Chữa trị vết thương nền kinh tế: Kích cầu nội địa

(ĐTTCO) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 2,7%. Tổng cục Thống kê công bố kết quả 6 tháng đầu năm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, riêng quý II tăng trưởng cận zero. 
Để cải thiện tình hình, Bộ Công Thương tổ chức chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020”, kích cầu nội địa toàn quốc trong suốt tháng 7.
Đây là chương trình kích cầu quy mô quốc gia lần đầu tiên được tổ chức theo Quyết định 1635/QĐ-BCT ngày 19-6-2020 của Bộ Công Thương. Theo đó, từ ngày 1 đến 31-7-2020 nới trần giới hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa dịch vụ được khuyến mại 100%. 

Giải quyết điểm trũng
Chương trình của Bộ Công Thương mạnh mẽ không những ở quy mô triển khai trên toàn quốc, liên bộ ngành, còn như một tia sáng hy vọng cho toàn thị trường. Vết thương của nền kinh tế Việt Nam hiện rõ hình hài sau khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
Chữa trị vết thương nền kinh tế: Kích cầu nội địa ảnh 1 Nguồn: dữ liệu Haver Analytics, IMF tính toán. 
Dù là quốc gia được thế giới biết đến như là một hình mẫu chống dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng GDP Việt Nam thể hiện sự tổn thương nghiêm trọng qua con số thống kê: 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây so với cùng kỳ, còn tính riêng quý II tăng trưởng GDP cận mức zero, đạt 0,36%, chưa bằng con số lẻ của cùng kỳ trong 3 năm gần nhất 2017-2019 lần lượt 6,36%, 6,73% và 6,73%. 
Nói về cơ cấu GDP 6 tháng đầu năm, trong tổng quy mô GDP đạt giá trị 2.576.500 tỷ đồng, con số cho thấy đáng lo ngại đối với tổng cầu nằm ở tổng cầu hàng hóa và dịch vụ nội địa. Bởi cán cân thương mại 6 tháng đầu năm Việt Nam vẫn xuất siêu tới 4 tỷ USD, nhưng giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt mức 2.380.800 tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức sụt giảm này âm tới 5,3%. 
Chữa trị vết thương nền kinh tế: Kích cầu nội địa ảnh 2 Nguồn: dữ liệu của Oxford, IMF tính toán.
Cầu hàng hóa nội địa giảm chưa rõ vì hộ gia đình tiết kiệm chi tiêu, hay do khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm tới 55,8% so với cùng kỳ. Nhưng trước khi đại dịch xảy ra, tăng trưởng bán lẻ ở Việt Nam luôn duy trì quanh 9% về lượng và hơn 10% về mặt giá trị. Còn 6 tháng đầu năm cầu hàng hóa nội địa giảm là điểm yếu đã lộ rõ qua con số.
Như vậy, theo chính sách mới, trong tháng 7 này người tiêu dùng cả nước sẽ được hưởng nhiều sản phẩm và dịch vụ ưu đãi có thể được phép khuyến mại cho khách hàng lên tới 100%, thay vì tối đa chỉ 50% như theo quy định hiện hành. Chương trình kích cầu nội địa quy mô toàn quốc là giải quyết đúng ngay chỗ trũng của kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, trong đó Nhà nước đóng vai trò khơi thông, doanh nghiệp đóng vai trò chủ động. Được phép khuyến mại tới 100%, chắc chắn sẽ thu hút, bởi giá giảm lượng cầu sẽ tăng khi người tiêu dùng phản ứng với những động cơ khuyến khích. 

IMF: Việt Nam “Chiến đấu toàn xã hội”
Là hình mẫu thành công trong chống dịch của thế giới, ngày 29-6 IMF có bài phân tích nói về tình hình chống dịch và triển vọng hồi phục kinh tế của Việt Nam. Đối với quá trình hồi phục kinh tế sau dịch, theo tính toán của IMF, Việt Nam có mức hồi phục sản xuất và bán lẻ tốt hơn so với toàn khu vực ASEAN, nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Ngược lại với những nhận xét tích cực về hiệu quả chống dịch của Việt Nam, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 2,7%, và theo phân tích của IMF đó là những tác động tất yếu đại dịch vào một nền kinh tế bất kỳ. 
IMF cũng nhận định, kinh tế Việt Nam chịu tác động nhẹ nhất so với hầu hết quốc gia trong khu vực, và triển vọng hồi phục tươi sáng khi nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn mở cửa trở lại, cũng như khi những đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam phục hồi kinh tế.
So sánh hiệu quả chống dịch với các nước, IMF cho rằng Việt Nam có chính sách phản ứng nhanh nhạy nhất thế giới vào giai đoạn tháng 3 và tháng 4 cao điểm mùa dịch. Mấu chốt thành công của Việt Nam được IMF đánh giá xuất phát từ phương thức truyền thông, cách tiếp cận đa phương tiện tốt, nhờ đó củng cố được niềm tin của công chúng, giúp cả xã hội tuân thủ, toàn xã hội chiến đấu với đại dịch, từ đó biện pháp bảo vệ, ngăn chặn triển khai đạt hiệu quả cao.
IMF là tổ chức uy tín thường đưa ra những dự báo khá chính xác. Và không chỉ IMF, những tổ chức trong và ngoài nước đều có dự báo bi quan cho bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm 2020. Nhưng chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020” kỳ vọng mang lại sự cải thiện đáng kể tổng cầu hàng hóa và dịch vụ nội địa ngay trong tháng 7. Chương trình mới khơi thông ngay những điểm tắc nghẽn của nền kinh tế trong những thời đoạn suy thoái, mà cả báo cáo trong nước của Tổng cục Thống kê và báo cáo quốc tế của IMF chỉ ra, Việt Nam sẽ “Chiến đấu toàn xã hội” trên cả mặt trận chống dịch và mặt trận phục hồi kinh tế. 
Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của tất cả doanh nghiệp, sẽ tạo sức lan tỏa và tạo nên cú hích lớn để kích cầu tiêu dùng nội địa, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh, từng bước khôi phục lại nền kinh tế và góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đất nước.

Các tin khác