Chứng khoán hóa ngân hàng (K1): Chưa niêm yết, thiếu minh bạch

(ĐTTCO) - Nhu cầu nắm bắt thông tin hoạt động các ngân hàng thương mại (NHTM) của người dân, nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ lẫn NĐT chiến lược rất lớn, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều NH chưa sẵn sàng niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) để minh bạch thông tin. 
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của NH, mất cơ hội hút vốn đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và quá trình tiến tới một hệ thống NH có tính minh bạch cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Mù mờ thông tin
Tháng 12-2017, Nikkei đưa ra nhận định, các NHTM chậm chạp trong việc niêm yết trên TTCK. Nhận định này dựa trên cơ sở mục tiêu của Chính phủ có 10 NHTM niêm yết trong năm 2013-2016 chưa đạt yêu cầu. Bước sang năm 2017, theo quy định của Bộ Tài chính, toàn bộ 730 doanh nghiệp (DN) được cổ phần hóa (những DN có trên 100 cổ đông) chưa niêm yết sẽ phải thực hiện niêm yết.
 Niêm yết trên sàn là một yêu cầu cần thiết. Khi niêm yết, NH công khai BCTC kiểm toán độc lập, trong đó thể hiện được các thông tin hoạt động đúng chuẩn mực kế toán theo quy định. NH niêm yết phải công khai vốn chủ sở hữu và các đối tượng sở hữu, từ đó có cơ sở để giải quyết được tận gốc vấn đề sở hữu chéo, đưa NH vào đúng khuôn khổ hoạt động theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, do sức ép lên sàn đối với các NH chưa đủ mạnh nên nhiều NH đã đẩy lùi kế hoạch.
TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia tài chính NH
Theo đó, 10 NHTMCP nằm trong yêu cầu này gồm OCB, ABBank, Techcombank, NamABank, MaritimeBank, VietABank, TPBank, SeaBank, HDBank, LienVietPostBank phải nhanh chóng lên sàn. Nhưng đến cuối năm 2017, chỉ có 4 NH đã đưa cổ phiếu (CP) giao dịch trên sàn, trong đó chỉ VPBank niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), 3 NH còn lại là VIB, Kienlongbank và LienVietPostBank niêm yết trên UPCoM.
Đầu năm 2018, thị trường đón thêm CP của HDBank giao dịch trên HOSE. Hiện ABBank cho biết đang chờ Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) chấp thuận niêm yết, OCB có kế hoạch niêm yết trong năm 2018, TPBank đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE… nhưng nhiều NHTMCP khác vẫn im hơi lặng tiếng.
Tuy nhiên, chỉ đến khi các NH chính thức lên sàn mới có thể chắc chắn, bởi những năm qua đã có không ít NH lên kế hoạch sau đó lại liên tục trì hoãn thời gian niêm yết.
Trong năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng cho biết, NHNN sẽ yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng niêm yết công khai trên TTCK, công bố báo cáo tài chính (BCTC) định kỳ có kiểm toán, nhằm giúp người dân và NĐT nắm được tình hình “sức khỏe” của các NH. Đây cũng chính là vấn đề mấu chốt mà người dân cũng như NĐT quan tâm, bởi khi NH lên sàn không chỉ có thêm hàng hóa trên thị trường, mà còn giúp NĐT nắm bắt được thông tin hoạt động để có thể yên tâm “chọn mặt gửi tiền”. Còn hiện nay, các NH chưa niêm yết rất mù mờ thông tin, nhất là các NHTMCP nhỏ, dẫn đến niềm tin của người dân lẫn NĐT vào các NH cũng rất lo. 
Đơn cử hiện nay VietCapitalBank chỉ mới có BCTC quý III-2017, với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 37,5 tỷ đồng, và vẫn chưa công bố BCTC năm 2017. NĐT muốn tìm thông tin cũng không thể tra cứu BCTC của NH này, vì phần dành cho cổ đông trên website của NH yêu cầu phải điền thông tin cổ đông mới đăng nhập vào được.
