CPTPP động lực gia tăng cải cách

(ĐTTCO) - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, với 100% số đại biểu có mặt bấm nút tán thành. 
CPTPP động lực gia tăng cải cách

Như vậy, Việt Nam là nước thứ 7 phê chuẩn hiệp định này sau Mexico, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore và Australia.

Việc tham gia CPTPP sẽ giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. CPTPP sẽ mở ra sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Ước tính gần đây chỉ ra rằng, dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia CPTPP sẽ tăng 6% đến năm 2030, và từng nước thành viên đạt tổng mức thu nhập thực tế 157 tỷ USD/năm. CPTPP về cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Chẳng hạn các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông… 
Ngoài các lợi ích về thương mại, điều quan trọng nhất là CPTPP sẽ giúp khuyến khích và thúc đẩy cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực như dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan… Điều này có nghĩa, tham gia CPTPP sẽ là cơ hội để Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường kinh doanh (MTKD) thông thoáng, minh bạch.
Đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện MTKD, cải cách bộ máy hành chính nhưng chưa đủ, những nỗ lực đó mới là bước đầu, vẫn cần phải đi sâu vào cải cách thể chế để thật sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chứng kiến cuộc cách mạng cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) rất quyết liệt.
Tuy nhiên, nhiều ĐKKD vẫn đang tiếp tục tạo ra rào cản, khiến MTKD tuy đã có cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng. 
Trong bảng xếp hạng MTKD do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, cho thấy Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới, xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP - một khoảng cách còn quá lớn. Trong khi đó, CPTPP quy định rất nhiều nghĩa vụ, trong đó có các nghĩa vụ liên quan đến minh bạch hóa, xử lý tranh chấp, phòng chống tham nhũng và rất nhiều nghĩa vụ khác tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Nếu thực hiện những nghĩa vụ này, Việt Nam phải sửa đổi hàng loạt quy định pháp luật.
Vì thế, đây là lúc con đường cải cách của Việt Nam phải được tăng tốc, bắt đầu từ những điều đơn giản như khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Việc cần làm lúc này là Chính phủ tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của CPTPP; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của MTKD.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng cần xác định đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể nói, CPTPP là động lực để Việt Nam cải cách thể chế lần thứ hai, sau WTO. Bởi có cải cách thể chế mới mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nên đây vừa là nhu cầu vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia sân chơi chung. Quan trọng là Việt Nam phải duy trì được đà cải cách liên tục và có chất lượng sau khi gia nhập CPTPP.
Ngược lại nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt từ các cơ quan của Chính phủ cho tới các cấp cơ sở, chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội CPTPP mang lại. 

Các tin khác