CPH DNNN: Hoàn thiện pháp luật, chặt chẽ thực thi

(ĐTTCO) - Định giá doanh nghiệp (DN), trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, quản lý, vận hành DN sau cổ phần hóa (CPH); các vướng mắc khác trong quá trình thực hiện CPH DNNN; những kiến nghị sửa đổi khá quyết liệt, đã được đại diện các bộ ngành, DN và các chuyên gia kinh tế nêu ra tại cuộc hội thảo về vấn đề này cuối tuần qua, do Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức. 
Còn nhiều lỗ hổng lớn
Báo cáo về những vướng mắc trong quá trình CPH DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết giai đoạn 2011-2016, cơ chế, chính sách về CPH đã được hoàn thiện và có nhiều đổi mới, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Giai đoạn này cả nước CPH được 571 DN và bộ phận DN, trong đó có nhiều DN quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng.
Sau CPH, các DN có hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn được CPH còn thấp và quản trị DN chậm đổi mới, đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Tính đến tháng 8-2017, còn 747 DN CPH chưa đăng ký lưu ký và giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tiến độ bàn giao các DN đã CPH về Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chậm.
Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách về tổ chức, quản lý hoạt động của DNNN trong và sau quá trình CPH ban hành chậm, nhất là việc quản lý, sử dụng đất đai của DNNN, DN CPH chưa chặt chẽ. Nhiều DN sau khi sắp xếp, CPH chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh, chế độ công khai thông tin chưa được thực hiện đồng đều, nghiêm túc, tính minh bạch của thông tin tài chính chưa cao… 
 Trong quá trình CPH DNNN, việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất chính là lỗ hổng gây thất thoát lớn nhất. Thí dụ, có người mua một DNNN đang lỗ trên 3 tỷ đồng với giá hơn 10 tỷ đồng, là do nhắm đến quỹ đất 10.000m2 trong nội thành, để vài năm sau xin chuyển đổi làm nhà ở bán. Vì thế, cần đặc biệt chú trọng việc quản lý sử dụng đất sau CPH. Bởi khi đó, phương án sử dụng đất sẽ do CTCP chủ động làm việc với địa phương, có thể dẫn đến việc không tính đủ lợi ích của Nhà nước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 
Ông TRẦN QUANG CHIỂU
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
 
Bên cạnh đó, dù đã có quy định về tiêu chí, trình tự, lựa chọn, bán cổ phần cho nhà đầu tư (NĐT) chiến lược, nhưng chưa có quy định về chế tài khi NĐT không thực hiện đúng cam kết. Việc khống chế mức chi theo giá trị DN CPH (không quá 500 triệu đồng đối với DN có giá trị trên 100 tỷ đồng) chưa tạo quyền chủ động cho DN và cơ quan đại diện chủ sở hữu, đặc biệt là DN có quy mô lớn, để có thể chủ động thuê tư vấn, tổ chức các hoạt động quảng bá nhằm thu hút NĐT có tiềm lực mạnh.
Tổ chức tư vấn xác định giá trị DN có vai trò rất quan trọng, nhưng khuôn khổ pháp luật hiện nay chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với trường hợp tổ chức tư vấn vi phạm các quy định của pháp luật.
Về việc quản lý, sử dụng đất và xác định giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN để CPH, đang có tình trạng DN không tính hoặc tính thiếu giá trị sử dụng đất vào giá trị DN, chỉ làm thủ tục thuê một phần diện tích đất đang quản lý, sử dụng. Quá trình sử dụng đất còn có tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, mang đất đi góp vốn, cho thuê, mượn sai quy định…
Nhìn về tổng thể những khiếm khuyết tồn tại về thực hiện CPH DNNN, theo Thanh tra Chính phủ, thực hiện CPH DNNN là lĩnh vực có tính đặc thù, nên công tác tổ chức còn lúng túng; một số DN thuộc diện thực hiện triển khai điểm, ban chỉ đạo kiêm nhiệm nên quá trình thực hiện bị ảnh hưởng, hạn chế đến kết quả CPH và dễ mắc khuyết điểm khi thực thi.
Ngoài ra, những quy định của Nhà nước về CPH chưa đầy đủ, lại thay đổi nhiều lần trong thời gian ngắn, một số nội dung còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể nên khó áp dụng trong thực tế. Thí dụ, quy định về xác định giá thị trường về chất lượng tài sản, giá trị quyền sử dụng đất… còn sơ sài, có nhiều điểm không rõ; quy định về xác định lợi thế DN không đủ cơ sở áp dụng với trường hợp CPH bộ phận DN, hoặc DN hạch toán phụ thuộc. Những tổ chức, cá nhân ở bộ, ngành, địa phương, DN có nhiệm vụ triển khai, thực hiện CPH DNNN còn thiếu trách nhiệm, đặc biệt là các đơn vị tư vấn xác định giá trị DN.