Tương tự, BaoVietBank cũng áp dụng chế độ xem thông tin hoạt động cho cổ đông của NH thông qua tài khoản, với mật khẩu là mã cổ đông; kết quả kinh doanh được NH công bố chính thức cũng chỉ mới dừng lại ở năm 2016 trong một BCTC tóm tắt. Tại VietABank, thông tin hoạt động của NH chỉ gói gọn trong BCTC hợp nhất năm 2017, không có báo cáo từng quý trong năm. Hay như đến thời điểm này BCTC gần nhất được SeaBank công bố chính thức là BCTC hợp nhất năm 2016…
Theo đó, hoạt động của các NH này trên thị trường cũng khá mờ nhạt, ít được chú ý dù áp dụng lãi suất huy động cao và CP giao dịch rải rác trên sàn OTC với mức giá rất thấp.
Làm khó cổ đông
Theo một lãnh đạo NHTMCP, dù cơ quan quản lý, người dân và NĐT muốn NH sớm lên sàn để minh bạch thông tin, nhưng nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều NH liên tục trì hoãn chính là do thông tin tài chính của NH chưa thể công khai minh bạch ra công chúng, từ đó dẫn đến chưa thuận lợi cho việc niêm yết như tỷ lệ sinh lời thấp, chất lượng tài sản có vấn đề (như nợ xấu cao), hoặc các khoản đầu tư rủi ro cao.
Ngoài ra, cũng có NH lo ngại CP đang dưới mệnh giá, nếu NH niêm yết CP bị đánh giá thấp, tác động đến hoạt động kinh doanh từ huy động đến cho vay, cung cấp dịch vụ.
 Các NHTM cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng lên Basel II và giải quyết dứt khoát vấn đề sở hữu chéo, hay thôn tính NH theo kiểu tay không bắt giặc, lách luật để lập những công ty con. Muốn vậy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là một trong những điều kiện để giải quyết những tồn tại này.
TS. Trần Du Lịch, 
thành viên Hội đồng Tư vấn CSTC quốc gia
Vài tháng gần đây, thời của CP NH đã trở lại, khi nhóm CP này trên TTCK liên tục tăng mạnh. Sự tăng trưởng này đến từ thông tin tốt về hoạt động kinh doanh năm 2017 và những triển vọng tích cực của 2018. Nhưng ngược lại, nhóm CP của các NH chưa lên sàn vẫn tiếp tục tình trạng nằm trong “đáy tủ” của những NĐT.
Anh Nguyễn Văn Thuận (quận Bình Thạnh TPHCM) cho biết, trước đây khi CP NH là CP “vua”, anh đã mua khá nhiều CP của VietABank và giữ nhiều năm liền, cho đến nay không thể bán để thu hồi vốn. Bởi trên sàn OTC hiện nay, CP NH vẫn được giao dịch nhưng xu hướng chung vẫn chuộng CP của những NH “rục rịch” lên sàn, NH sắp bán vốn cho NĐT chiến lược nước ngoài hoặc có kết quả kinh doanh khả quan. Đã vậy VietABank không chia cổ tức nhiều năm qua khiến khoản đầu tư này trở thành khoản lỗ chồng lỗ. 
Một cổ đông của một NHTMCP có trụ sở tại TPHCM cũng bức xúc vì nhiều năm liền NH dùng lý do đang tái cơ cấu nên không thể chia cổ tức, trong khi thù lao dành cho Hội đồng quản trị năm sau luôn cao hơn năm trước và khoản chi đầu tư hàng năm rất lớn nhưng không báo cáo cụ thể, chi tiết. Cổ đông nhiều lần đề nghị NH niêm yết trong các kỳ đại hội cổ đông để minh bạch thông tin, nhưng chỉ nhận được câu trả lời khi có điều kiện tốt nhất sẽ niêm yết trên sàn và không có thời hạn cụ thể.
Điều này không chỉ khiến NĐT chịu thiệt khi khoản đầu tư của cổ đông đóng băng, mà những người góp vốn để NH hoạt động cũng không nắm bắt được NH đang sử dụng vốn của mình như thế nào. 
