và khả năng quản trị, điều hành, công nghệ để cơ cấu lại và phát triển DN.
-----
* Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Các tin khác