Chưa tận dụng thị trường ASEAN

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, bà PHẠM CHI LAN, cho rằng dù ASEAN được đánh giá là thị trường năng động và tiềm năng lớn, song lại chưa được DN Việt Nam chú trọng. Đây là lỗ hổng lớn trong xuất khẩu hiện nay của DN Việt.

ASEAN là một thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt cần tập trung khai thác một cách hiệu quả (trong ảnh là một siêu thị ở Malaysia). Ảnh minh họa
ASEAN là một thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt cần tập trung khai thác một cách hiệu quả (trong ảnh là một siêu thị ở Malaysia). Ảnh minh họa
PHÓNG VIÊN: - Bà đánh giá thế nào về triển vọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), vốn đang được cho là sân chơi gần gũi nhất với Việt Nam?
Bà PHẠM CHI LAN: - Đã có những dự báo cho thấy AEC sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Điều này hứa hẹn mở ra một thị trường chung và tạo cơ hội cho DN tiếp cận không gian thị trường rộng mở qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác ngoại khối.
Thực tế cho thấy, mức tăng trưởng của nền kinh tế các nước trong AEC luôn ổn định và kéo dài trong nhiều năm. Từ những năm 1980, mức tăng GDP trung bình hàng năm của ASEAN 4,5%, trong khi giá trị thương mại hàng hóa chiếm 104% GDP của khu vực. Các đối tác thương mại quan trọng của khu vực là Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Đến năm 2010, việc cắt giảm thuế quan giữa 6 quốc gia phát triển trong ASEAN (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) xuống mức 0%, đã ghi nhận những tiến bộ đáng chú ý của khu vực này.
Từ đó đến nay, dưới 5% giao dịch thương mại trong nội bộ ASEAN chịu mức thuế trên 10%, và 99% lượng hàng hóa được giao dịch trong ASEAN-6 có mức thuế 0%. Những thành viên mới trong ASEAN như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng nhờ vào một chuỗi cung ứng trong khu vực ngày càng tăng.
- Vậy theo bà khả năng tận dụng cơ hội của DN Việt Nam sau 4 năm gia nhập AEC?
- AEC chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2015, nhưng sau 4 năm tham gia AEC, đến thời điểm này dường như DN Việt vẫn còn thờ ơ và bỏ qua thị trường này. Phần lớn DN chưa cảm nhận được “sức nóng” từ việc tham gia AEC, thể hiện qua việc quan tâm của DN trong xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh từ AEC chưa nhiều.
Sự sốt sắng dường như ít hơn khi nhìn thấy cơ hội từ FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay các FTA khác. Điều này dẫn đến xuất khẩu Việt Nam sang các nước thành viên ASEAN không tăng, thậm chí giảm so với nhiều nước, trong khi vẫn tiếp tục nhập siêu từ các nước này. Đơn cử, tính đến hết tháng 7, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan hơn 4 tỷ USD.
Trong khi đó, đầu tư của ASEAN vào Việt Nam lại tăng mạnh. Như vậy, xét theo mối quan hệ 2 chiều, chiều Việt Nam tiếp nhận vẫn đang bị chi phối, còn chiều Việt Nam tận dụng cơ hội đầu tư, kinh doanh vẫn khiêm tốn. Sự khiêm tốn này có lẽ một phần bởi DN Việt chưa hiểu biết đầy đủ về thị trường ASEAN để nắm bắt cơ hội. Mặt khác, nó cũng phản ánh thực lực của DN Việt còn yếu, chưa dám mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài.
- Phải chăng DN Việt Nam thờ ơ với AEC là do chưa hiểu rõ hay vì chưa thấy được sức hấp dẫn từ thị trường này?
- Tâm lý chưa coi trọng thị trường ASEAN vẫn còn phổ biến trong các DN. Cứ nói đến xuất khẩu họ mơ tưởng đến cơ hội xuất sang Mỹ, EU, Nhật Bản. Ngay cả việc tiếp nhận đầu tư họ chỉ chú ý đến nhà đầu tư ở các nước có trình độ phát triển cao hơn, có công nghệ, kỹ năng quản trị tốt hơn. Hay như tư duy về cạnh tranh của các bộ, ngành cũng có vấn đề.