Không riêng NĐT nhỏ lẻ, kể cả các DN nhà nước đang sở hữu vốn của NH cũng gặp khó vì vướng vào các NH chưa niêm yết lại đang đứng trước yêu cầu thoái vốn ngoài ngành, đã xảy ra không ít trường hợp khi tiến hành bán đấu giá không có NĐT nào đăng ký tham gia mua cổ phần của các NH này. NĐT không mặn mà tham gia cũng không lạ, vì hiện nay nhiều NH dù vẫn công bố BCTC kiểm toán nhưng không minh bạch, trong nhiều BCTC của NH chưa niêm yết, phần dự phòng rủi ro tín dụng, chất lượng tài sản có… vẫn được kiểm toán viên nhấn mạnh: “Ý kiến kiểm toán của chúng tôi không liên quan đến vấn đề trong phần này".
Chứng khoán hóa ngân hàng (K1): Chưa niêm yết, thiếu minh bạch ảnh 1 Việc nhiều NH không muốn lên sàn do ngại minh bạch thông tin như tỷ lệ sinh lời thấp, nợ xấu, các khoản đầu tư rủi ro... Ảnh: P.LONG 
Cần liều thuốc mạnh
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2018 thách thức của ngành NH là cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, hướng đến các chuẩn mực quốc tế về quản trị NH để củng cố hệ thống vững chắc. Để tiến đến mục tiêu này, ông Nghĩa cho rằng cần phải đốc thúc các NH sớm niêm yết trên TTCK.
Hiện nay, ở các nước phát triển, tất cả NH đều niêm yết và thông tin hoạt động, thông tin giao dịch CP rất minh bạch, kể cả những NH niêm yết trên thị trường dành cho CP không được rao bán rộng rãi. Riêng Hoa Kỳ, các NH còn phải thực hiện quy định công bố bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh mỗi tháng trên website của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC). Đây là cách làm cần học hỏi. 
Theo ông Bạch An Viễn, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, lên sàn không chỉ minh bạch thông tin hoạt động mà còn tạo ra sự cạnh tranh. Thực tế qua các trường hợp lên sàn gần đây có thể thấy, đối với các NH niêm yết cũng có lợi hơn, vì không chỉ thu hút NĐT mua thêm lựa chọn, mà còn có thể huy động vốn từ các NĐT chiến lược.
Chẳng hạn như trường hợp VPBank hay HDBank, khi chuẩn bị niêm yết đã hút được một lượng vốn lớn từ các NĐT nước ngoài. Trong khi với các NH chưa niêm yết, mục tiêu tăng vốn gặp rất nhiều khó khăn, phát hành CP riêng lẻ không thành công do NĐT nhỏ lẻ không mặn mà, bán vốn cho NĐT chiến lược nước ngoài cũng chỉ nằm trong kế hoạch vì họ hạn chế rót vốn vào những NH không công khai, minh bạch hoạt động, rủi ro quá lớn.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BIDV, vốn hóa ngành NH sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn tới VN Index. Xu hướng này được hỗ trợ từ làn sóng niêm yết của một loạt các NHTMCP như Techcombank, OCB, TPBank, MaritimeBank, SeaBank, ABBank, cùng với hoạt động tăng vốn điều lệ/phát hành cho đối tác trong nước và tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đáp ứng yêu cầu về vốn theo Basel II.
Song, với việc Chính phủ kéo dài thời hạn thực hiện mục tiêu có thêm 10 NH niêm yết trong giai đoạn 2013-2016 đến năm 2020, cho thấy hoạt động niêm yết của các NH có thể sẽ không suôn sẻ như dự kiến, mà vẫn kéo dài nhiều năm nữa, tùy theo sự chuẩn bị cũng như sức khỏe của từng NH. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý, những NHTMCP nhỏ lên sàn ngoài minh bạch thông tin cũng phải chú ý đến vấn đề tăng hiệu quả hoạt động để tăng sức hút cho CP, tạo nền tiến tới mục tiêu tăng vốn.
Hiện nay trong các NH đã niêm yết, CP NVB của NHTMCP Quốc dân được niêm yết khá lâu, nhưng đây là CP ít thu hút được dòng tiền nhất do tình hình kinh doanh không sáng sủa, P/E của NVB cao tới hơn 100 lần. 
(Còn tiếp)

Các tin khác