Có nên đặt quy định điều tiết tiền điện tử ở Việt Nam như một số đề xuất?

(ĐTTCO)-Để trả lời câu hỏi này, trước hết, hãy điểm qua những diễn biến gần đây về cách phản ứng của các định chế hàng đầu ở các nước như Mỹ, Anh.
Có nên đặt quy định điều tiết tiền điện tử ở Việt Nam như một số đề xuất?

Thị trường tiền điện tử đã chịu áp lực mới sau khi các quan chức hàng đầu của Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết họ dự kiến sẽ đưa ra các khuyến nghị về stablecoin, là những tài sản quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số, trong những tháng tới. Bitcoin đã giảm khoảng 2.000 USD trong 2 ngày qua, xuống còn khoảng 29.500 USD. Các đồng tiền lớn khác như ether và binance cũng đang chịu áp lực bán mạnh.

 Sự thoái trào của tiền điện tử diễn ra khi các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu đang kìm hãm lĩnh vực này sau nhiều năm chúng tăng trưởng gần như không bị kiềm chế. Theo thông tin từ nhóm công tác của Tổng thống Mỹ chuyên về thị trường tài chính để thảo luận về các mã token, bà Yellen nhấn mạnh “sự cần thiết phải hành động nhanh chóng để đảm bảo có một khuôn khổ quy định thích hợp của Mỹ”.

 Theo Bộ Tài chính Mỹ, nhóm công tác đã thảo luận về sự tăng trưởng nhanh chóng của các “stablecoin” và tiềm năng của chúng sẽ được sử dụng như là phương tiện thanh toán, cũng như những rủi ro tiềm ẩn đối với người tiêu dùng, hệ thống tài chính và an ninh quốc gia. Những người tham dự cuộc họp bao gồm những người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang, Ủy ban Chứng khoán, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Giao Sau, Bộ Tài chính, Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang.

 Mua tiền điện tử như bitcoin hoặc dogecoin trực tiếp bằng các loại tiền tiêu chuẩn như đồng USD hoặc đồng bảng Anh hiện nay đang là một quá trình phức tạp. Stablecoin vì vậy sẽ làm cho quá trình dễ dàng hơn. Chúng là các mã thông báo kỹ thuật số do tư nhân phát hành được gắn với các tài sản khác và nhiều trong số đó sẽ được hỗ trợ 1 đổi 1 bằng USD.

 Tether hiện đang gây chú ý vì một nửa số giao dịch bitcoin được giao dịch bằng cách sử dụng Tether (theo CryptoCompare). Đối thủ của Tether, USD Coin, cũng đã tăng trưởng hơn 3.400% kể từ tháng 1, theo công ty công nghệ thanh toán Circle. Circle đã công bố kế hoạch niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York trong tháng này.

 Nhưng cuộc họp của các cơ quan giám sát hàng đầu của Mỹ trong tuần này đã phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các chính phủ và ngân hàng trung ương về những rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng stablecoin liên quan đến rửa tiền và tác động của chúng đối với chính sách tiền tệ.

 Việc tích luỹ quá lớn đồng USD (và các đồng tiền mạnh khác) mà các nhà khai thác stablecoin cần phải duy trì để thực hiện cam kết bảo đảm 1 đổi 1 cũng tiềm ẩn rủi ro. Tether hiện nắm giữ các khoản nợ ngắn hạn là thương phiếu với tư cách là tài sản đảm bảo cho tỷ lệ 1 đổi 1, khiến chúng trở thành một trong những công ty chủ nợ nắm giữ tài sản thương phiếu lớn nhất trên thế giới. Cơ quan xếp hạng Fitch đã cảnh báo rằng bất kỳ sự thanh lý nhanh chóng nào đối với các khoản dự trữ quá lớn như vậy có thể gây mất ổn định thị trường tài chính.

 Tháng trước, Eric Rosengren, Chủ tịch của Fed Boston, đã gọi tether là một thách thức đối với sự ổn định tài chính. Đầu tháng 7, Chủ tịch Fed, Jay Powell, nói với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ rằng stablecoin đang “tăng trưởng cực kỳ nhanh” nhưng lại thiếu quy định đầy đủ.

 Cuối năm rồi, một nhóm các thành viên Quốc hội Mỹ đã đề xuất luật yêu cầu các nhà phát hành stablecoin cần phải tuân thủ hoạt động như một ngân hàng và phải nhận được sự chấp thuận của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Andrew Bailey, cho biết vào tháng 6 rằng stablecoin sẽ phải đối mặt với “những câu hỏi khó và đúng trọng tâm”. BoE cảnh báo rằng các nhà khai thác không thể tận dụng cái gọi là “chênh lệch quy định” bằng các quy tắc điều tiết lỏng lẻo hơn so với các ngân hàng truyền thống.

 Các tổ chức quốc tế cũng đã kêu gọi hành động nhiều hơn đối với thị trường tiền điện tử. Tháng trước, Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn ngân hàng mạnh nhất thế giới, cho biết chỉ có các stablecoin đủ điều kiện tuân theo các quy tắc điều tiết hiện hành nếu chúng đảm bảo được tài sản dự trữ một cách thường xuyên.

 Một nghiên cứu của giáo sư Gary Gorton của Đại học Yale và Jeffery Zhang của Fed đã phát hiện những điểm tương đồng trong lịch sử của các đồng tiền điện tử với đồng tiền tư nhân: chúng có chung đặc tính dễ đổ vỡ mỗi khi bị mất niềm tin. Nhận xét đáng chú ý từ nghiên cứu này là “Nếu các nhà hoạch định chính sách chờ đợi thêm một thập kỷ mới hành động, các tổ chức phát hành stablecoin sẽ trở thành quỹ thị trường tiền tệ của thế kỷ 21 - quá lớn để thất bại - và chính phủ sẽ phải vào cuộc với một gói giải cứu bất cứ khi nào khủng hoảng tài chính xảy ra”.

 Ở Việt Nam hiện nay, mới đây cũng đã có một số đề xuất cần phải đặt ra các quy định điều tiết các loại tiền điện tử như Bitcoin. Xem ra với các vấn đề quá phức tạp của các loại tiền điện tử mà bản thân các định chế hàng đầu ở các nước phát triển vẫn còn đang lúng túng, các đề xuất Việt Nam cần phải đặt ra các quy định về tiền điện tử giống như “cầm đèn chạy trước ô tô”. Những đề xuất này có thể phản tác dụng vì tính chất phức tạp của tiền điện tử khiến cho mọi quy định đều có khả năng tạo ra cái gọi là “chênh lệch quy định”. Các kẽ hở chênh lệch khiến cho các loại tiền điện tử càng có cơ hội sinh sôi một cách hợp pháp.

Việc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng Việt Nam gọi đây là các loại “tiền ảo” và không công nhận chúng trong các giao dịch thanh toán là phù hợp và đơn giản, không cần phải đặt ra nhiều quy định quá phức tạp để rồi dễ bị lách luật.

Các tin khác