Cơ hội tăng tốc giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Ngày 7-12, Bộ Công thương phối hợp Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2021. 

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thị trường Hoa Kỳ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, tạo cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu. Tuy nhiên, với việc áp đặt nhiều rào cản phòng vệ thương mại (PVTM) của Hoa Kỳ, đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội tăng tốc giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ ảnh 1Nhiều mặt hàng nhập khẩu được người tiêu dùng chọn mua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thị trường tiêu dùng rộng mở

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết, dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực, nhưng hoạt động kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn cán mốc 100 tỷ USD năm 2021. Ông Sơn nhìn nhận, nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục đà tăng trưởng ở mức khoảng 2% từ nay đến năm 2025. Những gói chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ đang phát huy tích cực đến hoạt động phục hồi sản xuất của doanh nghiệp nước này, thúc đẩy kích cầu tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua đã tác động đáng kể đến nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ. Những yếu tố này đang tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dệt may, nông thủy hải sản, gỗ, nhựa…, Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Lâm Việt Nguyễn Liêm cho biết, các doanh nghiệp thành viên đang tăng tốc đưa hàng đến thị trường Hoa Kỳ. Chỉ tính riêng trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 1,15 tỷ USD, tăng gần 21% so tháng 10-2021, và kỳ vọng con số này sẽ cao hơn trong tháng 12, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để kịp đơn hàng giao cho đối tác.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 tỷ USD vào cuối năm nay là hoàn toàn khả quan, khi Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu chủ lực - đang vào cao điểm mua sắm cuối năm.

Cũng theo các doanh nghiệp, những khó khăn như gián đoạn sản xuất vì dịch bệnh, chi phí logistics tăng mạnh đã cơ bản được tháo gỡ. Các doanh nghiệp trong nước đã ngồi lại cùng đối tác để có những điều chỉnh về giá, thời hạn giao hàng. Không dừng lại đó, doanh nghiệp hai bên đã cùng nhau hỗ trợ chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, giao thương, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng để giảm chi phí, tái đầu tư công nghệ sản xuất, từng bước đáp ứng những đơn hàng lớn mà doanh nghiệp đối tác Hoa Kỳ đặt ra.

Tăng đối thoại để xóa rào cản

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ giải pháp PVTM mà nước này đặt ra. Hiện hầu hết các nhóm hàng hóa nông lâm, thủy sản, gỗ, kim loại, lốp xe, máy móc thiết bị… xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đều đối mặt với các vụ kiện điều tra PVTM. 

Cơ hội tăng tốc giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ ảnh 2Nhiều mặt hàng nhập khẩu được người tiêu dùng chọn mua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm, gần đây nhất vào ngày 23-11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp mức thuế chống bán phá giá 412% lên sản phẩm mật ong nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi, cũng nằm trong diện bị điều tra, nhưng sản phẩm ong của Ấn Độ chỉ bị áp mức thuế tượng trưng là 6,4%. “Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của 10.000 lao động và 25.000 nông hộ nuôi ong trong nước, nhất là những nông hộ tại vùng cao, vùng kinh tế khó khăn của Việt Nam”, ông Tâm băn khoăn. Hiện thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ 90% sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam, tương ứng khoảng trên dưới 50.000 tấn mật ong/năm. Vậy nên với mức thuế áp bán phá giá, cũng đồng nghĩa Hoa Kỳ đã “đóng cửa” hoàn toàn với sản phẩm ong xuất khẩu từ Việt Nam.

Trước thực tế nói trên, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) Phạm Châu Giang cho biết, bộ đang nỗ lực làm việc với Chính phủ Hoa Kỳ về những sản phẩm đang bị áp thuế PVTM, thắt chặt kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, tránh tình trạng đánh tráo nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thương với thị trường Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh thay đổi chính sách của cơ quan chức năng phù hợp nền kinh tế số, tạo cơ hội mở rộng thị phần ra các nước, doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động hơn trong việc gia tăng đầu tư tại Hoa Kỳ để vừa mở rộng khả năng xâm nhập thị trường, vừa giảm thiểu những rủi ro bị áp đặt rào cản kỹ thuật. Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng cường chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi năng lực quản trị để tránh tụt hậu trước xu hướng giao thương trực tuyến.

Ở chiều ngược lại, khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ đã mở rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, mong muốn Việt Nam phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, y tế, dược phẩm, giáo dục, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và nông nghiệp. Hiện thủ tục hành chính và thuế nhập khẩu của Việt Nam đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp ngoại. Đặc biệt là chính sách thuế của Việt Nam áp dụng với hàng nhập khẩu khá khắt khe. Tất cả yếu tố này đã gây tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và rất cần phải thay đổi sớm trong thời gian tới, nhằm thiết lập môi trường đầu tư, giao thương công bằng cho doanh nghiệp của cả 2 nước.

Bộ Công thương thông tin, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương, và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 89,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 76,7 tỷ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ 2020; chiếm tỷ trọng 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) và nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12,9 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, chiếm tỷ trọng 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu). Tính lũy kế đến tháng 10, Hoa Kỳ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.134 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,72 tỷ USD.

VĂN PHÚC


Hoa Kỳ là thị trường trụ cột


Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam có lợi thế là thị trường tiềm năng với quy mô 100 triệu dân. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo độ hấp dẫn nhất định trong việc thu hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài. Hoa Kỳ là quốc gia đứng thứ 11 về vốn đầu tư vào Việt Nam; chiều ngược lại, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực và truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều biện pháp PVTM được Hoa Kỳ áp dụng lên nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đã gây ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp trong nước. Vậy nên, trên tinh thần hợp tác, Việt Nam xác định Hoa Kỳ là đối tác trụ cột, Bộ Công thương mong muốn 2 nước cần thúc đẩy đối thoại để tháo gỡ những bất cập trong chính sách giao thương, tạo điều kiện tăng cường thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư giữa 2 nước trong thời gian tới; đặc biệt, hạn chế sử dụng biện pháp PVTM trong giao thương, tránh gây những tác động tiêu cực cho hoạt động sản xuất của doanh ngiệp vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch.


Doanh nghiệp Hoa Kỳ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam


Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, nhấn mạnh, 100% doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hoạt động sản xuất lại bình thường. Trong số 550 doanh nghiệp và hơn 2.000 đại diện cá nhân được khảo sát ý kiến, hầu hết cho biết, hiện TPHCM được đánh giá là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ tái mở cửa và phục hồi ở mức 3,6 trên thang điểm 5; tiếp theo là Hà Nội với 3,5; Hải Phòng và Bắc Ninh đứng thứ ba với 3,4.

Theo bà Mary Tarnowka, các cơ quan chức năng Việt Nam cần nhất quán hơn về vấn đề điều chỉnh để chung sống an toàn với Covid-19, tạo điều kiện cho kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam, cũng như thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư mới. Các doanh nghiệp thành viên của AmCham Việt Nam rất lạc quan về triển vọng mở cửa trở lại, phục hồi kinh tế tại Việt Nam, gần 80% doanh nghiệp được hỏi đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung - dài hạn ở Việt Nam và đã lên kế hoạch, hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.

Các tin khác