Một số quan chức nói rằng cạnh tranh là tốt, nhưng chưa đưa ra được giải pháp để sự cạnh tranh đó mang lại lợi ích cho Việt Nam. Nhiều khi trách nhiệm cải thiện năng lực cạnh tranh bị đẩy cho DN, trong khi Nhà nước chưa có công cụ để phát triển nền tảng cạnh tranh.
Hiện nay có nghịch lý, trong khi chúng ta khá nghiêm túc thực hiện cam kết đối với bên ngoài về mở cửa thị trường, nhưng lại không có các công cụ bảo hộ cần thiết cho DN trong nước. Vấn đề này rất được coi trọng ở các nước khác.
Thí dụ, về 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong AEC, Thái Lan đưa ra những yêu cầu rất chính đáng như lao động nước ngoài phải hiểu luật Thái, nói được tiếng Thái để phục vụ cho người Thái. Trong khi đó Việt Nam lại không đưa ra yêu cầu tương tự, không đòi hỏi gì. Điều này có thể khiến lao động Việt không vào được thị trường Thái Lan, nhưng người Thái lại dễ dàng vào Việt Nam để cung cấp các dịch vụ của họ. 
Hay hàng rào kỹ thuật với các sản phẩm cũng vậy, gần như chúng ta buông, không kiểm tra chất lượng hàng của các nơi khác. Chúng ta kiểm tra, thanh tra ngặt nghèo DN trong nước nhưng lại buông lỏng kiểm tra hàng hóa từ bên ngoài, đây là điều bất cập.
Bên cạnh đó, trong khi chúng ta mở rộng, cho phép tự do hóa thương mại, trong nước lại không có tự do hóa tương ứng cho DN. Những cam kết về tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN vẫn chưa phát huy hiệu quả, gỡ chỗ nọ lại vướng chỗ kia. Số văn bản hành chính gây khó cho DN vẫn còn nhiều. Tôi nghĩ đó cũng có thể là lý do khiến DN Việt không mấy mặn mà với AEC.
- Có ý kiến cho rằng trong khi tình hình kinh tế thế giới nhiều bất ổn như hiện nay, việc tập trung vào thị trường AEC cần phải được xem là giải pháp tối ưu cho DN Việt. Ý kiến của bà như thế nào?
- Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN đang cùng chia sẻ những lợi thế nổi trội, khi AEC được thành lập trên nền tảng của ASEAN - một “trung tâm tăng trưởng” của kinh tế thế giới. Tôi cho rằng không phải chỉ nhìn trong giai đoạn tình hình kinh tế thế giới nhiều bất ổn như hiện nay, về lâu dài DN Việt cần coi trọng thị trường AEC, bởi đây là sân chơi gần gũi, năng động và chúng ta cũng có những lợi thế khi cạnh tranh.
Trước hết, DN Việt hãy tìm kiếm cơ hội nhiều hơn từ thị trường trong nước, quan sát xem người nước ngoài tìm cơ hội tại nước mình như thế nào. Thị trường 96 triệu dân của Việt Nam là thị trường lớn, quan trọng cho đông đảo DN. Vậy tại sao các nước ASEAN với sự bất đồng về ngôn ngữ, không hiểu thị trường Việt Nam bằng chúng ta, họ lại thành công?
Thực tế, so với DN trong khối ASEAN, nhiều DN Việt Nam đi sau, tiềm lực hạn chế hơn, kinh nghiệm cũng ít hơn, đặc biệt khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế. Đây là những trở ngại chính khi Việt Nam tham gia AEC. Hiện nay Việt Nam vẫn còn nhiều lúng túng trong việc xử lý các rào cản kỹ thuật bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Nhưng tôi tin rằng khi các DN cùng Chính phủ nỗ lực thúc đẩy để cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn, chắc chắn chúng ta sẽ tận dụng tốt cơ hội và thành công.
- Xin cảm ơn bà.
 Những cam kết về tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN vẫn chưa phát huy hiệu quả, gỡ chỗ nọ lại vướng chỗ kia; số văn bản hành chính gây khó cho DN vẫn còn nhiều… là lý do khiến DN Việt không mấy mặn mà với AEC.

Các tin khác