Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 thực chất hơn

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông PHAN ĐỨC HIẾU, Đại biểu Quốc hội khóa XV (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội đang bàn thảo, về bản chất nhằm thay đổi về nền tảng, cơ chế phân bổ nguồn lực, cũng như kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế. 

Bối cảnh mới, tư duy mới
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, bối cảnh tình hình mới trong nước và thế giới hiện nay đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc đề ra giải pháp và các mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025?
Ông PHAN ĐỨC HIẾU: - Trong thời gian tới có ít nhất có 3 yếu tố tác động đến xây dựng và thực thi kế hoạch lần này (Chính phủ đã nêu rõ trong xây dựng Đề án). Đó là Chiến lược và Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, với mục tiêu được đặt ra phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Việt Nam phải có sự bứt phá trong cả giai đoạn chiến lược, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm phải cao hơn giai đoạn 2016-2019.
Tuy nhiên, tác động CMCN 4.0 đến trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, có tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế của từng quốc gia, làm thay đổi sâu sắc bản chất thương mại và đầu tư trong nước, toàn cầu.
Và bồi thêm sự tác động là dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã thay đổi hành vi kinh tế, xã hội và quan hệ kinh tế quốc tế; chuyển dịch chuỗi thương mại toàn cầu; bất định trong quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ thương mại đa phương, song phương...
Vì thế đặt ra yêu cầu mới cho phát triển bao gồm: sức chống chịu, thích ứng, năng động, linh hoạt nền kinh tế, cũng như đòi hỏi nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Bối cảnh mới và những yếu tố này vừa tạo ra cơ hội cho chúng ta, nhưng cũng vừa là những thách thức rất lớn cho phát triển kinh tế thời gian tới.
Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 thực chất hơn ảnh 1
- Như vậy kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trình ra Quốc hội lần này được dư luận kỳ vọng một sự điều chỉnh về tư duy và cách tiếp cận trong bối cảnh mới?
- Trong bối cảnh nêu trên, tôi cũng nhất trí với nhiều quan điểm của Chính phủ trong xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế lần này như: Lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm.
Xác định nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài để đột phá, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trên cơ sở đa dạng hóa thị trường. Phát triển lực lượng doanh nghiệp (DN) của Việt Nam...
Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả, thực chất, đầy đủ, đúng và tránh hình thức, cần xác định rõ vai trò của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế là thay đổi nền tảng trong cách điều hành nền kinh tế, phân bổ nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sự khác biệt này không phải là khác biệt hoàn toàn, mà có những sự chồng lấn, đan xen nhất định.
Chẳng hạn về cách tiếp cận cơ cấu lại nền kinh tế, không hoàn toàn là cơ cấu lại tỷ trọng khu vực kinh tế-tức là tỷ trọng công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ, mà cách tiếp cận ở đây là khu vực nào, chủ thể nào có năng lực sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất phải có cơ hội để tiếp cận nguồn lực cần thiết, nhanh nhất, kịp thời và đầy đủ. 
Như vậy, cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với chặt với kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, tính thích ứng với biến động và yêu cầu nâng cao năng lực quản trị quốc gia, trong đó có hoạch định chính sách dài hạn và ra quyết định nhanh chóng, năng lực ứng phó với vấn đề mới chưa có tiền lệ.
Các giải pháp của kế hoạch đòi hỏi phải được xây dựng trên tư duy kinh doanh, quản lý mới, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội mới, thể chế  mới thay thế thể chế truyền thống. Thí dụ như tư duy về xây dựng thể chế thì không phải là số hóa các thủ tục, quy định hành chính, mà ngược lại phải là thiết kế thủ tục, quy định trên tư duy kinh tế số.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Ông có thể nói cụ thể hơn về những nhiệm vụ trong kế hoạch cơ cấu lại tổng thể kinh tế lần này?
Để thực thi hiệu quả, thực chất, đầy đủ, đúng và tránh hình thức, cần xác định rõ vai trò của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế là thay đổi nền tảng trong cách điều hành nền kinh tế, phân bổ nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch bổ sung lần này với các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Kế hoạch cũng đã đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: (1) Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
(2) Phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực.
3) Phát triển lực lượng DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
(4) Cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị- nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.
(5) Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm; tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi thực tiễn vừa qua và yêu cầu phát triển mới đã cho thấy, nguồn lực con người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xét về lý thuyết, nhân lực là quan trọng, là nền tảng cho chuyển đổi và quản trị sự thay đổi (thay đổi mà không có nhân sự thì không thay đổi được, hoặc nếu thay đổi không thực thi được).
Thực tế, trong bối cảnh mới lao động giản đơn, giá rẻ chuyển từ lợi thế thu hút đầu tư có thể lại trở thành điểm nghẽn cho sự tăng trưởng và phát triển. Lao động vừa là động lực, vừa là điều kiện và đủ để thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ… 
Tác động của dịch Covid-19 vừa qua cùng với làn sóng di cư lao động, cũng như tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động ở nước ta thời gian gần đây, càng cho thấy vấn đề nguồn lực lao động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Do vậy, điều quan trọng nhất lúc này không chỉ dừng lại ở quan hệ lao động, sử dụng lao động, chất lượng lao động, mà còn là hệ sinh thái cho người lao động như chỗ ở, môi trường sống, chính sách bảo hiểm... Phát triển lực lượng lao động không chỉ là khu vực tư nhân, mà phải bao gồm cả khu vực công.
Do đó, nguồn lực lao động cần phải là một trọng tâm, và có thể nên xem xét để tách riêng thành một trụ cột trong nội dung kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế lần này, để từ đó có được giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện tổng thể, không trùng lặp, không phân tách.
Làm thực chất, không hình thức
- Vậy kế hoạch trước đây có đề ra những nhiệm vụ song chưa hoàn thành, lần này cần phải làm gì để hoàn thành những nhiệm vụ trên?
- Chính phủ đã rất thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước đây, một số mục tiêu chưa đạt được.
Thí dụ như cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra; hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều DN nhà nước còn thấp. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế…
Xét về nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan (đại dịch) thì vẫn còn nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện, như chưa được quán triệt xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, ngành và địa phương; trách nhiệm người đứng đầu chưa được nâng cao. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong một số nhiệm vụ có tính chất liên ngành. 
Do đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế lần này cần tập trung, gia cố nội  dung về tổ chức thực hiện, tránh trường hợp thực hiện cơ cấu kinh tế theo phong trào, chỉ mang tính hình thức mà không thực chất. Đặc biệt, tránh việc một lần nữa chúng ta có thể không hoàn thành do thiếu cơ chế thực thi hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông.
 Tác động của dịch Covid-19 vừa qua cùng với làn sóng di cư lao động, cũng như tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động ở nước ta thời gian gần đây, càng cho thấy vấn đề nguồn lực lao động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Các tin khác