Ngăn chặn thất thu ngân sách
Giai đoạn 2012-2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH của 17 DN. Kết quả kiểm toán cho thấy, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi CPH và định giá DN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước.
 Việc CPH DNNN như một công cuộc tái cơ cấu kinh doanh, trong đó cần coi trọng tính thị trường. Cổ phiếu Vietcombank lúc phát hành lần đầu giá rất cao, sau lại giảm. Ngược lại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thoái vốn giá thấp, đến khi niêm yết lại được giá cao. Cho nên, xem xét việc bán cổ phần, thoái vốn phải xác định thời điểm để những người có trách nhiệm mạnh dạn ra quyết định mà không chùn tay vì sợ làm sai quy trình, thất thoát vốn. 
Ông HỒ XUÂN HÙNG,
Cục trưởng Cục Phát triển DN
(Bộ KH-ĐT)
Đặc biệt là những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán… Qua kiểm toán, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 22.356 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), từ thực tế CPH các DN trực thuộc, Vinatex đề xuất không nên định giá quyền sử dụng đất vào giá trị DN để CPH, mà sau khi CPH việc sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chi tiết để sử dụng đúng mục đích. Điều này có nghĩa sau khi CPH cần có giải pháp xử lý linh hoạt trong các trường hợp sử dụng đất khác nhau.
Các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giá đất phải do các địa phương thực hiện định giá sát giá thị trường. Trường hợp nhượng bán quyền sử dụng đất phải thực hiện đấu giá (bao gồm cả tài sản trên đất). Trường hợp hợp tác kinh doanh để khai thác quỹ đất đúng quy hoạch của địa phương, phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước khoản tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 
Về việc sử dụng khoản tiền thu về sau CPH, nhiều chuyên gia cho rằng cần sửa đổi, luật hóa các quy định về CPH, thậm chí sửa Luật DN và một số văn bản luật có liên quan. Tháng 11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/NĐ-CP về chuyển đổi DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP, để tháo gỡ những vướng mắc trong sắp xếp, CPH DNNN. Tuy nhiên, một số nội dung trong nghị định này được nhiều chuyên gia cho là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thí dụ, quy định về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, thực chất là tiền ngân sách. Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước để bổ sung những quy định về quỹ này. Trường hợp chưa kịp sửa luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành một nghị quyết về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. 
Trên thực tế, Nghị định 126 cũng đã bịt một số lỗ hổng liên quan đến đất đai. Theo đó, căn cứ giá đất do UBND cấp tỉnh công bố, DN CPH có trách nhiệm tính vào giá trị DN. Đồng thời, nghị định đã bổ sung quy định về xử lý đất đối với DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng, DN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phương án sử dụng đất phải phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch của địa phương. Vậy nhưng, khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của DN CPH, Nhà nước đã phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp quy hoạch… 
CPH DNNN: Hoàn thiện pháp luật, chặt chẽ thực thi ảnh 1 Nhà máy Đạm Ninh Bình, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - một cái tên sẽ phải CPH trong 2018-2019. 
Đừng CPH lấy được
Nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh bảo vệ quyền lợi của người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, băn khoăn: “Công đoàn và người lao động mua cổ phần không dễ, nhưng nếu sau khi được mua với giá ưu đãi, có khi thành “bạc đãi”, như trường hợp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận việc người lao động tại một số công ty con bị thiệt thòi, chưa được thụ hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi một cách hợp lý.
Cùng quan điểm phải lấy hiệu quả CPH làm trọng thay vì chạy theo tiến độ, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Chúng ta muốn quản trị DN theo thông lệ quốc tế tốt, đầu tiên là chọn người lãnh đạo giỏi, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của họ trong quá trình quản lý DN. Sau đó có phương án kinh doanh tốt cho DN sau CPH, đừng chỉ cố gắng CPH lấy được. Bán nhanh quá, vội quá là mất tiền của Nhà nước. Phải có luật về CPH DNNN, bởi nếu như từ trước đến nay đa số DNNN được CPH thuộc diện nhỏ lẻ, gần đây đã có những DNNN quy mô rất lớn và đang ăn nên làm ra. Chỉ riêng bán cổ phần tại Sabeco đã thu về 110.000 tỷ đồng. Những khối tài sản khổng lồ này đem bán không cẩn thận sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ. Tiền thu về phải đầu tư vào các dự án cần hơn, tốt hơn, không phải hòa chung vào ngân sách. Sau khi Quốc hội quyết định lựa chọn được dự án thật tốt để đầu tư vào, có thể triển khai với thủ tục nhanh gọn". 

Các tin khác