Cơ chế hỗ trợ thị trường trong nước

(ĐTTCO) - Vấn nạn rau củ quả thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, đã khiến người tiêu dùng trong nước dần mất lòng tin vào sản phẩm nội. Liệu còn nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm thị trường nội. Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC đã trao đổi với bà NGUYỄN THỊ LÊ NA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch. 

Cơ chế hỗ trợ thị trường trong nước
PHÓNG VIÊN: - Tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng một phần xuất phát từ lo lắng rau củ quả trong nước không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà đánh giá như thế nào về điều này?
Bà NGUYỄN THỊ LÊ NA: - Đúng là thực phẩm bẩn đang trở thành vấn nạn tại Việt Nam, gây ảnh hưởng tới tâm lý, khiến xu hướng người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng hàng ngoại ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài nhập nông sản vào Việt Nam có chiến lược phân phối và marketing bài bản, chuyên nghiệp hơn nên dễ thu hút người tiêu dùng hơn.
Trong đó, giá cả cũng là vấn đề rất lớn. Thí dụ, giá rau củ quả Trung Quốc thường rẻ hơn sản phẩm nội cùng loại do các chính sách ưu đãi trong nông nghiệp, quy mô sản xuất NNCNC, cũng như các chi phí đi kèm như logistics, thuế, phí cũng "dễ thở" hơn. Đặc biệt, hệ thống phân phối của doanh nghiệp ngoại được thiết lập rất tốt tới tận các điểm chợ đầu mối của Việt Nam, nên khả năng thâm nhập thị trường tiêu dùng cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện có nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong nước quan tâm hơn tới thực phẩm sạch và đang nỗ lực để đưa thực phẩm sạch ra thị trường. Tôi tin rằng nếu có cơ chế đúng đắn, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản an toàn và kiểm soát hợp lý, nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
- Thời gian qua nhiều sản phẩm rau củ quả của Việt Nam thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, nhưng người tiêu dùng dường như chưa tin tưởng? 
- Luật An toàn thực phẩm quy định doanh nghiệp phải truy xuất nguồn gốc khi có lô hàng bị phát hiện không đạt chuẩn hoặc gây hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo chúng tôi đã đến lúc cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Bởi nếu nhà sản xuất không coi việc truy xuất nguồn gốc như là biện pháp để quản lý sản xuất, hàng hóa nhằm giảm thiểu thiệt hại cho chính doanh nghiệp, khi có sự cố xảy ra với lô hàng nào đó, họ làm sao truy xuất chính xác lô hàng đó với mức thiệt hại thấp nhất.
Mặt khác hiện có rất nhiều ngộ nhận trên thị trường, từ phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, là có QR code tức có truy xuất nguồn gốc, hoặc tem chống hàng giả là truy xuất nguồn gốc.
Cần nhấn mạnh rằng mọi công nghệ truy xuất nguồn gốc chỉ là công cụ, then chốt của niềm tin tiêu dùng vẫn là ở khâu sản xuất ra sản phẩm. Truy xuất chỉ có thể giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về thông tin sản phẩm.
Vì thế, để người tiêu dùng hiểu và nhận định đúng về sản phẩm, cả nhà sản xuất và các bên liên quan từ Nhà nước, cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống kinh doanh... cần tăng cường các thông tin chính thống, đúng đắn và dễ hiểu cung cấp cho người tiêu dùng. 
Về vấn đề các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rau củ quả an toàn nhưng vẫn khó tiêu thụ, ngoại trừ các đơn vị đã có hệ thống phân phối sẵn, theo tôi khó khăn lớn nhất là ở khâu logistics và phân phối. Với đặc tính “sáng rau chiều cỏ", sản phẩm rau củ quả không thể để lâu được. Vì thế, để vận chuyển đi xa phải có điều kiện bảo quản tốt, trong khi việc này chúng ta làm chưa tốt. Bên cạnh đó, các chi phí vận chuyển, đầu vào, dịch vụ, nhân công, đang trở ngại lớn đối với doanh nghiệp.
- Có thực tế là lượng lớn rau củ quả nhập từ Trung Quốc đã được thương lái hóa phép thành rau củ quả Việt Nam. Vậy có giải pháp nào hạn chế vấn nạn này, thưa bà? 
- Đây là bài toán rất khó có lời giải, bởi nếu giải được đã không trở thành vấn đề hiện nay. Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng chúng ta cần tăng cường các quy định về quy cách đóng gói, truy xuất nguồn gốc đối với rau củ quả từ Trung Quốc hay nước ngoài ngay tại các cửa khẩu, chợ đầu mối cũng như tại các chợ, siêu thị theo quy định của Việt Nam.
Cách làm truy xuất cũng nên đơn giản, dễ hiểu, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra được. Ngoài ra, cũng cần tăng cường thông tin về vụ mùa, thông tin về phân biệt sản phẩm để người tiêu dùng nắm rõ hơn.
- Hiện nay mỗi năm chúng ta xuất khẩu lượng lớn rau củ quả sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu chất lượng rất cao. Vậy làm như thế nào để doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm hơn đến thị trường trong nước, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho người tiêu dùng nội địa? 
- Cũng không hẳn các sản phẩm bán trong nước không đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nước đang cung ứng các sản phẩm rất tốt, thậm chí tốt hơn cả chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nhưng số đó không nhiều. Để phát triển thị trường nào cũng rất cần hệ thống phân phối tốt.
Theo đó, để khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tham gia thị trường trong nước, hệ thống phân phối cần được tạo điều kiện vận hành chính thống,  minh bạch và rõ ràng. 
Giá cả cũng đang là trở ngại cạnh tranh với thị trường trong nước, bởi vậy Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ hợp lý để giảm thiểu các chi phí phi nông nghiệp đang đổ lên giá thành nông sản. Xét về khía cạnh kinh tế thị trường, khi nào thị trường trong nước tốt hơn thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ quay lại thị trường trong nước. Đây là hoạt động bình thường cũng giống như các nước khác đang nhập khẩu rau củ quả vào Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà.
  Để truy xuất thực sự minh bạch, quan trọng nhất là người sản xuất ứng dụng truy xuất đó phải minh bạch. Công nghệ do con người tạo ra, nên con người muốn làm gian dối cũng sẽ có công nghệ làm vậy, con người muốn làm thật công nghệ sẽ giúp để làm thật.

Các tin khác