Cơ chế đặc thù cho TPHCM là cần thiết

(ĐTTCO) - Ngày 11-9, hội nghị góp ý Đề án Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM và Đề án Thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, đồng chủ trì. 
Cảng Cát Lái, TPHCM
Cảng Cát Lái, TPHCM
Đủ tính pháp lý để thực hiện
Góp ý vào nội dung Đề án Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, cho biết, khi không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường như trong đề án rất cần thêm một số giải pháp khác để tăng khả năng giám sát, cụ thể là việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng số lượng thời gian làm việc cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc giám sát.
Ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho hay, khi thực hiện đề án này TPHCM sẽ có nhiều thuận lợi bởi trước đó Quốc hội đã có 2 nghị quyết cho thí điểm ở Hà Nội và Đà Nẵng; bên cạnh đó TPHCM cũng đã có kinh nghiệm với 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng giai đoạn 2009-2016. Đề án trên của TPHCM có đủ tính pháp lý, phù hợp với Hiến pháp (tại điều 111), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).  
Cơ chế đặc thù cho TPHCM là cần thiết ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Ông Nguyễn Minh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng, bày tỏ sự đồng tình cao khi đọc 2 đề án của TPHCM bởi chiến lược trong các đề án là phù hợp cả mặt pháp lý và quy luật phát triển hiện nay. TPHCM phân cấp mạnh về quy hoạch về xây dựng và đất đai, do đó vấn đề giám sát cần cân nhắc.
Đi sâu phân tích nội dung Đề án Tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM, ông Dương hoàn toàn nhất trí và đề nghị bổ sung các giải pháp thực hiện: “Khi không tổ chức HĐND thì phải có cơ chế như thế nào, kể cả về cơ sở vật chất và các nguồn lực; các cơ chế hoạt động đối với các cơ quan của Đảng, phương hướng sắp xếp tổ chức bộ máy…”. 
Các giải pháp để thành phố Thủ Đức ra đời
Đóng góp quan điểm về Đề án thành lập thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM), ông Phạm Trí Thức cho biết, đây là đề án cần thiết và đánh giá cao việc xác định 8 trung tâm quan trọng của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sau khi thành phố Thủ Đức được thành lập. “Việc nhập 3 quận để lên thành phố về cơ bản là một loại đô thị hành chính mới khác với quận, mặc dù tương đương với đơn vị hành chính cấp quận huyện nhưng trong quá trình phát triển nên xem xét tới các yếu tố phù hợp về quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, đồng thời phải đánh giá, phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập thành phố”, ông Thức nêu quan điểm và đề nghị TPHCM nên tham khảo thêm ý kiến từ Bộ Xây dựng về vấn đề này. 
Việc thành lập thành phố trong thành phố đòi hỏi phải có giải pháp sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy. Nội dung này cần căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương để sắp xếp cho phù hợp, hoạt động được hiệu quả đúng chức năng, quyền hạn của thành phố. Việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM được kỳ vọng là một vùng động lực tăng trưởng mới. Ông Phạm Trí Thức cho rằng, “tham vọng” này đưa Thủ Đức trở thành thành phố tương đương với các thành phố trực thuộc Trung ương như Cần Thơ, Đà Nẵng, nếu không tổ chức HĐND là hơi mạo hiểm. Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính của thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập mặc dù theo đề án đã giảm 2 phường (còn 34 phường) nhưng nhân cơ hội này có thể sáp nhập các phường có diện tích nhỏ, dân số ít để thu gọn hơn nữa. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, trước khi thành lập thành phố Thủ Đức phải phân loại đô thị, có quy hoạch. Bên cạnh đó, ông Văn cũng gợi ý việc thành lập thành phố Thủ Đức có thể vận dụng theo cơ chế của Nghị quyết số 653 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. “Nếu theo hướng của Nghị quyết số 653 tiến độ thành lập sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc phải chuẩn bị kế hoạch, làm đề án quy hoạch…”, ông Văn cho biết và kiến nghị, nếu được vẫn phải làm đồng thời vừa quy hoạch vừa vận dụng cơ chế.   
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận định, TPHCM là đơn vị hành chính, thành phố đặc biệt, có vị trí hết sức quan trọng, là đầu tàu kinh tế cả nước. Thời gian qua, nhiều mô hình, cơ chế chính sách trong quá trình đổi mới đất nước đều xuất phát từ TPHCM. Việc có những cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM để thúc đẩy phát triển kinh tế cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung là rất cần thiết. Để sớm hoàn thiện đề án trình các cơ quan thẩm quyền thông qua sẽ còn nhiều bước, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo TPHCM cần quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện để đảm bảo tiến độ.  
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, đồng thời chỉnh sửa, hoàn thiện đề án để kịp tiến độ trình các cơ quan có thẩm quyền. Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thêm, với 2 đề án trên, TPHCM đã ấp ủ rất lâu và trong nhận thức thành phố bao giờ cũng nghĩ phải thực hiện theo Nghị quyết 653. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, quá trình triển khai thực hiện đề án thực tế đã chứng minh, nếu được sự hỗ trợ thường xuyên của các bộ ngành Trung ương thì TPHCM sẽ thực hiện tốt các đề án và đảm bảo được tiến độ đề ra.

Các tin khác