Cơ hội đa dạng hóa nguồn cung

(ĐTTCO) - Cơ hội đa dạng hóa nguồn cung cho chuỗi sản xuất của Việt Nam đang dần hiện hữu khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được Quốc hội phê chuẩn và Mỹ “ngỏ lời” muốn Việt Nam tham gia việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19.

 “Hạn chế kép”
Cách đây hơn 10 năm, ông Trương Đình Tuyển, khi đó còn ở cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), từng đưa ra ý tưởng phải xây dựng thị trường Việt Nam trở thành “chợ đầu mối” về nguyên liệu của khu vực và thế giới. Cơ cở để ông Tuyển đưa ra ý tưởng trên là Việt Nam có nhiều điều kiện để thực hiện: vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở cửa kinh tế, nhiều FTA được ký kết với nhiều đối tác…
Song, quan trọng hơn vị cựu bộ trưởng đã nhìn ra điểm yếu lớn nhất của Việt Nam khi đó - sau những năm đầu chập chững tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): Dù là quốc gia dựa vào xuất khẩu, nhưng Việt Nam lại lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc).
Chúng ta sản xuất hàng hóa và xuất khẩu nhưng chúng ta lại không có quyền mặc cả về giá cả, đó vừa là nghịch lý vừa là thiệt thòi”.
Cơ hội đa dạng hóa nguồn cung ảnh 1
Vì nhiều lý do, ý tưởng trên của ông Trương Đình Tuyển đã không thể thực hiện được. Sau khoảng 3 năm đầu gia nhập WTO, những điểm yếu trong chuỗi cung ứng (nguyên liệu đầu vào) một số ngành xuất khẩu được cho là mũi nhọn (dệt may, giày dép, đồ gỗ…) bắt đầu bộc lộ rõ nét.
Chính phủ bắt đầu lên kế hoạch thực hiện các đề án quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nhằm cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho một số ngành có sản phẩm thuộc nhóm xuất khẩu mũi nhọn. Tuy nhiên, đến nay, các đề án này hoặc vẫn còn dang dở hoặc không đạt được hiệu quả như mong muốn. 
Ông Phạm Quốc Doanh, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (thuộc Văn phòng Chính phủ), nhìn nhận sau hàng chục năm đến nay Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng được các vùng nguyên liệu đúng nghĩa.
Đơn cử, quy hoạch vùng trồng bông nguyên liệu - vốn được xem là “xương sống” của ngành dệt may - dù đã có kế hoạch từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ do những vướng mắc về cơ chế (đất đai, sản xuất manh mún, giải phóng mặt bằng…).
Bên cạnh việc không làm chủ được nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam cũng chưa tạo được nền tảng cơ bản. Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có CNHT đi kèm, phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất bị động, chi phí sản xuất cao. Đây là 2 điểm yếu các chuyên gia kinh tế cho rằng là “hạn chế kép” của các ngành chế xuất Việt Nam. 
Hệ quả, hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa không cao, nền sản xuất phần lớn chỉ dừng ở gia công, hàng hóa bị giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Việc phụ thuộc nguồn cung ứng nguyên liệu vào một thị trường (hiện nay là Trung Quốc) còn kéo theo rủi ro khác: Việt Nam trở thành “thị trường trung chuyển” cho hàng hóa nước khác, trở thành “nạn nhân” của các vụ kiện thương mại khi tham gia các FTA.

 “Cơ hội kép”
Đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu bị đứt gẫy khi Trung Quốc, quốc gia từng được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, đã thành nơi khởi phát và một trong những tâm điểm của dịch bệnh. Để dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mới đây Mỹ đã lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD), bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ. 
Thực tế, sau 10 năm gián đoạn (kể từ 2010), đây là lần đầu tiên nhóm 4 nước này mớinối lại cuộc đối thoại 4 bên và nâng cấp thành đối thoại cấp các ngoại trưởng. Đặc biệt, đối thoại của nhóm QUAD không chỉ bó hẹp ở phạm vi 4 nước mà Mỹ còn chủ trương mời thêm 3 nước Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng tham gia thảo luận. Tờ “India Times” của Ấn Độ gọi sự kiện này là nhóm “Bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus).
Đánh giá về sự kiện này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng Mỹ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng lâu nay Mỹ tách khỏi khối thương mại châu Á - Thái Bình Dương, là điều bất lợi cho Việt Nam. Với quyết định thành lập mạng lưới kinh tế thịnh vượng, đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” và mời thêm 3 quốc gia tham dự, đây là cơ hội để Việt Nam phục hồi vị thế chiến lược của mình với thị trường Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. 
Trong khi đó, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5-2020, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, sẽ giữ vững kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp (FDI), gián tiếp (FII) ở mức khá cao.
Hiệp định EVFTA dự kiến được Quốc hội họp và phê chuẩn vào ngày 20-5, ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, EU và Việt Nam hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Việc Mỹ muốn Việt Nam tham gia “Bộ tứ kim cương” và EVFTA được xem là “cơ hội kép”, trở thành động lực quan trọng để Việt Nam thực hiện chính sách dịch chuyển, đa dạng hóa nguồn cung ứng một cách hiệu quả, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng đây là cơ hội lớn đối với kinh tế Việt Nam. Vấn đề là Việt Nam tận dụng cơ hội ra sao và đạt hiệu quả ở mức nào, phụ thuộc nhiều vào cách tiếp cận và chính sách đồng bộ đi kèm phù hợp ra sao.
Theo bà Phạm Chi Lan, mấu chốt để tiếp cận cơ hội thay đổi, đa dạng hóa nguồn cung và phát triển theo chiều sâu với hàm lượng giá trị gia tăng, công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào cách tiếp cận của doanh nghiệp - hạt nhân của nền kinh tế. “Nếu doanh nghiệp không tự thay đổi để nâng mình lên tầm mới, vẫn sẽ nằm ở những khâu thấp kém nhất trong chuỗi giá trị. Điều này cũng đồng nghĩa không cải thiện được vị thế của mình trong chuỗi giá trị và nền kinh tế Việt Nam cũng khó bật lên, dù danh nghĩa là xuất khẩu nhiều hơn, thu hút được nhiều FDI hơn” - bà Phạm Chi Lan nhận xét. 
Doanh nghiệp cần xác định đây là cơ hội để lột xác, tự mình thay đổi, không phải là cơ hội để xuất khẩu, bán được nhiều hàng, tạo được nhiều sản phẩm mới hay thu được nhiều tiền.
Chuyên gia kinh tế  Phạm Chi Lan

Các tin khác