CPH thuận lợi, thoái vốn gặp khó

(ĐTTCO)-Hoạt động CPH DNNN được dự báo diễn ra sôi động trong năm 2020. Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn có thể sẽ trầm lắng do thị trường chứng khoán (TTCK) đang gặp nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài.
Muốn thoái vốn suôn sẻ phải mở room ngoại.
Muốn thoái vốn suôn sẻ phải mở room ngoại.
Hiệu quả thấy rõ
Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán (CTCK) Yuanta Việt Nam (YSVN), dữ liệu thu thập 896 DN đã CPH và thoái vốn nhà nước từ năm 2005 đến nay, cho thấy tỷ số lợi nhuận trên vốn (ROE) trung bình 3 năm sau thoái vốn đạt 15,4%, trong khi trước khi thoái vốn 12,4%. Tương tự, tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) trung bình trước thoái vốn 1,5%, sau thoái vốn ở mức 1,6%.
Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế của DN có tốc độ tăng trưởng giảm dần sau khi CPH. Trước khi thoái vốn, tăng trưởng tổng tài sản có xu hướng tăng sau đó chững lại, tới năm thứ 2 mới dần cải thiện.
Thông thường, DN sau thoái vốn mất khoảng 2 năm để tái cơ cấu lại tài sản, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế giảm thể hiện rõ hiệu quả thoái vốn DN sau 2 năm.
Những con số thống kê trên cho thấy sau khi Nhà nước rút vốn khỏi các DN, dù dưới hình thức thoái vốn hay CPH để nhà đầu tư (NĐT) bên ngoài tham gia DN, về mặt hiệu quả hoạt động của DN cải thiện lên khá nhiều.
Mặc dù sau khi DN được CPH, tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có phần chậm lại nhưng hoạt động thoái vốn giúp cho DN cải thiện về chất lượng tài chính khi tăng lợi nhuận được cải thiện đáng kể, nhất là sau 2 năm kể từ khi thoái vốn nhà nước.
Không chỉ mang lại hiệu quả cho bản thân DN, hoạt động thoái vốn, CPH cũng là động lực tăng trưởng cho TTCK với sự gia tăng về thanh khoản.
Đơn cử giai đoạn 2007-2008 và 2015-2016, hoạt động thoái vốn và CPH được Nhà nước đẩy mạnh. Khoảng thời gian sau đó, thanh khoản TTCK được cải thiện đáng kể với 1.623 tỷ đồng/phiên năm 2009 (tăng 226% so với 2008), năm 2018 đạt 5.259 tỷ đồng/phiên (tăng 28% so với 2017).

Kỳ vọng CPH
Dù hiệu quả của DN sau CPH và thoái vốn rất sáng sủa, nhưng vì sao hoạt động này vẫn ì ạch trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2019? 
Theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTG, kế hoạch CPH 127 DNNN giai đoạn 2017-2020, nhưng tính tới nay chỉ 37 DN thực hiện CPH, đạt 29% so với kế hoạch. Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái vốn nhà nước tại 406 DN trị giá khoảng 60.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế 2017-2019, mới thực hiện được tại 44 DN, thu về giá trị 4.566 tỷ đồng, đạt 7,5% so với kế hoạch.
Với thực tế này, hoạt động CPH và thoái vốn được dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới. Việc đẩy nhanh tiến độ CPH trong năm 2020 cũng được Thủ tướng Chính phủ đề cập tại Quyết định 26/2019/QĐ-TTg buộc 93 DNNN phải CPH trong năm 2020. Đó là Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood I), Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1), Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2)… Trong đó, 2 thương vụ lớn được chờ đợi trong đợt CPH sắp tới là Mobifone và Agribank.
Theo Công văn 991/TTg-ĐMDN, Mobifone sẽ tiến hành CPH trong năm 2018. Tuy nhiên, do liên quan tới các vấn đề pháp lý xung quanh thương vụ AVG nên đã bị chậm trễ. Nhiều khả năng, hoạt động CPH tổng công ty này sẽ tiến hành trong quý IV. Không chỉ NĐT trong nước mà các tập đoàn viễn thông nước ngoài rất quan tâm tới thương vụ này, như Singtel (Singapore), Telenor (Na Uy), Comvik (Thụy Điển) và Telstra (Australia). 
Đối với Agribank, hiện Ban CPH ngân hàng này đã được thành lập nhằm chuẩn bị cho kế hoạch CPH. Trong năm qua, Agribank cũng đã củng cố năng lực tài chính và chuẩn bị nền tảng cho quá trình CPH. Ngoài ra, đứng trước cuộc chạy đua tăng vốn của các ngân hàng thương mại, CPH cũng là giải pháp giúp Agribank không bị rớt lại so với các ngân hàng khác.

Nút thắt thoái vốn 
 Theo quy định các DN sau khi CPH 90 ngày phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tính tới hiện tại chỉ 64,2% DN sau CPH đã thực hiện niêm yết trên TTCK.
Ngược với kỳ vọng CPH, hoạt động thoái vốn có thể không được thuận lợi do những diễn biến thất thường của TTCK. Tuy nhiên, nếu tận dụng được thời điểm thích hợp việc thoái vốn vẫn có khả năng thành công. Lấy dẫn chứng từ thương vụ thoái vốn nhà nước thành công tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong năm 2017.
Trong năm 2019, dù TTCK không thuận lợi nhưng CTCP In báo Lào Cai vẫn thoái vốn khá thành công với mức giá bán bình quân lên đến 16,5 triệu đồng/cổ phần, thu về 7.526 tỷ đồng.
Như vậy, việc thoái vốn nếu được đẩy mạnh sẽ góp phần tạo nên nhiều hàng hóa tốt cho TTCK và tạo sức hút với NĐT. TTCK là nơi giao dịch giữa người mua và người bán. Để thúc đẩy thị trường phát triển cần xét 2 phía.
Đầu tiên là từ người bán, tức số lượng DN tham gia thị trường càng lớn, quy mô thị trường càng lớn. Thứ hai, từ người mua là NĐT sẽ có nhiều lựa chọn trên TTCK, trong bối cảnh thị trường không có quá nhiều CP có chất lượng tài sản tốt và quy mô vốn hóa lớn. 
Tuy nhiên, nút thắt ở đây chính là vấn đề sở hữu khối ngoại các CP hiện tại trên sàn gần như đã kín room. Điều này khiến cơ hội để dòng tiền của khối ngoại vào TTCK Việt Nam sẽ dần thu hẹp nếu không xuất hiện các cơ hội đầu tư mới hấp dẫn trên TTCK.
“Nếu chỉ vì TTCK đang giảm mà hạn chế các hoạt động thoái vốn là quan niệm sai. Hoạt động thoái vốn nếu được đẩy mạnh sẽ giải được bài toán từ 2 chiều về cả tăng quy mô cho thị trường lẫn tạo điều kiện để nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường” - một chuyên gia kinh tế chia sẻ. 

Các tin khác