Có nên xây thêm sân bay mới?

(ĐTTCO)-Cả nước hiện có tổng cộng 23 sân bay. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, chỉ 1/3 số sân bay có lãi. Ở thời điểm hiện tại, ngoại trừ các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh vẫn hoạt động tương đối nhộn nhịp, hầu hết sân bay còn lại đều rơi vào cảnh “vắng tanh như chùa bà Đanh” và thua lỗ nặng nề. 
Phối cảnh sân bay Phan Thiết, cách TPHCM khoảng 200km.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết, cách TPHCM khoảng 200km.
Thế nhưng, vừa qua nhiều địa phương cùng lúc đề xuất xây sân bay mới, làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa sân bay, lãng phí nguồn lực. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông BÙI DOÃN NỀ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, xung quanh vấn đề này. 
PHÓNG VIÊN: - Trong bối cảnh ngành hàng không đang sụt giảm nghiêm trọng do Covid-19, các địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu vẫn liên tục đề xuất bổ sung sân bay mới vào quy hoạch mạng lưới sân bay toàn quốc. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông BÙI DOÃN NỀ: - Tôi cho rằng những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không rất nặng nề và lâu dài, nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó, khi vaccine phòng dịch được sản xuất. Khó khăn do dịch bệnh chỉ là nhất thời, còn việc quy hoạch sân bay là vấn đề của dài hạn.
Ở các nước phát triển, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất lớn. Tốc độ phát triển ngành hàng không Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây cũng rất nhanh.
Nếu không quy hoạch sớm, chờ đến khi dân cư đông đúc mới bắt đầu tính bài toán xây sân bay chúng ta sẽ gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng ngành hàng không luôn chạy theo không kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. 
- Nhưng trong tương lai nếu tỉnh nào cũng có sân bay liệu có dẫn đến dư thừa, lãng phí nguồn lực, thưa ông?
- Với dân số xấp xỉ 100 triệu người và nhu cầu đi lại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, số lượng sân bay hiện đang khai thác chưa gọi là đủ. Quy hoạch sân bay là tầm nhìn dài hạn, còn khi triển khai đầu tư phải tính toán rất thận trọng.
Ở từng thời điểm, việc xây sân bay liên quan đến kế hoạch phát triển của các địa phương với những phương án cụ thể, qua nhiều cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, các yếu tố như hiệu quả kinh tế, tác động xã hội, môi trường… sẽ được cân nhắc kỹ, không phải muốn xây là xây.
Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào 3 trung tâm chính tại các khu vực Bắc-Trung-Nam, nhưng giờ các mạng bay là điểm nối điểm, mỗi sân bay địa phương lại có những kết nối riêng, nên không nhất thiết phải tính cự ly bao nhiêu km thì có 1 sân bay, vấn đề là sân bay đó có hiệu quả không.
- Thưa ông, hiện nhiều sân bay vẫn chưa khai thác hết công suất?
- Đó là do sự yếu kém trong kết nối giữa các sân bay với các đô thị và các trung tâm kinh tế khu vực lân cận. Hạn chế này làm giảm nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa.
Những bất cập này do việc xây dựng, quy hoạch phát triển từng loại hình phương tiện giao thông chưa được kết nối chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, chất lượng của việc xây dựng quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. 
Thực trạng trên dẫn đến việc khi thực hiện quy hoạch lại điều chỉnh thứ tự ưu tiên nhưng thiếu xem xét đầy đủ, toàn diện tới yêu cầu kết hợp các loại phương tiện. Vì vậy, trong thời gian tới, cần rà soát bổ sung quy hoạch giao thông ở những địa phương đã có hoặc sắp có sân bay để đồng bộ hóa mạng lưới giao thông tổng thể.
Đối với các sân bay dự kiến xây dựng, cần coi đây là tiêu chí bắt buộc phải đảm bảo khi quyết định đầu tư. 
- Nhiều yếu tố mới và tình hình khủng hoảng hàng không do đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường có những thay đổi. Điều này có đòi hỏi quy hoạch phải được rà soát lại để có những điều chỉnh cần thiết?
- Như tôi đã nói, quy hoạch là vấn đề lâu dài, cần được làm sớm và điều chỉnh khi cần thiết. Việc trước mắt, chúng ta cần rà soát, đánh giá các chính sách hiện hành về xây dựng và quản lý các sân bay, hoàn thiện các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các sân bay.
Hiện việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển sân bay còn vướng nhiều thủ tục, cơ chế xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai, quy trình đầu tư, thẩm quyền của các cơ quan, chủ thể liên quan đến sân bay.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 05/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 102/2015/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay, đã tạo ra hành lang pháp lý mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng hàng không được thực hiện đúng quy hoạch và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
- Xin cảm ơn ông.
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ GTVT Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa. 3 cảng mới bổ sung cho giai đoạn này là các sân bay Long Thành (Đồng Nai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị. So với quy hoạch trước đó đã được Thủ tướng phê duyệt, số cảng hàng không trong quy hoạch lần này giảm từ 28 xuống còn 26. 
Trong định hướng đến năm 2050 cả nước có 30 cảng hàng không, bao gồm 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa; trong đó 4 cảng bổ sung cho giai đoạn này là Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô. 

Các tin khác