CPI TP.HCM tăng 2,36% trong năm 2021

(ĐTTCO)-Riêng trong tháng 12, chỉ số giá nhóm lương thực của TP.HCM tăng 0,09% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá gạo giảm 0,32% do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhu cầu gạo.
Người dân mua thực phẩm tại một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Người dân mua thực phẩm tại một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 30/12, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 giảm 0,3% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 tăng 1,24% và bình quân năm 2021 tăng 2,36%.

Phân tích một số nhóm hàng cụ thể, Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,25% so với tháng trước; trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 12/2021 tăng 0,09% so với tháng trước; giá gạo, bột mì và ngũ cốc, lương thực chế biến đều giảm; trong đó, chỉ số giá gạo giảm 0,32% do ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu gạo.

Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,45%; trong đó, thịt gia súc giảm 2,17%; thịt gia cầm giảm 0,41%; thịt chế biến giảm 0,01%; trứng các loại giảm 0,71%; thủy sản tươi sống giảm 1,14%; thủy sản chế biến giảm 0,15%.

Đáng chú ý, trong nhóm thực phẩm, giá heo hơi trung bình tiếp tục xu hướng giảm, do hiện tại nguồn cung vẫn lớn trong khi nhu cầu chưa cao bởi nhiều bếp ăn trường học, công ty, nhà hàng hoạt động còn rất ít. Rau tươi, khô và chế biến tăng 1,8%; trong đó, giá bắp cải, su hào đặc biệt là cà chua tăng cao.

Nguyên nhân nhóm rau tăng là tình hình dịch bệnh hiện còn phức tạp tại Việt Nam, nông dân chủ yếu tập trung vào trồng các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn nhằm đủ nguồn cung, còn những loại cần thời gian gieo trồng lâu sẽ tiếp tục thiếu trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua một số cơn mưa chuyển mùa cũng khiến rau bị hư hại, giảm sản lượng nên cũng ảnh hưởng đến nguồn cung. Đường mật tăng 1,51%, sau thời gian gặp khó khăn trước sức ép từ đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan, ngành mía đường trong nước đang có những dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Cùng xu hướng giảm giá, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tháng 12/2021 giảm 0,38% so tháng trước, chủ yếu do giá nước sinh hoạt giảm vì sang tháng 12 các khách hàng sử dụng nước sinh hoạt sẽ được giảm 10% trên hóa đơn tiền nước trong 3 tháng, từ kỳ tháng 9/2021.

Chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt giảm 4,77% trong đó giá gas điều chỉnh giảm 24.000 đồng/bình; chỉ số giá dầu hỏa giảm 5,24%.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 12/2021 giảm 1,62% so tháng trước chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 4,04% do ảnh hưởng thông tin của biến thể Omicron, giá xăng dầu điều chỉnh giảm từ ngày 10/12/2021 và điều chỉnh tăng từ ngày 25/12/2021.

Đánh giá chung về tình hình chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2021, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2021, diễn biến giá cả của một số nhóm mặt hàng có sự biến động khi tình hình dịch COVID-19 tại thành phố phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng liên tục, kéo theo nhu cầu của một số mặt hàng có thời điểm tăng cao như lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên, thành phố đã nhanh chóng xây dựng các chương trình nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, ổn định giá cả trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước và các đơn vị kinh doanh trên địa bàn như hỗ trợ giảm giá điện nước cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn giảm học phí; hỗ trợ tiền thuê nhà cho khách thuê cũng tác động tích cực đến việc kiểm soát giá cả...

Các tin khác